(GLO)- Tôi biết Phan Thị Thùy Dung từ hơn 30 năm trước, cái thời mọi thứ đều dựa vào tem phiếu, mua bán thứ gì đó bên ngoài các loại cửa hàng của quốc doanh đều được coi là... con buôn và chợ đen. Hồi ấy, Dung cũng như nhiều chàng trai, cô gái khác, rời ghế nhà trường là tìm ngay cho mình một công việc gì ấy phải là trong cơ quan nhà nước, trong “hàng ngũ” quốc doanh. Dung may mắn tìm được một chỗ làm ổn định, thu nhập khá-nhân viên bưu điện.
Bẵng đi một thời gian khá lâu, khi tôi trở lại Phố núi Pleiku, Dung đã là một bà chủ, có một gia đình hạnh phúc, sở hữu một doanh nghiệp kinh doanh ngành dịch vụ-thương mại có uy tín trong vùng. Thì ra, chẳng phải cô thiếu nữ Thùy Dung không yêu nghề mình đã chọn, nhưng do nghề không chọn cô. Cô chia tay với một ngành mà công việc lúc bấy giờ thiên hạ không hiếm người ước ao, để chọn cái nghề có danh nhưng không “ngôn thuận”-con buôn. Gia đình, bạn bè khuyên bảo cách sao cũng không lay chuyển “ý mà mình đã định”-Dung bảo thế.
Rồi cái khó, cái khổ cũng qua đi, “sự khó khăn, khổ sở thời ấy đâu chỉ có mình mình, cả đất nước và mọi gia đình đều khổ đấy chứ, mỗi người tìm cho mình một cách khắc phục, thì sự khó nào rồi cũng qua đi”. Và quả là như vậy, đất nước sang trang, luồng gió đổi mới thổi về, nhiều chủ trương, chính sách của Nhà nước trở nên thông thoáng, giúp mọi người, mọi nhà và doanh nghiệp có cơ hội đầu tư, sản xuất kinh doanh, làm ăn chân chính. Từ một vài cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ, Dung đứng ra thành lập doanh nghiệp, được chính quyền địa phương ủng hộ, giúp đỡ, tạo nhiều thuận lợi để Doanh nghiệp Thùy Dung ngày càng phát triển.
DNTN Thương mại Thùy Dung tặng quà cho người mù. Ảnh: Đ.M.P |
Ngày nay, sau ngần ấy năm lăn lộn với thương trường, từ việc trồng cà phê, hồ tiêu; đến việc kinh doanh thương mại, dịch vụ, doanh nghiệp của Dung đã có một chuỗi cửa hàng mua bán sỉ và lẻ trên địa bàn TP. Pleiku và nhiều đại lý ở cả trong và ngoài tỉnh. Thùy Dung bảo: “Đã và đang là người trồng cà phê, hồ tiêu, mình rất hiểu sự vất vả của người nông dân. Do vậy, những năm lại đây, Doanh nghiệp Thùy Dung đã nghiên cứu và đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản và phải là các loại nông sản “sạch”, cả cà phê, hồ tiêu cũng như măng le khô, với phương châm coi sức khỏe của người tiêu dùng là trên hết, muốn vậy từ người chủ đến người làm công đều phải có cái tâm, phải có trách nhiệm với người tiêu dùng từ các sản phẩm mình làm ra, tạo lòng tin cho khách hàng, có vậy mới tồn tại, mới phát triển”.
Hiện nay, DNTN Thương mại Thùy Dung đang đầu tư nhiều chục tỷ đồng vào lĩnh vực nhà hàng khách sạn ngay tại Phố núi Pleiku. Đây là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng chưa được đầu tư khai thác đúng mức. Pleiku, nơi rất đáng đến cho du khách trong và ngoài nước, nhiều địa chỉ về văn hóa, lịch sử, truyền thống, nơi được coi là trung tâm của Tam giác phát triển của ba nước Đông Dương, thế nhưng cho đến nay, nơi này chưa được nhiều người quan tâm, bởi sự phát triển của ngành du lịch, dịch vụ lưu trú, giải trí... còn khá khiêm tốn, nếu không muốn nói là quá yếu. Hy vọng sự đầu tư của DNTN Thương mại Thùy Dung góp một phần cải thiện tình hình cho ngành “công nghiệp không khói” này, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động và tăng thêm nguồn thu cho ngân sách địa phương, lại phù hợp với chủ trương phát triển mạnh loại hình doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa, với con số 2 triệu doanh nghiệp từ nay đến năm 2020 mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vừa qua đã nói đến.
Hơn thế nữa, “Dung còn nhiều trăn trở lắm, muốn làm sao đạt được và giữ được... 5 điều giúp”-chị cho biết. Theo Thùy Dung, 5 điều giúp ấy là: góp phần nhỏ giúp cho người nông dân khi sản phẩm mình làm ra có nơi tiêu thụ ổn định; giúp công nhân có việc làm và thu nhập ngày càng khá hơn; giúp người thân, gia đình mình đảm bảo cuộc sống, con cháu được học hành và có việc làm; giúp những phận đời không may mắn; và tâm nguyện “giúp” cuối cùng là chế biến thành các sản phẩm “tinh” mang thương hiệu tỉnh nhà. Vậy là, DNTN Thương mại Thùy Dung cho ra đời thêm sản phẩm cà phê mang thương hiệu Thùy Dung-Ngọc Linh. Dây chuyền sản xuất ra sản phẩm cà phê Thùy Dung-Ngọc Linh có thiết bị hiện đại, cho sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn. Cam kết của doanh nghiệp là: “Các sản phẩm luôn đảm bảo chất lượng và hướng về người tiêu dùng, đảm bảo sức khỏe của họ”.
Trong cơ chế hiện nay, cho dù đã có nhiều chính sách cải thiện, thông thoáng của Nhà nước và địa phương giúp doanh nghiệp và người dân nhiều cơ hội đầu tư sản xuất kinh doanh, nhưng tình hình thị trường không ổn định, nhất là giá cả của các loại nông sản tăng, giảm thất thường, doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp không ít khó khăn. DNTN Thương mại Thùy Dung không nằm ngoại lệ, thế nhưng hỏi về nghĩa vụ thuế, về thu nhập của người lao động trong doanh nghiệp thì chị bảo: Nghĩa vụ thuế với Nhà nước thì đương nhiên phải chấp hành nghiêm túc; với người lao động cũng thế, chị cho hay ngoài đảm bảo đời sống, những người lao động “chung thủy” với mình, rồi đây chị sẽ hỗ trợ cả nơi ở để mọi người càng yên tâm hơn mà tích cực lao động, chung tay xây dựng, phát triển doanh nghiệp.
Trở lại chuyện góp phần nhỏ giúp đỡ những phận đời không may mắn, cách đây mấy năm, Dung gọi điện thoại nhờ tôi hỗ trợ doanh nghiệp của Dung đem một ít quà nhỏ giúp bà con là người trong diện chính sách, nghèo ở một huyện biên giới trong dịp 27-7. Gì chứ chuyện này thì tôi nhận lời vô điều kiện, kêu thêm một anh bạn già cùng đi, anh ấy luôn tỏ ra ngạc nhiên, bởi người ta đi làm từ thiện thì rầm rộ đài báo, quay chụp liên miên, còn đằng này... đơn giản thôi, ông xã nhà Dung cầm lái, gói gọn trên một chiếc xe 7 chỗ khiêm nhường, cứ theo địa chỉ những người được cán bộ địa phương giới thiệu là đối tượng nhận sự hỗ trợ lần này đã có sẵn và nhờ sự hướng dẫn của chị cán bộ Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện. Thế mà, đến nhà ai, ai cũng rưng rưng, nói lời cảm ơn Đảng và chính quyền. Mới đây, hôm 25 và 26-11, thông qua Hội Người mù tỉnh Gia Lai, Thùy Dung đã trao đến tay người mù ở 3 huyện: Chư Prông, Đức Cơ và Ia Grai 100 suất quà, mỗi suất 500.000 đồng. Cả tỉnh, theo thống kê chưa đầy đủ có gần 1.000 người khiếm thị, “Lần này, Thùy Dung chỉ hỗ trợ có ngần ấy chưa thấm vào đâu với những người khuyết tật luôn mong muốn được sự giúp đỡ của cộng đồng”-Dung bảo thế.
Hàng năm cứ vào dịp lễ, Tết là Thùy Dung lại nhờ tôi, “của ít lòng nhiều, mình phải đem đến tận nơi người nhận, việc mình làm tâm mình biết, của cho không bằng cách cho mà”-Dung tâm sự. Được biết, Thùy Dung còn nhiều lần giúp đỡ cho các nhà chùa, nơi thờ phụng tâm linh trên địa bàn cả đất và vườn, vật liệu xây dựng, xây nhà cho người nghèo, người cô đơn hoạn nạn... Dịp cuối năm nay-2016, trước mắt, Thùy Dung nhờ Hội Người mù tỉnh Gia Lai giúp cho doanh nghiệp một danh sách bà con người mù của mấy huyện biên giới, chừng trăm người, để Thùy Dung sắp xếp thời gian đến gửi cho bà con ít quà. Dĩ nhiên chuyện lần này cũng thế, không thể thiếu sự “ăn theo” của tác giả bài viết này.
Đoàn Minh Phụng