Kinh tế

Giá cả thị trường

Người tiêu dùng Ia Pa tiếp cận với nông sản sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những phiên chợ nông sản an toàn được tổ chức vào dịp đầu năm trên địa bàn huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) góp phần quảng bá sản phẩm nông nghiệp sạch đến với người tiêu dùng.
Phiên chợ Tết an toàn do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện tổ chức ngày 8-1 gồm 14 gian hàng đến từ Hội LHPN các xã và đơn vị kinh doanh trên địa bàn. Trong khi đó, Phiên chợ nông sản an toàn do UBND huyện tổ chức ngày 22-1 thu hút 16 gian hàng của các xã và hội, đoàn thể của huyện tham gia.
Sản phẩm tại 2 phiên chợ bao gồm: rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm; các sản phẩm đã qua chế biến như: mật ong, tinh bột nghệ, đường; các sản phẩm truyền thống của địa phương như: muối cỏ thơm, rượu ghè, men rễ cây, thổ cẩm, gùi, nong, nia… Bên cạnh đó, tại các phiên chợ còn có sản phẩm phục vụ Tết cổ truyền của dân tộc như: mứt, bánh chưng, bánh tét, hoa quả sấy khô… Đây đều là những sản phẩm sạch và giá cả phải chăng.
Khách hàng tham quan, mua sắm tại Phiên chợ Tết an toàn. Ảnh: Vũ Chi
Khách hàng tham quan, mua sắm tại Phiên chợ Tết an toàn. Ảnh: Vũ Chi
Đến với Phiên chợ Tết an toàn, Hội LHPN xã Pờ Tó có 2 gian hàng, trong đó, “gian hàng 0 đồng” trưng bày quần áo miễn phí dành cho người dân có hoàn cảnh khó khăn lựa chọn và 1 gian hàng trưng bày nông sản của địa phương. Bà Lương Thị Hảo Yến-Chủ tịch Hội LHPN xã-cho biết: “Phiên chợ là cơ hội để chị em giới thiệu các loại nông sản sạch đến người tiêu dùng. Vì vậy, ai cũng háo hức tham gia. Qua 1 ngày trưng bày, hầu hết các sản phẩm đều bán rất chạy. Hy vọng, sau dịp này, chị em liên kết, mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm tốt hơn”.
Tương tự, tham gia Phiên chợ nông sản an toàn, gian hàng của UBND xã Ia Ma Rơn gồm nhiều loại rau quả. Anh Nguyễn Tấn Minh (thôn Đoàn Kết) cho biết: Hiện nay, Tổ hội trồng nấm rơm của xã có 10 thành viên, mỗi ngày cung cấp hơn 1 tạ nấm cho các chợ ở thị xã Ayun Pa, huyện Phú Thiện. Tham gia phiên chợ lần này, Tổ hội trồng nấm hy vọng có thể mở rộng thị trường, giải quyết bài toán về đầu ra cho sản phẩm.
Khách hàng tìm mua các loại gia vị truyền thống của người Jrai như muối kiến, muối cỏ thơm.Ảnh.Vũ Chi
Khách hàng tìm mua các loại gia vị truyền thống của người Jrai như muối kiến, muối cỏ thơm. Ảnh: Vũ Chi
Có mặt tại phiên chợ, chị Nguyễn Thị Thanh Cúc (thôn Đoàn Kết, xã Ia Ma Rơn) vui vẻ cho hay: “Tôi rất thích  những phiên chợ nông sản an toàn vì cảm thấy yên tâm về chất lượng sản phẩm. Các loại trái cây, rau xanh đều rất tươi ngon mà giá cả lại phải chăng. Đặc biệt, mình có thể mua những loại gia vị nổi tiếng của người Jrai như: muối kiến, muối cỏ thơm, muối cá trích lá é…”.
Còn chị Kpă Tuyên (xã Ia Trok) thì bộc bạch: “Không khí tại phiên chợ thật đông vui. Chủ các gian hàng đều vui vẻ, niềm nở chào mời khách. Mình không chỉ được giới thiệu về sản phẩm mà còn có thể được hướng dẫn quy trình làm. Gia đình mình cũng trồng được ít cây ăn quả. Nếu huyện tổ chức phiên chợ tiếp theo, mình sẽ đăng ký với UBND xã để được hướng dẫn tham gia”.
Trao đổi với P.V, ông Trần Quốc Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa-cho biết: Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp huyện nhà có những chuyển biến tích cực. Nhiều tổ chức, cá nhân ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất theo hướng VietGAP. Tuy nhiên, đầu ra cho nông sản an toàn và cách tiếp cận thị trường của các cơ sở sản xuất, hộ gia đình vẫn còn khó khăn. Trong khi đó, kênh phân phối truyền thống là các chợ vẫn còn lẫn lộn nông sản an toàn và không an toàn.
“Phiên chợ nông sản an toàn là hình thức tổ chức thị trường mới, giúp người tiêu dùng tiếp cận với nông sản đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, nhận biết được nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, nhằm mục đích hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, từ đó xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu cho nông sản huyện nhà”-Phó Chủ tịch UBND huyện thông tin.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm