TN - Đất & Người

Người tốt-Việc tốt: "Bóng cả" làng Kênh Săn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Là người có uy tín ở làng Kênh Săn nên mọi lời nói của già Siu Grọk đều được dân làng tin tưởng. Già rất tích cực vận động người dân chăm lo sản xuất, đóng góp xây dựng hạ tầng, cải tạo cảnh quan, góp phần cùng xã thực hiện tốt các tiêu chí nông thôn mới”-chị Siu HThăm-cán bộ Địa chính-Nông nghiệp xã Ia Le (huyện Chư Pưh, Gia Lai) nhận xét.
“Giữ ấm” tình làng, nghĩa xóm
Gần 70 tuổi nhưng chưa khi nào già Grọk nghĩ đến việc nghỉ ngơi. Hàng ngày, nếu không đi thăm vườn cây của gia đình thì già lại tìm đến tận từng nhà để gặp gỡ, khuyên bảo mọi người không nghe theo kẻ xấu xúi giục vượt biên, không tụ tập gây rối trật tự công cộng, chấp hành đúng quy định của Luật Giao thông Đường bộ. Nhờ nắm chắc các quy ước, hương ước của làng, lại thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức pháp luật nên già thường được người dân tìm đến nhờ hòa giải mỗi khi có bất hòa xảy ra. “Mỗi lần hòa giải, mình mời nhiều người tới tham gia để giải thích, lấy ý kiến của mọi người cho đến khi cả hai bên đều đồng thuận. Vấn đề nào liên quan đến hương ước, quy ước của làng thì mình khuyên giải, vấn đề nào vi phạm pháp luật thì mình phân tích theo quy định nhằm giúp họ nhận ra cái đúng, cái sai để sửa chữa”-già Grọk chia sẻ kinh nghiệm.
 Già Siu Grọk. Ảnh: H.T
Già Siu Grọk. Ảnh: H.T
Cũng theo chia sẻ của già Grọk, trước đây, trung bình mỗi năm ông tham gia hòa giải khoảng 10 vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, mâu thuẫn vợ chồng. Trong đó, nhiều vụ việc già phải đi vào đêm hôm và đi lại nhiều lần mới hòa giải thành công. Những năm gần đây, nhận thức của người dân được nâng lên nên các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng giảm hẳn. Trung bình mỗi năm, già chỉ hòa giải khoảng 5-7 vụ việc và đa số đều thành công. Trong số đó, già nhớ nhất là việc đã gắn kết thành công tình cảm của một cặp vợ chồng trẻ trong làng khi ấy đang đứng trước nguy cơ ly tán. “Ngày đó, Siu Hoang thường xuyên uống rượu say rồi về nhà đánh đập vợ, thậm chí nhiều lần còn đòi bỏ vợ. Mình đã khuyên Hoang nếu bỏ vợ thì theo tập tục của làng phải đền cho nhà vợ 1 con trâu, 2 con heo và 50 triệu đồng. Hơn nữa, vợ chồng bỏ nhau thì con cái không ai nuôi, chúng chẳng khác gì trẻ mồ côi, tội lắm”-già Grọk cho biết. Chỉ mấy câu phân tích đơn giản vậy thôi mà Hoang thấm thía lắm. Từ đó, Hoang bỏ hẳn rượu chè, không còn đòi bỏ vợ và chí thú làm ăn cho tới giờ.
Góp sức xây dựng nông thôn mới
Không chỉ tham gia hòa giải, già Grọk còn tích cực vận động người dân đóng góp ngày công và của cải vật chất để xây dựng nông thôn mới. Dẫn chúng tôi ra thăm con đường vừa được san gạt cách đây vài ngày, già Grọk phấn khởi cho biết, đây là con đường chính dẫn ra cánh đồng làng. Vì vậy, người dân đã đồng thuận di dời hàng rào để mở rộng đường và đóng góp thêm ngày công, tiền thuê máy móc san gạt tuyến đường này nhằm phục vụ cho việc đi lại và vận chuyển nông sản. Cũng theo già Grọk, ngoài tuyến đường này, mỗi lần làm việc gì, già đều phân tích cho người dân hiểu rằng việc làm đó mang lại lợi ích cho nhân dân nên ai cũng đều đồng tình hưởng ứng. Từ đó, người dân trong làng đã đóng góp được 770 ngày công, trên 117 triệu đồng cùng với Nhà nước sửa chữa, làm mới các tuyến đường giao thông nông thôn, lắp đường điện chiếu sáng. Già cũng thường xuyên vận động bà con di dời chuồng trại ra sau vườn, hưởng ứng các phong trào của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã trong xây dựng vườn rau xanh, dọn cỏ xung quanh nhà và đào hố chôn lấp rác để tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp.
Ngoài ra, già Grọk cũng thường xuyên vận động người dân trong làng tham gia các lớp tập huấn do địa phương tổ chức để học hỏi thêm kinh nghiệm, nâng cao trình độ sản xuất. Đồng thời, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, cải tạo vườn tạp, đặc biệt là trồng xen cây ăn quả vào vườn hồ tiêu để cải thiện thu nhập. Ông Siu Biong-Trưởng thôn Kênh Săn-cho biết: “Nhờ có già Grọk tích cực cùng với Ban Nhân dân thôn tuyên truyền, vận động mà người dân chăm chỉ hơn trong phát triển sản xuất và có nhiều đóng góp quan trọng để xây dựng Kênh Săn thành làng nông thôn mới kiểu mẫu trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, làng không còn hộ có nhà dột nát; thu nhập bình quân đầu người đạt 28,06 triệu đồng/năm; hộ nghèo giảm còn 12 hộ, chiếm tỷ lệ 5,02% (làng có 239 hộ). Ngoài ra, tất cả các tiêu chí còn lại cũng đều đã đạt yêu cầu chương trình xây dựng nông thôn mới”.
 NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm