Kinh tế

Nông nghiệp

Người trồng hồ tiêu ở Gia Lai tiếp tục gặp khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày này, bà con nông dân ở Gia Lai đang bước vào vụ thu hoạch hồ tiêu. Tuy giá hồ tiêu đang ở mức cao hơn cùng kỳ năm trước nhưng do năng suất giảm sâu khiến nhiều hộ dân tiếp tục lâm vào cảnh khó khăn chồng chất.
Năng suất giảm mạnh
Theo ghi nhận của P.V tại “thủ phủ hồ tiêu” Chư Sê-Chư Pưh, không khí vụ thu hoạch diễn ra khá trầm lắng, không còn cảnh nhộn nhịp như những năm được mùa, được giá. Thậm chí, để tiết kiệm chi phí, nhiều hộ không dám thuê nhân công mà tự thu hái.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do giá hồ tiêu liên tục giảm sâu trong những năm qua nên người dân hạn chế đầu tư hoặc bỏ bê vườn cây dẫn đến năng suất giảm mạnh. Đặc biệt, nhiều vườn hồ tiêu trên địa bàn 2 huyện này bị “xóa sổ” do dịch bệnh, nắng hạn. Cụ thể, huyện Chư Pưh hiện chỉ còn hơn 1.500 ha hồ tiêu, giảm gần một nửa so với giai đoạn 2015-2016; huyện Chư Sê còn 2.248 ha, giảm khoảng 1.000 ha so với trước đây.
4.000 trụ tiêu của gia đình Nguyễn Ngọc Hòa (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) chết dần chết mòn gần hết. Ảnh: Quang Tấn
4.000 trụ hồ tiêu của gia đình ông Nguyễn Ngọc Hòa (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) chết dần chết mòn do dịch bệnh và nắng hạn. Ảnh: Quang Tấn
Với 4.000 trụ hồ tiêu, trước đây, mỗi khi bước vào vụ thu hoạch, ông Nguyễn Ngọc Hòa (thôn Hòa Tín, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) phải chạy đôn chạy đáo tìm thuê nhân công. Tuy nhiên, những năm gần đây, vườn hồ tiêu chết dần chết mòn do dịch bệnh và nắng hạn, hiện chỉ còn hơn 300 trụ. Phần diện tích hồ tiêu này do không có tiền tái đầu tư nên cũng đang già cỗi, cho năng suất thấp. Để tiết kiệm chi phí, ông Hòa không thuê nhân công mà tự thu hoạch hồ tiêu.
“Với năng suất và giá hồ tiêu như hiện nay khoảng 52 ngàn đồng/kg, nếu thuê nhân công thu hoạch thì có khi không đủ để trả tiền công. 300 trụ này chắc thu được hơn 5 tạ, bán không đủ trả tiền lãi ngân hàng chứ chưa dám nghĩ đến khoản tiền vay ngày càng phình ra. Hiện tại, tôi còn nợ ngân hàng hơn 600 triệu đồng. Với tình hình như thế này có khi tôi đành bán nhà để trả nợ”-ông Hòa buồn bã nói.
Tương tự, hộ bà Nguyễn Thị Hậu (làng Hăng Ring, thị trấn Chư Sê) từng có hơn 1.000 trụ hồ tiêu nhưng dần già cỗi và chết do dịch bệnh và nắng hạn, hiện chỉ còn khoảng 500 trụ. “Do không có tiền tái đầu tư nên vườn hồ tiêu còi cọc, cho trái rất ít. Dự kiến vụ này, tôi chỉ thu được khoảng 1 tấn, giảm hơn 50% so với vụ trước. Với mức giá hiện tại thì không đủ tiền chi tiêu cũng như trả lãi ngân hàng”-bà Hậu cho hay.
Buồn bã do năng suất hồ tiêu giảm mạnh cũng là tâm trạng của ông Lê Hùng (thôn An Điền, xã Ia Blang, huyện Chư Sê). Gia đình ông có 3 ha hồ tiêu (tương đương 6.000 trụ). Vụ trước, ông thu hoạch hơn 15 tấn. Thế nhưng, năm nay, ông Hùng dự ước chỉ thu chưa tới 10 tấn.
Ông Hùng cho biết: “Giá hồ tiêu những năm gần đây xuống thấp, nhất là đầu năm 2020, giá giảm sâu kỷ lục, có thời điểm chỉ còn 35 ngàn đồng/kg. Chính vì vậy, người dân hầu như chỉ đầu tư cầm chừng để duy trì vườn cây dẫn đến năng suất cứ giảm dần qua từng năm. Hy vọng giá hồ tiêu tăng mạnh trở lại trong thời gian tới để chúng tôi phần nào giảm bớt khó khăn cũng như có tiền tái đầu tư, trả nợ ngân hàng”. 
Năng suất hồ tiêu của gia đình ông Lê Hùng (xã Ia Blang, huyện Chư Sê) giảm hơn 30% so với vụ trước. Ảnh: Quang Tấn
Năng suất hồ tiêu của gia đình ông Lê Hùng (xã Ia Blang, huyện Chư Sê) giảm hơn 30% so với vụ trước. Ảnh: Quang Tấn
Theo ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê, cây hồ tiêu hiện không xuất hiện bệnh chết nhanh, chết chậm như trước đây. Tuy nhiên, giá hồ tiêu những năm qua luôn ở mức thấp khiến nông dân gặp rất nhiều khó khăn, không có tiền tái đầu tư. Hệ quả là năng suất hồ tiêu liên tục giảm. Dự kiến, năng suất hồ tiêu của huyện vụ này giảm khoảng 20% so với năm trước.
Vận động nông dân liên kết sản xuất gắn với chế biến
Trao đổi với P.V, ông Hoàng Phước Bính-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê-nhận định: Hiện nay, hầu như nguồn dự trữ hồ tiêu trong dân cũng như các đại lý đã cạn kiệt. Trong khi đó, theo dự ước thì sản lượng hồ tiêu cả nước giảm khoảng 30% so với vụ trước.
Hiện tại, các doanh nghiệp lớn của TP. Hồ Chí Minh đang bắt đầu mạnh tay mua hàng dự trữ để xuất khẩu. Vì thế, thời điểm này bắt đầu xuất hiện tình trạng cầu vượt cung. Do thiếu hụt nguồn cung nên giá hồ tiêu bắt đầu tăng trở lại và dự kiến có thể tăng mạnh trong thời gian tới.
Giá tiêu xuống thấp, nhiều hộ cắt giảm chi phí tái đầu tư, thậm chí bỏ bê nên năng suất hồ tiêu giảm lần qua các năm. Ảnh: Quang Tấn
Nông dân thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Quang Tấn
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê, định hướng của huyện trong thời gian tới là không phát triển thêm diện tích hồ tiêu. Tuy nhiên, huyện cũng khuyến cáo người dân nên giữ lại diện tích hồ tiêu hiện có. Trong trường hợp muốn chuyển đổi cây trồng, bà con cần chọn loại phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nhằm phát huy lợi thế của vùng. Đồng thời, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm từng bước nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, tạo đầu ra ổn định cho mặt hàng này.
Còn theo ông Nguyễn Long Khánh-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh, thời gian qua, huyện đã xây dựng các mối liên kết theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm tổ chức lại sản xuất trên những cây trồng chủ lực như: hồ tiêu, cà phê, cây ăn quả…
Đối với những diện tích hồ tiêu bị chết do dịch bệnh, già cỗi thì huyện hướng dẫn người dân chuyển sang trồng các loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương như: cây ăn quả, rau màu gắn với chuỗi liên kết nhằm tạo đầu ra ổn định. Đặc biệt, huyện sẽ hỗ trợ xây dựng các hợp tác xã đủ mạnh để tổ chức liên kết sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, bền vững cũng như kêu gọi các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết nhằm bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá ổn định.
Liên quan đến ngành sản xuất hồ tiêu, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Toàn tỉnh hiện có 13.673 ha hồ tiêu, trong đó có gần 12.582 ha kinh doanh, còn lại đang trong quá trình kiến thiết cơ bản và trồng mới. Tổng sản lượng hồ tiêu bình quân hàng năm khoảng 47.260 tấn.
Mặc dù những năm gần đây, giá hồ tiêu xuống thấp, nhiều diện tích chết do dịch bệnh, hạn hán nhưng hồ tiêu vẫn là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh. Do đó, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh cùng các địa phương đã tập trung vận động người dân phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ, bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 200 ha hồ tiêu sản xuất theo các tiêu chuẩn như VietGAP, Organic. Nhiều diện tích hồ tiêu cũng đã được áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước.
“Để cây hồ tiêu phát triển bền vững, thời gian tới, ngành Nông nghiệp xác định không mở rộng diện tích. Thay vào đó, ngành sẽ tập trung vận động người dân duy trì, ổn định diện tích hồ tiêu từ 12.000 ha đến 13.000 ha. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất giữa nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp gắn với chế biến sâu nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao để phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước; chú trọng hướng dẫn người dân sản xuất theo các tiêu chuẩn và chế biến sâu, trong đó hết sức quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, từng bước nâng cao thương hiệu hồ tiêu Gia Lai”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin thêm.
QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm