Kinh tế

Nông nghiệp

Người trồng hoa Tết âu lo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mưa lũ kéo dài cộng thêm những tác động không mong muốn từ dịch Covid-19 khiến nhà vườn trồng hoa ở miền Trung dự đoán trước một cái Tết kém vui
Nhiều nhà vườn chủ động giảm sản lượng, cố công chăm tưới để "cứu" những vườn hoa đang bị hư hại nặng vì mưa lũ vừa qua.
Buồn vì mai nở sớm
Làng mai ở phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng những ngày này trở nên tất bật hơn. Ông Lê Hai - hộ trồng mai ở đường Tôn Đản, phường Hòa An - cho biết cả phường có hàng chục hộ trồng mai với hơn 10.000 gốc, vườn nhà ông trồng vài trăm gốc. Đợt rồi mưa lớn kéo dài nên gốc nào cũng ngấm đầy nước, công chăm sóc và vật tư tốn kém hơn hẳn mọi năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá mai dự báo không tăng mà có thể giảm và kén người mua, nhà vườn dự báo thất thu.
Cũng do mưa bão liên tục cuối tháng 10 và tháng 11 vừa qua, nhiều vườn mai tại "thủ phủ" mai vàng miền Trung (xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) bị chìm trong nước lũ, nay nhiều cây đã rụng lá và nở hoa lác đác dù còn cách Tết nguyên đán khoảng 2 tháng. "Sau bão số 12 vào giữa tháng 11 vừa qua, 200/400 gốc mai đang chờ bán Tết bị ngập nước nên lá rụng, ra hoa sớm, thiệt hại ban đầu ước tính 100 triệu đồng. Mỗi năm, người trồng mai chỉ chờ đợi vào những ngày giáp Tết để bán lấy tiền nhưng năm nay hoa nở sớm, không bán được. Coi như mất Tết!" - ông Phan Hồ Mạnh (ngụ thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An) than thở.
Không riêng vườn nhà ông Mạnh, hàng trăm hộ trồng mai ở Nhơn An cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Theo ông Nguyễn Tấn Đức, Chủ tịch UBND xã Nhơn An, hầu hết người dân địa phương không sản xuất lúa mà dùng mặt bằng các đám ruộng của gia đình đặt hàng trăm, hàng ngàn chậu mai để chăm sóc. Những ngày lũ vừa qua, nước vây tứ phía, hàng trăm ngàn cây mai ngập sâu trong nước nên giờ rụng lá, nở sớm.

Một hộ trồng cúc ở làng hoa Vân Dương, TP Đà Nẵng tất bật chăm sóc cây để kịp vụ Tết. Ảnh: BÍCH VÂN
Một hộ trồng cúc ở làng hoa Vân Dương, TP Đà Nẵng tất bật chăm sóc cây để kịp vụ Tết. Ảnh: BÍCH VÂN
Nguy cơ mất mùa lẫn mất giá
Tại làng hoa, cây cảnh Vân Dương (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), các hộ chủ yếu trồng hoa ngắn ngày như cúc, vạn thọ… và các loại hoa treo. Do mưa lớn nên đợt xuống giống trước bị hư hại hết, nhiều nhà vườn vừa phải xuống giống lần 2, "thúc" thêm nhiều phân và thuốc với hy vọng hoa ra kịp bán Tết.
Chị Lương Thị Tuyết Mai, một hộ trồng hoa ở Vân Dương, cho hay vườn nhà chị đang trồng khoảng 700 chậu cúc, giảm khoảng 300 chậu so với năm ngoái. Chị đang huy động nhân công để chăm sóc, tỉa cành, thắp điện cho cây…
Cũng đang cố gắng "thúc" vườn cúc của mình cho kịp Tết, anh Nguyễn Hữu Hùng, một hộ trồng hoa khác ở Vân Dương, cho biết phần lớn các hộ trồng hoa đều e dè, vừa sợ mất mùa vừa lo không bán được nên trồng số lượng ít hơn năm ngoái. "Dịch Covid-19 khiến kinh tế bị ảnh hưởng nên khách hàng sẽ không ưu tiên nhiều cho việc chơi hoa ngày Tết hoặc chỉ mua hạn chế" - anh Hùng dự đoán. Theo ông Phan Hiền, Giám đốc HTX Hoa - Cây cảnh Vân Dương, HTX có hơn 20 hộ tham gia trồng hoa và cây cảnh trên diện tích khoảng 3 ha, chủ yếu là hoa cúc. Thời điểm này các năm trước, nhiều thương lái đã đến đặt hàng nhưng hiện nay chưa có tín hiệu gì khiến nhà vườn đứng ngồi không yên.
Tương tự, tại các làng hoa nổi tiếng của Bình Định như Vĩnh Liêm (thị xã An Nhơn), Bình Lâm (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) và Hà Thanh (phường Đống Đa, TP Quy Nhơn), người trồng cúc dù đã chủ động cắt giảm 1/3, thậm chí 1/2 sản lượng so với mọi năm nhưng cũng đang "ngồi trên lửa" bởi lo không có đầu ra trong khi thời tiết diễn biến thất thường.
Tại xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế có khoảng 7 ha hoa bị thiệt hại gần như hoàn toàn. Ông Nguyễn Văn Dần - ngụ thôn Mỹ An, xã Phú Dương, - lo với thời tiết mưa và lạnh kéo dài như hiện nay, hoa Tết sẽ trễ vụ. Người trồng hoa chỉ còn hy vọng vào hoa trồng trong chậu. Các vựa hoa ở các xã Phú Thượng, Phú Mẫu của huyện Phú Vang cũng rơi vào cảnh khốn đốn khi mưa lũ đã nhấn chìm, làm hư hại hoàn toàn khi hoa mới trồng. Sau khi mất trắng 7 sào hoa do ngập lụt, anh Nguyễn Duy Trí (ngụ xã Phú Thượng) ngày ngày "ăn ngủ không yên" bởi Tết của cả gia đình trông chờ vào 200 chậu cúc mới ươm mầm. "Nếu thời tiết không thuận thì hoa chắc chắn nở không đúng dịp Tết" - anh Trí lo lắng.
Ông Hồ Đắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết đến nay, tỉnh này mới triển khai trồng khoảng 150 ha hoa màu và khoảng 45.000 hoa chậu.
Quảng Ngãi: Nỗ lực "vớt vát"
Mặc dù bão lũ đã qua hơn 1 tháng nhưng tại các làng chuyên canh hoa Tết ở xã Nghĩa Mỹ, Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) - nơi trồng hoa lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, khung cảnh tiêu điều, xác xơ khắp nơi. Rất nhiều vườn chuyên canh hoa Tết của người dân bị hư hỏng nặng. Ông Bùi Ngọc Sơn (ngụ xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa) cho biết cách đây vài tháng, hai vợ chồng vay 50 triệu đồng để trồng 1.500 chậu hoa cúc. "Bão số 9 ập tới, rồi tiếp mấy trận lũ nữa khiến cả vườn tả tơi, chỉ "cứu" được khoảng 1/3 số chậu hoa... Bao nhiêu công sức, vốn liếng của gia đình bỏ xuống, sắp tới đây nếu gặp giá rẻ bèo thì không biết lấy tiền đâu trả nợ" - ông Sơn lo lắng.

Sau những đợt bão lũ liên tiếp, nhiều làng hoa Tết ở Quảng Ngãi bị hư hỏng nặng. Ảnh: TỬ TRỰC
Sau những đợt bão lũ liên tiếp, nhiều làng hoa Tết ở Quảng Ngãi bị hư hỏng nặng. Ảnh: TỬ TRỰC
Tương tự, gia đình chị Bùi Thị Liễu (ngụ xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa) đầu tư hơn 30 triệu đồng trồng 600 chậu cúc và bị thiệt hại gần như toàn bộ. "Cố gắng lắm chúng tôi chỉ vớt vát được vài trăm chậu nhưng hoa èo uột, không được như kỳ vọng. Hy vọng gần Tết giá hoa lên cao để chúng tôi gỡ gạc chút ít vốn liếng" - chị Liễu buồn bã nói.
BÍCH VÂN - QUANG NHẬT - ĐỨC ANH - TỬ TRỰC (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm