Phóng sự - Ký sự

Người Việt trẻ 'thả lưới' tình thương ở xứ Nam Mỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Họ là những chàng trai, cô gái trẻ Việt Nam khoảng độ tuổi 30 thuộc những cộng đoàn Công giáo khác nhau, cùng đến những vùng xa xôi, hẻo lánh ở Nam Mỹ để giúp đỡ những thân phận nghèo khó.

Hiện nay, có khoảng 50 tu sĩ Công giáo người Việt Nam đang hoạt động tại Nam Mỹ, trong đó hơn 20 người đang sinh sống và làm việc tại Colombia. Những người tu sĩ này không chỉ tu học mà còn tham gia các hoạt động thiện nguyện, đóng góp tích cực cho cộng đồng địa phương. Sự hiện diện của họ mang lại nhiều ý nghĩa trong việc hỗ trợ và phát triển cộng đồng. Đây là một phần quan trọng trong nỗ lực xây dựng sự đoàn kết và phát triển bền vững.

Các tu sĩ Việt Nam tại Colombia tổ chức tết truyền thống
Các tu sĩ Việt Nam tại Colombia tổ chức tết truyền thống

Nước mắt di dân Nam Mỹ

Nối bước 2 anh trai làm linh mục, anh Bùi Đức Bình (sinh năm 1992, quê Quỳnh Lưu, Nghệ An) cũng đi tu, xin gia nhập dòng Carolo Scalabrini (thành lập năm 1887 tại Ý, là Hội dòng truyền giáo với sứ mệnh phục vụ những người di dân, thủy thủ xa nhà, du học sinh… tại các vùng ven đô thị và vùng gần biên giới. Hiện tại, Hội dòng có hơn 700 tu sĩ trên 30 quốc gia, trong đó có Việt Nam).

Sau thời gian tu học tại Philippines, anh tiếp tục sang Colombia. Năm 2023, anh lặn lội đến thành phố Ipiales, biên giới Ecuador và Colombia để giúp đỡ những người di dân. Trung tâm của nhà dòng mỗi ngày tiếp nhận 35 - 70 người di dân. Họ được nuôi ăn, tùy hoàn cảnh mà có thể ở tạm từ 3 ngày đến 2 tháng.

"Nhìn những người tị nạn đi chân đất, chân phồng rộp cả lên, nhìn những đứa trẻ 3 - 4 tuổi đói đến mức 'con chỉ cần ăn cơm, bánh mì thôi, không cần thịt cá gì cả', tôi không cầm được xúc động, phải móc tiền túi cho họ thêm", cha Bình kể.

Linh mục Hoàng Văn Quỳnh (sinh năm 1990, quê Lạc Vệ, Bắc Ninh) sinh ra trong xóm đạo nên chuyện theo các cha nhà thờ đi giúp đỡ người nghèo khó là phổ biến. Càng lớn, thôi thúc muốn giúp người khác ngày càng nhiều. Cha xứ trong làng bảo, làm linh mục thì thời gian đi giúp người khác sẽ trọn vẹn hơn. Thế là đi tu. Một quá trình dài bắt đầu: 3 năm ở TP.HCM, 3 năm ở Phillippines.

Năm 2016 cha Quỳnh bắt đầu sang Colombia. Năm 2019, cha qua Mexico một năm rưỡi sống ở trại tị nạn của nhà dòng Casa del Migrante Tijuana để hỗ trợ thức ăn, quần áo, tư vấn tâm lý… cho những người di dân từ Nam Mỹ, Caribe… Tại đây, trước khi nhận vào nhà hỗ trợ, các cha phải hỏi xem ý nguyện của họ để từ đó lập kế hoạch giúp đỡ hiệu quả nhất.

Linh mục Hoàng Văn Quỳnh trong một buổi thăm người dân tại Colombia
Linh mục Hoàng Văn Quỳnh trong một buổi thăm người dân tại Colombia

Theo lời cha Quỳnh, những người di dân trên đường đi phải gặp rất nhiều bất trắc: sợ cảnh sát bắt, nguy cơ bị cướp, giết, hiếp rất cao, có những người khi đến trung tâm đã mang trên mình nhiều thương tích, có người bị tàn tật vì những tai nạn trên đường… Cả chặng dài khó gặp được một niềm tin, khó tìm được những người thực sự giúp. Chỉ có tại đây, họ mới có thể dám thổ lộ, trút hết nỗi lòng về câu chuyện của mình. Tại trung tâm, cha Quỳnh đã tiếp xúc với quá nhiều nỗi đau, chứng kiến quá nhiều những buổi "nước mắt trộn cơm" của họ…

"Có lần tôi tiếp xúc với một người xăm trổ kín toàn thân chỉ chừa đôi mắt. Mới gặp, thú thật tôi khá sợ. Nhưng khi nói chuyện một hồi, người đó đã khóc òa kể, anh không còn biết nương tựa vào đâu khi mẹ anh còn sống nhưng đã lừa bán hết tài sản để anh phải vào tù… Đến giờ, tôi không còn nhớ đến gương mặt xăm trổ nữa mà chỉ còn nhớ đến những giọt nước mắt. Đó là những động lực lớn để tôi khẳng định con đường của mình đi là đúng", cha Quỳnh tâm sự.

Vườn rau 'cải thiện chất xanh' của các tu sĩ Việt Nam tại thủ đô Bogotá, Colombia
Vườn rau 'cải thiện chất xanh' của các tu sĩ Việt Nam tại thủ đô Bogotá, Colombia

Được nhận nhiều hơn khi cho đi

Thuộc Hội dòng Nữ tỳ Thánh Tâm Chúa Giê-su (dành cho nữ giới, thành lập năm 1877 tại Tây Ban Nha. Các nữ tu dòng này đáp lại tình yêu của Chúa bằng lời cầu nguyện, việc thờ phượng Chúa Giê-su và lan tỏa tình yêu đó qua việc hỗ trợ giáo dục. Hiện Hội dòng có mặt trên 24 quốc gia, trong đó có Việt Nam), sơ Nguyễn Thị Hồng Cúc (32 tuổi, quê Bảo Lộc, Lâm Đồng) tốt nghiệp Trường đại học Y Dược TP.HCM - khoa Đông Y và cũng đặt câu hỏi với bản thân: "Làm sao để sống một cuộc đời ý nghĩa?".

Và đời sống ơn gọi đưa sơ đến Colombia, thấm thoát đã gần 6 năm. Ngoài giờ học, cuối tuần, sơ Cúc thường đến Ciudad Bolívar - một trong những khu nghèo và nhiều tệ nạn nhất Colombia, nơi tập trung tầng lớp đáy của xã hội. Tại đây, sơ dạy trẻ em những kỹ năng mềm và hướng nghiệp cho người lớn.

Sơ Cúc đang dạy trẻ em tại Ciudad Bolívar - một trong những khu nghèo và nhiều tệ nạn nhất Colombia
Sơ Cúc đang dạy trẻ em tại Ciudad Bolívar - một trong những khu nghèo và nhiều tệ nạn nhất Colombia

"Dịp cuối năm 2023, các sơ chúng tôi cùng nhau nấu và bán đồ ăn Việt Nam để gây quỹ mua quà Giáng sinh cho người nghèo tại Ciudad Bolívar. Số tiền không nhiều, nên quà cho mỗi gia đình khó khăn chỉ đơn giản là con gà quay và nước ngọt nhưng đã để lại những kỷ niệm khó quên", sơ Cúc cho hay.

Trong khi đó, sơ Bùi Hoàng Thiên Thanh (32 tuổi, quê Đà Lạt) sau khi tốt nghiệp Đại học Công nghiệp TP.HCM đã quyết định đi tu vì "để được có cơ hội giúp đỡ người khác nhiều hơn".

Ở Colombia, 9 ngày trước Giáng sinh, các tu sĩ thường về làng quê để thăm những người dân nghèo. Lúc đó, nhóm sơ Thanh đi thăm một gia đình sống trên đỉnh núi, đường đi rất xa và khó. Bà chỉ sống một mình và rất nghèo.

Tiếng Tây Ban Nha của sơ Thanh lúc đó rất hạn chế nhưng bằng nụ cười, bằng tấm chân tình nên những tình cảm dành cho nhau vẫn có thể cảm nhận được một cách rõ ràng. Ngôn ngữ của sự hiện diện, của sự lắng nghe, của con tim, của tấm chân tình còn lớn hơn lời nói.

Sơ Loan trong một buổi thăm người nghèo tại Colombia
Sơ Loan trong một buổi thăm người nghèo tại Colombia

"Chúng tôi gồm một cha người Ý, hai người VN và một người Colombia đã cùng nhau hát. Phút giây đó tôi cảm thấy mình tiếp nhận được một văn hóa khác rất nhẹ nhàng, không phân biệt màu da, quốc gia nữa, tất cả chỉ còn tình yêu thương. Tôi được học rất nhiều từ những người sống ở miền quê, họ rất nghèo nhưng sống bình yên, tận hưởng thiên nhiên, không lệ thuộc quá nhiều vào phương tiện vật chất. Những lần đó không phải là mình cho đi mà mình đã nhận về được rất nhiều", sơ Thanh tâm sự.

Người Việt Nam bị dụ dỗ theo đường dây buôn người được cưu mang

Năm 2021, trong đợt dịch, hai người Việt Nam quê Nghệ An dưới 30 tuổi đi từ Việt Nam đến Venezuela rồi sang Colombia thì bị bắt. Họ là những người theo lời dụ dỗ của đường dây buôn người, có người đã bán hết ruộng vườn ở quê gom được 33.000 USD để mong tìm được một cuộc sống tốt đẹp hơn ở nước ngoài. Cũng may, hai người này liên lạc được với các tu sĩ Việt tại Colombia. Biết tin, đích thân cha Edison (người Colombia) đã đến biên giới để gặp, xin chính quyền không phạt hai người này và mời về ở tại nhà dòng, nuôi ăn, học tiếng Tây Ban Nha đến 4 - 5 tháng.

Theo TNO

Có thể bạn quan tâm