Sức khỏe

Nguy cơ bệnh sởi bùng phát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong khi dịch sởi đang gia tăng trên toàn cầu và được cân nhắc như “một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng”, các chuyên gia dịch tễ lo ngại thời tiết mưa ẩm, lạnh khiến căn bệnh này bùng phát ở nhiều tỉnh, thành.
 
Bệnh nhân mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. ẢNH: DUY TÍNH
Tăng ở nhiều nơi
Chiều 11.2, Sở Y tế Hà Nội cho biết từ đầu năm 2019 đến nay đã ghi nhận 114 ca mắc sởi (cùng kỳ 2018 có 8 ca). Trong tháng 1.2019, trên địa bàn TP có 65 trường hợp mắc sởi.
Các điều tra dịch tễ cho thấy, 53,1% trường hợp mắc sởi là trẻ trên 5 tuổi và người lớn. Phần lớn số ca mắc chưa tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đủ liều (chiếm đến 89,1%).
Giám sát của hệ thống y tế dự phòng cũng cho thấy, bệnh nhân mắc sởi đã được ghi nhận tại 66 xã, phường thuộc 23 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội. Tuy không tập trung thành ổ dịch nhưng các chuyên gia dịch tễ lo ngại thời tiết bắt đầu mưa ẩm, lạnh là yếu tố rất thuận lợi khiến bệnh đường hô hấp như: sởi, ho gà, cúm gia tăng.
Còn tại Đắk Lắk, bác sĩ Nguyễn Đức Vũ, Phó giám đốc Trung tâm y tế H.Krông Bông, cho biết ngày 5.2 trên địa bàn huyện ghi nhận một trường hợp trẻ em có dấu hiệu mắc bệnh sởi phải nhập viện.
“Đây là bệnh nhân xuất hiện trong vùng dịch trước đó là thôn Noh Prông, xã Hòa Phong, H.Krông Bông, nên cơ quan y tế rất quan tâm theo dõi. Trong tháng 1.2019, cả 9 ca mắc sởi của huyện đều nằm tại xã này, trong đó có 4 ca ở thôn Noh Prông”, ông Vũ cho biết thêm.
Theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk, từ ngày 14 - 25.1, toàn tỉnh ghi nhận 17 trường hợp mắc sởi tại các huyện: Krông Bông, Krông Ana, Lắk và Cư M’gar; trong đó tập trung chủ yếu ở huyện: Krông Bông (9 ca) và Cư M’gar (5 ca).
Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, từ ngày 3 - 11.2 toàn TP đã có 221 trường hợp mắc sởi. Tính từ đầu năm đến nay, toàn TP đã có 978 trường hợp mắc sởi. Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM cho biết hiện bệnh sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2018. Riêng các ca mắc sởi chưa có dấu hiệu giảm, cả 24 quận, huyện đều có ca mắc, trong đó các quận, huyện có số ca mắc nhiều là: quận 7, 8, Bình Tân, Bình Chánh, Thủ Đức.
Chủ động phòng bệnh
Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk, nhìn nhận việc bùng phát trở lại các ca bệnh sởi trên địa bàn tỉnh sau gần hai tháng khống chế thành công dịch sởi là khá bất thường. Nguyên nhân có thể do thời tiết đông xuân lạnh, ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh sởi phát triển, diễn biến phức tạp. Trước đó, trong năm 2018 cả tỉnh có 50 ca mắc sởi, đến đầu tháng 12.2018 thì không còn phát hiện ca mắc mới nào. Số người mắc bệnh trong năm 2018 và đầu năm nay được ghi nhận ở nhiều độ tuổi khác nhau, có cả trẻ em và người lớn.
“Chúng tôi đã triển khai nhanh việc rà soát, thống kê, tiêm phòng sởi đối với tất cả trẻ từ 1 - 15 tuổi và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại những xã có nhiều người mắc sởi như: xã Hòa Phong, H.Krông Bông và xã Ea M’Đroh, H.Cư M’gar và trong phạm vi bán kính 200 m xung quanh khu vực nhà bệnh nhân ở các huyện: Lắk và Krông Ana”, ông Lào nói.
Trong khi đó, để phòng chống bệnh sởi có nguy cơ bùng phát, Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân cần chủ động hơn nữa trong tiêm vắc xin phòng bệnh. Các gia đình cần đưa trẻ từ đủ 9 tháng tuổi đến các điểm tiêm chủng tại trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin sởi mũi 1; khi trẻ đủ 18 tháng tuổi cần tiêm nhắc lại vắc xin sởi mũi 2.
Đối với các trẻ trên 5 tuổi chưa được tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi và kể cả người lớn chưa bị mắc bệnh sởi, phụ nữ chuẩn bị mang thai trước 3 tháng, cần được tư vấn tiêm bổ sung vắc xin sởi để phòng bệnh cho cá nhân, cộng đồng.
Dịch sởi đang gia tăng trên toàn cầu
Chiều 11.2, ông Đặng Quang Tấn, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, cho biết các ca mắc sởi, phát ban nghi sởi tiếp tục được ghi nhận trong các ngày nghỉ tết vừa qua là 664 trường hợp, rải rác tại các tỉnh, TP trên cả nước. Trước đó, trong năm 2018 ghi nhận 9.741 ca sốt phát ban nghi sởi, 1.963 ca dương tính với sởi. Số mắc sởi bắt đầu tăng cao từ các tháng cuối năm 2018. Nếu không tiêm chủng đầy đủ, sởi sẽ bùng phát thành dịch trong bối cảnh lưu lượng người đi lại lớn có thể mang theo mầm bệnh và bệnh dịch này cũng đang tăng cao tại nhiều quốc gia.
Ông Tấn dẫn nguồn Tổ chức Y tế thế giới cho hay, dịch sởi đang gia tăng trên toàn cầu và đang được cân nhắc như “một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng”. Năm 2018, trên thế giới có 357.742 trường hợp mắc sởi tại 183/194 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó chủ yếu ghi nhận tại 11/11 quốc gia khu vực Đông Nam Á (95.828 trường hợp mắc).
Liên Châu
Duy Tính (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm