Sức khỏe

Dinh dưỡng

Nguy cơ bùng phát bệnh sởi ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Gia Lai đã ghi nhận 460 ca nghi mắc sởi, trong đó có 125 ca dương tính với sởi. Trong khi đó, năm 2018 chỉ ghi nhận 1 ca mắc sởi. Đáng chú ý, các ca sởi ngày càng gia tăng trong khi kế hoạch tiêm phòng vắc xin sởi-rubella cho trẻ 1-5 tuổi ở 8 huyện, thành phố còn lại trên địa bàn tỉnh chưa thể triển khai vì chưa có vắc xin cấp về.
Quá tải vì bệnh sởi
Bác sĩ Từ Thị Mai Linh-Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh-cho hay: Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận 383 ca nhập viện với các triệu chứng lâm sàng của bệnh sởi; nhiều ca biến chứng viêm phổi và viêm phổi nặng; chưa ghi nhận biến chứng viêm não. Các ca bệnh tăng nhiều vào các tháng 3, 4 và 5. Trong đó, tháng 3 ghi nhận 95 ca; tháng 4 có 137 ca và chỉ mới hơn nửa đầu tháng 5 đã có 102 ca. Bệnh viện đã báo cáo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh tiến hành lấy mẫu gửi xét nghiệm. Qua khai thác tiền sử, đa số các trường hợp nhập viện đều không tiêm phòng vắc xin hoặc có tiêm nhưng không đầy đủ.
Nhằm chủ động trong công tác thu dung, điều trị bệnh nhân sởi, Bệnh viện Nhi tỉnh đã lên kế hoạch sẵn sàng ứng phó. Ngoài tăng cường tuyên truyền, Bệnh viện đã tập huấn lại và tổ chức sinh hoạt chuyên môn cho cán bộ y tế về điều trị, dự phòng cách ly cho bệnh sởi; chuẩn bị trang-thiết bị, máy thở, thuốc điều trị cũng như dung dịch sát trùng đầy đủ khi có dịch sởi. Bệnh viện cũng tăng cường phòng cách ly điều trị sởi nhằm tránh việc nhiễm khuẩn chéo. “Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nhiều bệnh nhi dù mắc bệnh sởi ở mức độ nhẹ, có thể điều trị tại tuyến y tế cơ sở nhưng phụ huynh vì quá lo lắng nên ồ ạt cho trẻ nhập viện tuyến tỉnh. Có thời điểm, cùng lúc có đến 77 ca nhập viện gây quá tải cho công tác điều trị và gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn chéo”-bác sĩ Linh cho biết.
 Tiêm phòng vắc xin sởi để phòng bệnh cho trẻ. Ảnh: N.N
Tiêm phòng vắc xin sởi để phòng bệnh cho trẻ. Ảnh: N.N
Đang chăm con bị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi tỉnh, chị Phaih (làng Aroch, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa) chia sẻ: “Con trai mình hơn 2 tuổi, cháu bị sốt cao liên tục, ho nhiều, khi đưa đến bệnh viện mới biết bị mắc sởi. Mình có cho con tiêm phòng vắc xin sởi ở Trạm Y tế xã mũi đầu, nhưng mũi tiếp theo do cháu bị đau nên mình không đưa đi tiêm. Mình chủ quan vì nghĩ chỉ cần tiêm một mũi là được rồi. Vừa rồi, ở làng mình có vài cháu bị bệnh tương tự nên con mình bị lây”.  
Có con bị viêm phổi nên chị Lê Thị Thùy (thôn 3, xã Ia Nhin, huyện Chư Pah) cho nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi tỉnh từ cuối tháng 4-2019. Vừa khỏi viêm phổi, con chị bị lây sởi nên phải tiếp tục điều trị cho đến nay. Chị Thùy buồn bã nói: “Cháu mới hơn 8 tháng tuổi, chưa đủ tuổi tiêm phòng vắc xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Thời điểm cháu nhập viện, các ca mắc sởi tại đây rất nhiều. Dù bác sĩ đã cho cháu chuyển phòng nhưng vẫn bị lây nhiễm”.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phòng-chống

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa đông-xuân với tốc độ lây nhiễm cao từ người sang người, chủ yếu qua đường hô hấp. Phụ huynh nên phòng bệnh sởi bằng cách cho trẻ tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch. Hiện vắc xin sởi được tiêm chủng miễn phí cho trẻ trong chương trình tiêm chủng mở rộng thường xuyên hàng tháng tại các trạm y tế. Mũi đầu tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi (vắc xin sởi đơn) và mũi 2 (vắc xin sởi-rubella) tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi.

Theo ông Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, bệnh sởi bắt đầu gia tăng từ đầu năm. Tính đến trung tuần tháng 5-2019, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh ghi nhận 460 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 125 trường hợp dương tính với sởi. Nhóm tuổi mắc bệnh sởi chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi không đi tiêm chủng. Các địa phương có số trẻ mắc cao là Chư Prông 33 ca, Ia Grai 22 ca, Chư Pah 21 ca, Pleiku 21 ca…
Theo Kế hoạch số 1741/KH-SYT ngày 26-11-2018 của Sở Y tế về việc triển khai tiêm vắc xin sởi-rubella cho trẻ 1-5 tuổi năm 2018-2019 thì chương trình được tiến hành ở tất cả các địa phương. Tuy nhiên, do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chưa cung ứng vắc xin sởi-rubella đợt 2 nên hiện còn 8 huyện, thành phố là Đak Đoa, Chư Pưh, Phú Thiện, Mang Yang, Đức Cơ, Chư Prông, Kông Chro và TP. Pleiku chưa thể triển khai. “Dự kiến đến tháng 6-2019, chúng tôi sẽ triển khai tiêm vắc xin sởi-rubella tại 8 địa phương còn lại với tổng số 76.228 trẻ; phấn đấu là có trên 95% số trẻ trong độ tuổi được tiêm phòng”-ông Gia nói.
Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, dự báo trong thời gian tới, bệnh sởi có thể tiếp tục gia tăng tại một số huyện, thị xã, thành phố, đòi hỏi sự chung tay vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành trong công tác phòng-chống.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm