Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 đối mặt với nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ. Ảnh: PD
Điện mặt trời giá cao được coi là nguồn thay thế chính cho các dự án nhiệt than chậm tiến độ, trước nguy cơ thiếu điện trầm trọng trong tương lai gần.
Nguy có thiếu điện trầm trọng
Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận, Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện cao trong 2019-2020 và kéo dài tới 2022-2023. Nguy cơ không có dự phòng ở vùng phụ tải cao như Tây Nam Bộ là rất lớn.
Nói về nguyên nhân gây thiếu điện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, điều kiện bất lợi thời tiết với tính cực đoan cao, các thuỷ điện không đủ tích nước, khiến Việt Nam đối mặt suy giảm thị trường năng lượng sơ cấp khi dự báo sẽ phải nhập 20 triệu tấn than vào 2020 và tăng lên 35 triệu tấn than vào 2035. Nguồn khí cũng không đủ phục vụ phát điện cho dự án ở Đông Nam Bộ.
Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực cũng vừa có báo cáo tình hình thực hiện các dự án trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (quy hoạch điện VII) điều chỉnh đến quý III.2019.
Các năm 2019-2020 hệ thống điện có thể đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do hệ thống điện gần như không có dự phòng nguồn điện nên trong năm 2020 có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện.
Các năm 2021-2025, mặc dù đã phải huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu, tuy nhiên hệ thống điện không đáp ứng nhu cầu phụ tải và xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam với mức thiếu hụt tăng từ 3,7 tỉ kWh (năm 2021) lên gần 10 tỉ kWh (năm 2022), mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023 khoảng 12 tỉ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỉ kWh năm 2024 và 3,5 tỉ kWh năm 2025.
Nguồn điện thay thế giá cao
Theo TS. Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng, việc thiếu điện trong tương lai gần do nhu cầu sử dụng điện càng ngày càng tăng cao, các dự án nhiệt than chậm tiến độ... Theo dự đoán, các dự án nhiệt than có thể tiếp lùi tiến độ trong thời gian tới. TS. Hiến cho rằng, chúng ta có thể thay thế nhiệt than bằng khí hoá lỏng, để bù lại sự thiếu hụt điện trong tương lai.
TS. Hiến cho biết, trong bối cảnh Việt Nam có nguy cơ thiếu điện trong tương lai, chúng ta có 2 nguồn cần chú trọng phát triển là điện gió và điện mặt trời.
Các dự án điện mặt trời có ưu điểm là đầu tư nhanh, là nguồn năng lượng tái tạo, vĩnh cửu, không lo cạn kiệt. Tuy nhiên, TS. Hiến cũng cho rằng, nguồn năng lượng này cũng có hạn chế là chỉ có vào ban ngày. Vì vậy, các nhà máy điện mặt trời phải đầu tư hệ thống tích điện để sử dụng được cả ban đêm.
"Hệ thống này sẽ làm cho chi phí sản xuất điện đắt lên, tuy nhiên, đắt cũng phải làm trong bối cảnh thiếu điện hiện hữu", TS. Hiến nói.
Các dự án điện gió ít hơn điện mặt trời do việc xây dựng kéo dài hơn và chỉ đầu tư được tại một số vùng Cà Mau, Bạc Liêu, Bình Thuận… Ngoài ra, hiện nay, chủ yếu chủ đầu tư các dự án này là các doanh nghiệp tư nhân, thiếu bóng dáng của các tập đoàn lớn.
Trước đề xuất của Cục Điện lực, Bộ Công Thương về việc mua điện của Lào và Trung Quốc để bù vào sự thiếu hụt điện trong tương lai, ông Hiến cho rằng, việc thiếu điện chủ yếu diễn ra tại miền Nam nên việc mua điện của Trung Quốc sẽ không thuận lợi.
"Chúng ta sẽ lại tốn chi phí để truyền tải nguồn điện mua từ Trung Quốc xuống khu vực phía Nam. Theo tôi, mua điện của Lào là hợp lý vì việc chuyển nguồn điện từ Lào qua Gia Lai vào miền Nam Việt Nam sẽ thuận lợi hơn rất nhiều", TS. Hiến nói.
Thiên Bình (LĐO)