Nhờ sự kết hợp giữa giọng hát đẹp với tính chất đặc thù của công việc cùng lòng “say” nghề, chị đã góp phần làm nên những đêm tuyên truyền lưu động ấn tượng.
Tình yêu từ những chuyến đi
Đã là những ngày cận Tết nhưng chị Nguyễn Thị Thùy Dương vẫn cùng các thành viên Đội Tuyên truyền lưu động của Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San đi cơ sở như con thoi. Vừa trở về từ đêm diễn phục vụ người dân xã biên giới Ia Nan (huyện Đức Cơ), chị hào hứng khoe những đoạn video ghi lại cảnh bà con đến xem chật kín cả sân nhà văn hóa xã.
Chị bày tỏ: “Tôi đã tham gia hàng ngàn đêm biểu diễn phục vụ bà con kết hợp tuyên truyền lưu động, đêm nào cũng đông kín như vậy. Đây chính là động lực giúp chúng tôi giữ được lòng say mê với nghề”.
Nguyễn Thị Thùy Dương quê gốc Ninh Bình nhưng sinh ra và lớn lên ở cao nguyên Gia Lai. Năm 2003, chị tốt nghiệp cử nhân Quản lý văn hóa chuyên ngành Thanh nhạc tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Sở hữu giọng nữ cao, Thùy Dương từng giành giải nhất tiếng hát truyền hình tỉnh Gia Lai vào năm 2005. Cùng năm đó, chị vào vòng chung kết Sao Mai toàn quốc dòng nhạc thính phòng tổ chức tại Hà Nội.
Tuổi trẻ vốn dễ bị cuốn theo hào quang của sự nổi tiếng. Nhưng thay vì theo đuổi con đường chuyên nghiệp để sống với hào quang của sân khấu, chị lại chọn gắn bó với hoạt động quần chúng, nhận công tác tại Đội Tuyên truyền lưu động của Trung tâm Văn hóa tỉnh (nay là Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San).
Giọng ca sinh năm 1982 chia sẻ lý do rẽ hướng trên con đường nghệ thuật: “Tôi làm cộng tác viên của Đội Tuyên truyền lưu động từ khi còn là sinh viên. Hồi đó, mỗi dịp nghỉ hè, nghỉ Tết về Gia Lai, tôi lại theo chân các anh chị em về làng biểu diễn phục vụ, giao lưu cùng bà con.
Dù đứng trên sân khấu nền đất, không có những bộ cánh lộng lẫy hay ánh đèn lung linh, nhưng tôi vẫn có cảm giác hạnh phúc khi bên dưới là đông đảo người dân đến xem, cổ vũ, dành cho những tình cảm thương mến, giản dị mà hết sức chân thành. Bầu không khí đó, tình cảm thân thương đó khiến tôi quyết định gắn bó với hoạt động tuyên truyền lưu động”.
Với sự lựa chọn này, thay vì chỉ chuyên sâu biểu diễn, Thùy Dương muốn thử sức ở nhiều vai trò khác nhau. Đó là vừa mang giọng hát phục vụ bà con, vừa thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân ở những nơi xa xôi, khó khăn nhất.
“Văn hóa-văn nghệ là một phương thức tiếp cận, thu hút người dân để nói câu chuyện vốn khô khan về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, tôi vẫn luôn nghiêm túc trau dồi giọng hát, khả năng biểu diễn để phục vụ công việc, làm sao các chương trình tuyên truyền của đội luôn có sức hút với bà con”-Thùy Dương chia sẻ.
Đổi mới cách tuyên truyền lưu động
Hơn 20 năm gắn bó với công tác tuyên truyền lưu động, “chất” tuyên truyền viên ngấm vào Thùy Dương lúc nào không hay. Mỗi năm, Đội Tuyên truyền lưu động phục vụ 130 đêm tại cơ sở; ngoài ra còn tham gia các liên hoan tuyên truyền lưu động toàn quốc. Giữ vai trò phụ trách đội, ngoài nhiệm vụ biên tập chương trình, chị còn đảm nhận “đa vai” như các thành viên khác như ca sĩ, diễn viên kịch…
Chức năng, nhiệm vụ của tuyên truyền lưu động là phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân. Đặc thù là sử dụng 3 phương thức tuyên truyền cổ động trực quan, tuyên truyền miệng và thông qua chương trình văn nghệ cổ động, trong đó, kịch thông tin là xương sống.
Theo chị Thùy Dương, để đáp ứng nhu cầu thông tin và mức thụ hưởng văn hóa ngày càng cao của người dân trong thời đại số hiện nay, công tác tuyên truyền lưu động cần không ngừng đổi mới. Các tiết mục văn nghệ trong một chương trình dù mang tính cổ động nhưng luôn được người phụ trách đội yêu cầu cao về chuyên môn. Đồng thời, câu chuyện kịch thông tin cũng phải mang tính thời sự, theo sát đời sống, phù hợp với từng địa bàn cụ thể.
“Tuyên truyền lưu động không chỉ giúp người dân tiếp cận được những thông tin chính xác, kịp thời mà còn định hướng lối sống đẹp, nâng cao sự thụ hưởng văn hóa, nghệ thuật thông qua các chương trình văn hóa-văn nghệ, kịch thông tin. Do đó, các tiết mục cũng phải được đầu tư kỹ càng, chỉn chu”-Phụ trách Đội Tuyên truyền lưu động quan niệm về nghề nghiệp.
Sự phối hợp ngày càng nhuần nhuyễn, khăng khít giữa Đội Tuyên truyền lưu động với các lực lượng, ban, ngành, chính quyền cơ sở góp phần làm tăng hiệu quả công tác tuyên truyền. Chị Thùy Dương cho biết: “Mới đây, Đội phối hợp cùng Công an tỉnh tổ chức đêm giao lưu văn nghệ, phổ biến pháp luật, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại xã Ia Nan.
Chương trình có sự phối hợp với lực lượng tại địa phương, giúp tối ưu chi phí nhưng tăng cao hiệu quả công tác tuyên truyền. Sự phối hợp khiến chương trình hấp dẫn, nhiều màu sắc, thu hút bà con hơn”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Long-Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San, sự đóng góp của những tuyên truyền viên đam mê, nhiệt huyết với nghề như Thùy Dương là rất quý. “Nguyễn Thị Thùy Dương là người có chuyên môn và trách nhiệm cao trong công việc, nhất là tinh thần đổi mới sáng tạo để đáp ứng yêu cầu công tác tuyên truyền lưu động”-ông Long đánh giá.
Với cá nhân Thùy Dương, hơn 20 năm gắn bó với Đội Tuyên truyền lưu động là khoảng thời gian đủ lâu để chị chứng kiến sự “thay da đổi thịt” trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Đó là niềm hạnh phúc khi thấy được thành quả trên con đường mình đã kiên tâm lựa chọn ngay từ đầu.
“Tôi được sống trong môi trường mà những anh chị em luôn hừng hực lửa nghề. Hơn nữa, mỗi chuyến về làng như một lần được tái sinh trong tình cảm thân thương của bà con. Giữ được tình cảm trong sáng, say nghề như những ngày đầu, với tôi, cũng bởi lẽ đó”-Thùy Dương bộc bạch.