Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Nhà báo luôn đi đầu trên các mặt trận

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 18-6, tại TP. Pleiku, Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai tổ chức tọa đàm kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020), đồng thời trao Giải Báo chí tỉnh lần thứ 9. Tham dự tọa đàm có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể và đông đảo hội viên Hội Nhà báo tỉnh.

 

Hướng đến nền báo chí hiện đại, nhân văn

Tại buổi tọa đàm ôn lại truyền thống 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, người làm báo trên địa bàn tỉnh đã có cơ hội chia sẻ những trải nghiệm nghề nghiệp đáng quý. Những chia sẻ ấy cho thấy góc khuất của nghề, những khó khăn mà nếu người trong cuộc không nói ra sẽ rất khó để nhìn thấy một đời sống khác phía sau hào quang của nghề báo. Nhà báo Hòa Giang (Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai) chia sẻ: “Trước khi đến với nghề, bản thân tôi vẫn nghĩ nghề báo đầy màu hồng và nhiều vinh quang. Nhưng thực tế lại hoàn toàn không như vậy mà có những vất vả riêng, đặc biệt với nữ giới. Chuyện đi sớm, về muộn, càng ngày lễ, Tết càng phải gác lại mọi trách nhiệm với gia đình để dồn tâm huyết cho công việc là lẽ thường tình. Nếu người thân không thấu hiểu, động viên, làm chỗ dựa tinh thần thì rõ ràng đó là trở ngại không dễ vượt qua đối với nhà báo nữ”.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Đức Thụy
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Đức Thụy



Là người làm báo lâu năm, nhà báo Ngọc Tấn luôn có cách rất đặc biệt để truyền cảm hứng cho thế hệ nhà báo trẻ. Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông nói mỗi năm vào dịp này, những người làm báo luôn cảm nhận được sự thiêng liêng của ngày hội nghề. Ông mong các nhà báo trẻ luôn giữ được “lửa” nghề, giải báo chí tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng để đây thực sự là sân chơi bình đẳng cho người làm báo.

Với 240 hội viên đang sinh hoạt tại 6 chi hội trực thuộc Hội Nhà báo tỉnh, đội ngũ người làm báo Gia Lai với tinh thần cống hiến đã góp phần cùng với đội ngũ người làm báo cả nước phát triển nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn. Ông Trần Văn Nghĩa-Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh-khẳng định: “Đồng hành cùng lực lượng báo chí của đất nước, báo chí Gia Lai đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, góp phần quan trọng vào việc đẩy nhanh sự phát triển toàn diện và bền vững của tỉnh nhà. Các thế hệ nhà báo cách mạng không ngừng nỗ lực phấn đấu, làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng. Báo chí đã phản ánh sinh động thực tiễn công cuộc đổi mới và phát triển của đất nước, của tỉnh; phát hiện, cổ vũ, động viên nhân rộng các điển hình, nhân tố mới, tạo nên các phong trào hành động cách mạng sôi nổi trên mọi lĩnh vực”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông trao giải A cho các tác giả, nhóm tác giả. Ảnh: ĐỨC THỤY
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông trao giải A cho các tác giả, nhóm tác giả. Ảnh: ĐỨC THỤY



Ghi nhận những đóng góp của đội ngũ người làm báo Gia Lai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông khẳng định: Trong những năm qua, báo chí đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, phản ánh sinh động mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, tích cực tuyên truyền những giá trị tốt đẹp, nhân tố mới, mô hình, cách làm hay và tấm gương người tốt việc tốt, đưa hình ảnh của đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Các nhà báo luôn đi đầu trên các mặt trận, tích cực đấu tranh phòng-chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phê phán những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong xã hội, là diễn đàn để đông đảo quần chúng nhân dân đóng góp ý kiến cũng như thực hiện quyền giám sát đối với công tác điều hành của chính quyền các cấp. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ, mang tới nhiều cơ hội và thách thức cho người làm báo như hiện nay, hơn lúc nào hết, đội ngũ người làm báo cần trau dồi bản lĩnh, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp để phản ánh được dòng chảy của xã hội, giữ vững những giá trị cốt lõi và khẳng định sứ mệnh vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam.

Nhiều tác phẩm xuất sắc

Tiếp nối thành công của giải báo chí tỉnh được duy trì 8 năm qua, Hội Nhà báo tỉnh tiếp tục vinh danh những đóng góp xuất sắc của đội ngũ người làm báo tại lễ trao Giải Báo chí tỉnh Gia Lai lần thứ 9-2020. Qua 9 lần tổ chức, giải báo chí tỉnh tiếp tục khẳng định được uy tín, tính chuyên nghiệp, ngày càng có quy mô, sức hút với đội ngũ người làm báo trong tỉnh. Tham gia giải năm nay có 66 tác phẩm thuộc 3 loại hình: báo in, báo hình và báo nói.

Chất lượng chuyên môn của giải năm nay cũng được đánh giá là cao hơn so với các giải trước với nhiều nội dung phong phú, bắt kịp dòng chảy của đời sống dưới những góc nhìn mới mẻ. Ở loại hình báo hình và báo nói, điển hình là các tác phẩm: “Xuống núi”, “An phận với cái nghèo”, “Nỗi niềm con chữ” (báo hình); “Phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy”, “Chương trình OCOP-Đòn bẩy cho nông dân tiến ra thị trường”, “Dành trọn tình yêu với Bác” (báo nói)… Nhiều nhà báo đã khẳng định sự trưởng thành về nghề thông qua cách tiếp cận, lựa chọn những đề tài có tính thời sự cao, thể hiện tác phẩm một cách tinh tế, giàu tính sáng tạo. Nhà báo Huỳnh Kiên-Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Tổng Biên tập Báo Gia Lai, Phó Chủ tịch Hội đồng chung khảo-đánh giá: “Cái đáng quý là thông qua những câu chuyện, những hình ảnh sinh động, thuyết phục người xem, người nghe, các tác phẩm kể trên đã khẳng định được tính cần thiết, sự đúng đắn, kịp thời và đầy chất nhân văn của Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong xây dựng làng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

 

Trao giải C cho các tác giả, nhóm tác giả. Ảnh: ĐỨC THỤY
Trao giải C cho các tác giả, nhóm tác giả. Ảnh: ĐỨC THỤY

Tại lễ trao giải, Hội đồng chung khảo đã trao tổng cộng 30 giải cho các tác phẩm báo chí xuất sắc ở cả 3 thể loại, trong đó có 3 giải A, 6 giải B, 9 giải C và 12 giải khuyến khích. Giải A ở thể loại báo in được trao cho tác giả Phương Linh (Báo Gia Lai) với tác phẩm “Mở lối cho du lịch cộng đồng”. Giải A thể loại báo hình được trao cho nhóm tác giả Nguyễn Khắc Quang, Song Nguyễn, Nguyễn Cao Dũng, Ksor Tuối, Dương Văn Trung (Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh) với tác phẩm “Xuống núi”; giải A thể loại báo nói được trao cho tác giả Song Nguyễn (Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh) với tác phẩm “Phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy”.

Ở thể loại báo in, giải năm nay cũng ghi nhận sự nỗ lực vượt bậc của các nhà báo trẻ như: Phương Linh, Quang Tấn, Ngọc Sang, Văn Ngọc, Lê Nam, Nguyễn Tú… Với loạt bài 3 kỳ “Mở lối cho du lịch cộng đồng”, nữ nhà báo Phương Linh (Báo Gia Lai) đã phản ánh một trong 3 “trụ cột” kinh tế của tỉnh: phát triển kinh tế du lịch. Bằng thực tế trải nghiệm những mô hình du lịch cộng đồng, người viết đã thành công khi chỉ ra được thế mạnh cũng như những hạn chế, thách thức đối với loại hình du lịch giàu tiềm năng này. Ngoài ngành du lịch, nông-lâm nghiệp là lĩnh vực được các nhà báo thể hiện khá thành công. Với loạt bài “Thăng trầm cây mía”, nhóm tác giả Quang Tấn-Ngọc Sang đã nêu bật những vấn đề cần quan tâm đối với cây mía và đời sống khó khăn của người trồng mía hiện nay. “Qua 3-4 năm theo dõi mảng nông nghiệp, tôi nhận thấy người trồng mía luôn ở trong vòng luẩn quẩn, nếu không gặp khó khăn về giá thì cũng ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người nông dân. Do đó, khi viết loạt bài này, chúng tôi muốn góp tiếng nói tìm đường ra, lối mở cho người dân. Đó cũng là cách những người làm báo thể hiện trách nhiệm với ngòi bút của mình”-phóng viên Quang Tấn nói.

Phát biểu tại lễ trao giải, nhà báo Huỳnh Kiên nhận định: “Sự “trỗi dậy” của các nhà báo trẻ là hiện tượng hợp quy luật phát triển của báo chí. Tuy nhiên, vẫn có sự tiếp nối trong dòng chảy của nền báo chí cách mạng khi thế hệ người làm báo đi trước vẫn khẳng định vai trò dẫn dắt, nêu gương bằng tinh thần lao động bền bỉ, nghiêm túc. Năm nay, cả nước long trọng kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là đề tài rất hay nhưng vô cùng khó bởi lịch sử đã lùi xa, lớp người trực tiếp tham gia kháng chiến còn lại không nhiều. Dẫu vậy, “cây phóng sự” Ngọc Tấn vẫn chọn cho mình lối đi riêng đầy thách thức và khá thành công với loạt bài “Tây Nguyên trong mùa xuân đại thắng”. Tuy không đạt giải cao nhất như những năm trước nhưng sự đóng góp của anh là rất đáng trân trọng”.

Không chỉ thu hút bởi nội dung phong phú với những chuyển biến muôn mặt của đời sống, các tác phẩm đạt giải tại giải báo chí năm nay còn gây ấn tượng bởi kỹ thuật làm báo ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại. Các nhà báo đã có sự đầu tư kỹ càng, chỉn chu cho nghề nghiệp, theo sát với yêu cầu của nền báo chí hiện đại. Nhà báo Hòa Giang cho rằng đây là xu thế tất yếu. Không chỉ nội dung phải phong phú, chuyên sâu mà hình thức phải đổi mới để thể hiện tốt nhất nội dung và ý đồ của tác giả, tác phẩm. “Đối với đài truyền hình, trước đây hình ảnh đã rất quan trọng thì nay càng phải thể hiện được góc nhìn mới lạ. Do đó, việc sử dụng thiết bị quay hiện đại, các kỹ thuật, kỹ xảo đã hỗ trợ đắc lực cho việc nâng tầm chất lượng tác phẩm”-nhà báo Hòa Giang cho biết thêm.

MINH CHÂU



 

Có thể bạn quan tâm