Đô thị

Nhà đầu tư thu phí tự động gặp khó

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Người dùng ít, trong khi chi phí dịch vụ được hưởng thấp là nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư dự án tự động không dừng trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên gặp khó.

Lỗ gần 200 tỷ đồng

Về tiến độ của dự án, ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ - Môi trường và Hợp tác Quốc tế (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, đến nay, dự án mới vận hành thương mại 2 làn trung tâm 23/27 trạm, còn 4 trạm đang vận hành thử nghiệm.

 

Trạm BOT Đông Hà (Quảng Trị) với 2 làn thu phí tự động không dừng VETC.
Trạm BOT Đông Hà (Quảng Trị) với 2 làn thu phí tự động không dừng VETC.

“Tổng cục Đường bộ VN đã yêu cầu Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (chủ đầu tư dự án) trong tháng 3 vừa qua phải đàm phán xong việc ký phụ lục hợp đồng để mở rộng ra tất cả các làn, nhưng đến nay mới ký được 9/27 trạm. Các trạm còn lại chưa ký được hợp đồng do nhà cung cấp dịch vụ VETC và nhà đầu tư BOT chưa thống nhất được tỷ lệ “ăn chia” phí dịch vụ mỗi bên được hưởng”, ông Toàn nói.

Cũng theo ông Toàn, Công ty TNHH Thu phí tự động VETC hiện đang gặp khó khăn về tài chính nên khó có khả năng hoàn thành tiến độ dự án theo lộ trình Quyết định 07 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện dự án đang thua lỗ so với phương án tài chính, chi phí hàng tháng mà VETC phải bỏ ra là khoảng 12 tỷ đồng nhưng mỗi tháng VETC chỉ thu được khoảng 3 tỷ đồng từ các trạm đã vận hành thương mại”, ông Toàn nói.

Lý giải về thực trạng trên, ông Bùi Văn Rạng, Phó giám đốc Ban QLDA 2 (đơn vị quản lý dự án) cho biết, tổng mức đầu tư của dự án là trên 1.500 tỷ đồng, giá trị đã thực hiện tính đến giữa tháng 5 đạt trên 870 tỷ đồng. Trong quá trình đàm phán ký hợp đồng dịch vụ, các nhà đầu tư BOT không đồng ý với mức dịch vụ 8 - 10% trên tổng doanh thu của trạm được quy định trong hợp đồng BOO giữa Bộ GTVT với nhà đầu tư.

“Để đảm bảo tiến độ dự án vào tháng 4/2017, Bộ GTVT đã đồng ý tạm thời mức giá dịch vụ ETC là 70% chi phí quản lý tổ chức thu trong hợp đồng BOT. Tuy nhiên, các nhà đầu tư chỉ đồng ý ký hợp đồng dịch vụ với mức giá 50%, tương đương 3 - 4% doanh thu thu phí tại trạm. Do đó, doanh thu của VETC thực tế giảm nhiều so với phương án tài chính của hợp đồng dự án, dẫn tới không đảm bảo khả năng thu hồi vốn để nhà đầu tư tiếp”, ông Rạng nói.

Cũng theo ông Rạng, công tác triển khai dán thẻ E-tag và kích hoạt thẻ chậm, hiện mới chỉ dán được 550 nghìn/2 triệu thẻ. Trong đó, chỉ có khoảng 200 nghìn thẻ được kích hoạt. Những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của dự án.

“Nguyên nhân của tình trạng trên là do chưa có cơ chế bắt buộc chủ phương tiện phải dán thẻ nên tăng trưởng chậm. Các trạm tuyến cửa ngõ các thành phố lớn chưa lắp đặt ETC, dẫn tới không thể phát triển thêm khách hàng hoặc có dán thẻ cũng không thể kích hoạt tài khoản để lưu thông. Ngoài ra, không có chế tài xử lý chủ phương tiện chưa dán thẻ vẫn đi vào làn ETC, biến làn ETC thành làn hỗn hợp, làm người dử dụng dịch vụ không thấy được hiệu quả của việc thu tự động không dừng”, ông Rạng lý giải và đề xuất: “Cần bổ sung chế tài, quy định về thu không dừng, lộ trình bắt buộc dán thẻ E-tag”.

Phân tích thêm, ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC cho biết, với mức VETC được hưởng chỉ 50% chi phí quản lý tổ chức thu tổng doanh thu lũy kế đến hết tháng 4 chỉ đạt khoảng 2% so sánh với phương án tài chính, thực tế trong 9 tháng VETC chỉ thu được trên 7,7 tỷ đồng, trong khi theo phương án tài chính phải trên 346 tỷ đồng.

“Với mức thu trên 7,7 tỷ đồng trong khi chi phí thực tế lên đến trên 131 tỷ đồng, đến nay VETC đã thua lỗ và mất cân đối dòng tiền nghiêm trọng. Do kết quả kinh doanh lỗ quá lớn nên ngân hàng đã tạm ngừng giải ngân cho dự án do đánh giá dự án có tính rủi ro cao”, ông Hà nói.

Về việc dán thẻ E-tag ông Hà cho biết, tỷ lệ xe sử dụng dịch vụ so với số xe dán thẻ mới đạt khoảng 25%. Số lượng xe tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM chiếm gần 50% số xe cả nước. Tuy nhiên, các trạm tại cửa ngõ hai thành phố lớn này chưa triển khai thu không dừng khiến cho nhiều phương tiện đã dán thẻ và nạp tiền nhưng chưa sử dụng được dịch vụ đã gây nên phản ứng không tốt. Nếu tiếp tục dán thẻ để đạt mục tiêu này sẽ làm gia tăng dự bức xúc, gia tăng sự mất cân đối dòng tiền của dự án.

Đề xuất nâng tỷ lệ chi phí tổ chức quản lý

Để tháo gỡ khó khăn cho về nguồn vốn dự án, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết, hiện VETC đã đề xuất nâng tỷ lệ chi phí tổ chức quản lý thu được hưởng lên 70%. Tuy nhiên, các nhà đầu tư BOT chưa đồng ý với tỷ lệ này. Đến thời điểm này, VETC đang lỗ lũy kế trên 200 tỷ đồng, nếu cứ giữ tỷ lệ 50% thì cả vòng đời dự án con số sẽ lên khoảng 2.000 tỷ. Ngay cả khi nâng lên 70%, theo tính toán của VETC dự án vẫn lỗ. Còn trong trường hợp hưởng 100% cũng chỉ hòa vốn. “Khi đã triển khai thu không dừng, VETC phải đầu tư thiết bị, vận hành trạm mà nhà đầu tư BOT vẫn giữ lại 50% chi phí tổ chức thu là không hợp lý”, ông Hà nói.

Cũng theo ông Hà, cần nhanh chóng triển khai thu không dừng tại các trạm cửa ngõ các thành phố lớn và kết nối với hệ thống của VETC sẽ giảm áp lực giao thông, tăng doanh thu cho nhà đầu tư. Đồng thời, sớm có hướng dẫn bổ sung nguồn vượt thu trong so với phương án tài chính của các trạm thu BOT trong phạm vi dự án BOO để bù đắp phần thu dịch vụ ETC còn thiếu.

Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Rạng cho rằng, để bù đắp doanh thu cho dự án, đảm bảo phương án tài chính được khả thi, cần nâng tỷ lệ “ăn chia” lên khoảng 70% chi phí quản lý, tổ chức thu trong các hợp đồng BOT. Bên cạnh đó cho phép bổ sung thêm một số trạm vào dự án như các trạm thu tại các cửa ngõ thành phố lớn để kết nối liên thông với dự án. Đồng thời, cần xem xét phê duyệt nguồn thu từ các trạm của TASCO vào nguồn thu của dự án thu tự động không dừng trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.

Trao đổi với P.V về đề xuất nâng trên, ông Lê Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Xây dựng cầu Đồng Nai cho rằng, đây là hợp đồng kinh tế giữa nhà đầu tư BOT và nhà đầu tư BOO (VETC) nên Công ty VETC cần giải thích rõ cơ sở nào nâng tỷ lệ chi phí tổ chức, quản lý thu lên 70% để hai bên thỏa thuận.

Theo Quyết định số 07/2017 của Thủ tướng, nhà đầu tư các dự án BOT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên chậm nhất đến ngày 31/12/2018 phải bàn giao toàn bộ các trạm cho nhà cung cấp dịch vụ để thực hiện việc thu theo hình thức điện tử tự động không dừng.Đối với các trạm khác, chậm nhất đến ngày 31-12-2019 phải bàn giao toàn bộ việc quản lý, vận hành trạm cho nhà cung cấp dịch vụ để thu không dừng.

Trần Duy/giaothong

Có thể bạn quan tâm