(GLO)- Nhiều năm gần đây, Gia Lai là tỉnh có tốc độ phát triển nhanh trong khu vực các tỉnh Tây Nguyên. Ngày càng nhiều các công trình, dự án có vốn đầu tư lớn chọn mảnh đất này làm nơi khai thác và đặt nhà máy sản xuất. Đầu tháng 12 vừa qua, Gia Lai đón Nhà máy sản xuất ống cống bê tông đầu tiên và là nhà máy thứ 2 ở Tây Nguyên đi vào hoạt động.
Nhà máy được xây dựng trên diện tích 13.200 m2, trong đó diện tích nhà xưởng chính là 2.000 m2 và một số hạng mục phụ trợ. Ảnh: T.U |
Dự án Nhà máy sản xuất ống cống bê tông bằng công nghệ rung ép có vốn đầu tư giai đoạn đầu hơn 1 triệu USD được khởi công xây dựng từ tháng 4-2016 trên diện tích 13.200 m2, trong đó diện tích nhà xưởng chính là 2.000 m2 và một số hạng mục phụ trợ. Nhà máy thuộc Công ty cổ phần Sản xuất bê tông 26 Gia Lai (Lô B1- Khu Công nghiệp Trà Đa-TP. Pleiku). Đây là nhà máy thứ hai ở Tây Nguyên (sau Lâm Đồng) được đầu tư công nghệ và thiết bị hiện đại bao gồm hệ thống máy hàn thép tự động, hệ thống trạm trộn bê tông tươi, dây chuyền sản xuất ống cống và các thiết bị khác.
Với công nghệ hiện đại-công nghệ rung ép của Cộng hòa Liên bang Đức giúp kiểm soát tự động từ khâu nạp nhiên liệu đến khâu ra thành phẩm. Quy trình vận hành khép kín, an toàn và tiết kiệm, đảm bảo được vệ sinh môi trường. Nhà máy cung cấp các sản phẩm: ống cống tròn có đường kính từ 0,6 mét đến 2 mét; cống hộp có cạnh 0,8 mét đến 2 mét; hố ga có kích thước tùy chọn. Ưu điểm của sản phẩm có chất lượng đồng đều và ổn định. Sử dụng bê tông khô Mac 300, độ nén chặt của bê tông cao. Ống cống thành phẩm đảm bảo chất lượng và khả năng chịu tải cao, không thấm nước, thời gian sử dụng lâu bền. Cốt thép sử dụng là thép dự ứng lực, có khả năng chịu tải lớn, hàn bằng máy hàn tự động theo phương pháp tĩnh điện cho độ chính xác cao, có chế độ định vị cốt thép trong khuôn, giúp cho sản phẩm không bị biến dạng. Công nghệ rung ép có nhiều ưu điểm vượt trội, thỏa mãn các yêu cầu nghiêm ngặt của Tiêu chuẩn thiết kế 272-05 và tiêu chuẩn 9113:2012-tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam về ống bê tông cốt thép thoát nước.
Nhà máy hoạt động bằng công nghệ rung ép của Cộng hòa Liên bang Đức. Ảnh: T.U |
Ông Lê Quốc Trung-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất bê tông 26 Gia Lai: “Nhà máy sản xuất ống cống bê tông bằng công nghệ rung ép hoạt động dựa trên phương châm “Hoàn hảo về chất lượng-Cạnh tranh về giá cả”. Chúng tôi nhận thức rõ, để thành công và phát triển bền vững thì việc mang đến sản phẩm tốt, giá trị thực, đảm bảo lợi ích tốt nhất cho khách hàng là triết lý kinh doanh mà Công ty luôn hướng đến”. |
Với công suất 200 mét cống/ngày, nhà máy sẵn sàng cung cấp ra thị trường khối lượng lớn các sản phẩm ống cống bê tông cốt thép dùng cho các công trình cầu đường, hạ tầng kỹ thuật và các công trình xây dựng khác. Hiện nay, hầu hết các công trình trên địa bàn tỉnh ta đều sử dụng các loại ống cống đúc thủ công và ống cống bê tông ly tâm. Thời gian đến, ống cống bê tông bằng công nghệ rung ép của Công ty sẽ được sử dụng vào thi công công trình đường Sư Vạn Hạnh (TP. Pleiku), Công trình Thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông) và một số công trình ở các huyện lân cận khác.
Với loại ống cống bê tông đúc thủ công điều dễ thấy nhất đó là chất lượng không đồng nhất. Lượng xi măng khi trộn tay thường phải hao phí thêm 15% so với trộn máy lại cho bê tông có phẩm chất thấp. Khi trộn bằng tay rất khó cân đong chính xác khối lượng của mẻ trộn. Xi măng và các vật liệu đo bằng cách ước lượng, đổ từ bao, cát đá đong bằng xô, bằng xẻng, và đôi khi hoàn toàn theo cảm tính. Phẩm chất và chất lượng sản phẩm không đảm bảo. Sự không đồng nhất của tỷ lệ trộn phụ gia cũng làm cho bê tông bị cứng nhanh. Vì vậy mà các chỉ số độ dứng, độ dẻo, độ mài mòn... không đạt hoặc vượt quá chỉ tiêu gây chất lượng bê tông kém. Việc sản xuất theo quy trình công nghệ cao đã khắc phục những hạn chế trên.
Nhà máy bê tông 26-Gia Lai ra đời thể hiện sự quan tâm của các doanh nghiệp trong làn sóng đầu tư đang đổ vào tỉnh ta.
Tú Uyên