Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Nhà ở xã hội nhộn nhịp trở lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phân khúc nhà ở xã hội đang có nhiều dấu hiệu hồi sinh, thậm chí bùng nổ, tạo cơ hội cho người nghèo có thể mua được nhà ở.
Tập đoàn Vingroup sắp tung ra thị trường khoảng 500.000 căn nhà ở xã hội (NƠXH) mang thương hiệu Happy Home trên toàn quốc với giá bán mỗi căn hộ từ 300 - 950 triệu đồng. Trước đó Tập đoàn Hưng Thịnh công bố đầu tư khoảng 100.000 căn NƠXH với giá từ 20 triệu đồng/m2.

Sắp tới sẽ có nguồn cung nhà ở xã hội khổng lồ, giúp người dân nghèo đô thị mua được nhà ở. Ảnh: Đình Sơn
Sắp tới sẽ có nguồn cung nhà ở xã hội khổng lồ, giúp người dân nghèo đô thị mua được nhà ở. Ảnh: Đình Sơn
Tập đoàn Thắng Lợi cũng tham gia thị trường khoảng 10.000 căn, với giá dưới 1 tỉ đồng/căn. Các dự án này không chỉ giúp hiện thực hóa giấc mơ sở hữu nhà cho người lao động, mà còn mang tới cho họ một môi trường sống hiện đại, văn minh, đồng thời góp phần thúc đẩy an sinh xã hội và kinh tế tại các địa phương.
Nhiều “ông lớn” tham gia
Vào cuối năm 2016, khi gói tín dụng 30.000 tỉ đồng hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp (DN) được vay vốn với lãi suất ưu đãi để xây, mua nhà kết thúc cũng là lúc phân khúc NƠXH gần như biến mất trên thị trường. Thế nhưng, với sự tham gia của nhiều DN lớn trên thị trường, phân khúc này đang nóng trở lại.
Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vinhomes (thuộc Tập đoàn Vingroup), cho biết DN này đặt mục tiêu hoàn thành 500.000 căn NƠXH trong vòng 5 năm tới. Còn trong lễ ký kết giữa Tập đoàn Hưng Thịnh, Đồng Tâm Group, Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành về việc đưa ra thị trường hàng triệu căn nhà giá vừa túi tiền tại TP.HCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai mới đây, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh, cho biết đây là sáng kiến nhằm kết hợp các thế mạnh, năng lực và kinh nghiệm của các bên từ quỹ đất, ý tưởng, quy hoạch, thiết kế, nguyên vật liệu, thiết bị, giải pháp kỹ thuật, giải pháp thi công, giải pháp quản trị dự án... cho đến khi hình thành căn nhà.
Nhờ đó, có thể cùng tạo ra những ngôi nhà có giá phù hợp với thu nhập của người lao động phổ thông, đóng góp vào việc phát triển đô thị địa phương và góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở đang ngày một tăng cao của thị trường. Những căn NƠXH dù giá rẻ khoảng 20 triệu đồng/m2, thậm chí rẻ hơn nữa nếu được hỗ trợ về chính sách, vẫn được các bên cam kết sẽ đầu tư, xây dựng và phát triển có chất lượng đảm bảo, giá phù hợp với công nhân, người lao động, người có thu nhập thấp… thông qua tối ưu hóa hệ sinh thái của 3 tập đoàn.
“Chương trình sẽ tập trung vào 4 địa phương gồm TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai nơi công nhân nhiều. Chúng tôi đã được chính quyền các địa phương động viên và có sẵn quỹ đất, vấn đề làm sao xây giá rẻ. Dự kiến ban đầu sẽ góp vào 100.000 sản phẩm. Đây chỉ là khởi đầu, chúng tôi có nền tảng sẵn nên sẽ làm được nhiều hơn trong chiến lược làm 1 triệu căn nhà ở cho công nhân Bình Dương và 1 triệu căn nhà ở TP.HCM”, ông Nguyễn Đình Trung nói.
Theo ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đồng Tâm, đây là một phần trong trách nhiệm xã hội của các DN, là cơ hội để cùng chia sẻ mục tiêu và tầm nhìn hướng tới sự phát triển bền vững chung. Với chương trình này, các DN không đặt mục tiêu lợi nhuận, mà đề cao tinh thần trách nhiệm xã hội, tạo dựng giá trị chung cho cộng đồng, thông qua việc cung cấp nhà ở vừa túi tiền phục vụ nhu cầu phổ thông.
Giải “cơn khát” NƠXH
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết trong gói hỗ trợ 350.000 tỉ đồng phục hồi kinh tế có 15.000 tỉ đồng cho người dân vay để mua, thuê mua NƠXH. Ngoài ra còn có một gói 40.000 tỉ đồng hỗ trợ cho chủ đầu tư vay vốn xây dựng NƠXH với lãi suất được giảm 2%. Đây là những tín hiệu vui cho phân khúc NƠXH. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai các gói tín dụng này rất chậm trong khi theo quy định là hết năm 2023 sẽ hết hạn. Chính vì vậy, cơ quan chức năng phải chạy đua với thời gian để giải ngân.
“Gói này giống gói 30.000 tỉ đồng, cũng phải mất mấy tháng mới hoàn chỉnh các văn bản để giải ngân được. Hiện các cấp các ngành đang rất nỗ lực, đang rà soát tiêu chí, đối tượng” ông Lê Hoàng Châu cho biết và nói thêm rằng ông đánh giá rất cao vì các đơn vị đang bắt tay vào xây dựng NƠXH cho dân nghèo. TP.HCM có 15 tập đoàn và DN cũng đã lấy đất, bỏ tiền ra đầu tư NƠXH như Công ty Thủ Thiêm xây gần 500 căn hộ tại khu đất vàng ở P.Thảo Điền (TP.Thủ Đức), Tập đoàn Hưng Thịnh đang triển khai dự án ở H.Bình Chánh rộng mấy chục héc ta. Đây là khu đô thị NƠXH gắn liền với khu nhà giá thấp, có đầy đủ tiện ích, kết nối giao thông thuận lợi. “Đây là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên cần khuyến khích xây dựng NƠXH cho thuê, vì công nhân, người lao động nghèo đô thị với thu nhập ít ỏi cũng khó có thể mua được nhà, dù giá rẻ. Dự kiến thời gian tới phân khúc NƠXH, nhà ở, phòng trọ cho công nhân lao động thuê và hoạt động cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ sẽ có sự tăng trưởng rất mạnh”, ông Châu nhận định.
Ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản VN, cũng cho rằng nếu DN đăng ký, thực hiện đúng sẽ tạo ra cú huých cho thị trường vì nhu cầu phân khúc này rất lớn. Từ trước đến nay nhóm người tham gia thị trường là các nhà đầu tư tiền nhiều ở phân khúc cao cấp và trung bình. Nhóm thu nhập thấp, cán bộ công chức gần như đứng ngoài vì hiện giá bất động sản đang quá cao. Do đó, với hàng triệu căn NƠXH được tung ra thời gian tới, sẽ tạo ra sự đột phá của thị trường, điều tiết cung cầu, giá cả. Bởi khi cung đáp ứng nhu cầu sẽ làm cho giá nhà điều chỉnh giảm. “Trước đây không có phân khúc NƠXH, nhà giá rẻ vì đa số người ta đều có tâm lý “ráng” thêm chút nữa để mua nhà trung bình hoặc cao cấp. Nhưng nay có nhiều nhà giá rẻ rồi, người dân sẽ mua nhà loại này, từ đó nhu cầu nhà trung bình, cao cấp sẽ giảm đi, buộc các chủ đầu tư phải giảm giá để bán được hàng. Giá nhà từ đó sẽ được điều tiết hợp lý hơn”, ông Phạm Lâm nhận định.
Nhu cầu nhà ở của TP.HCM và các vùng lân cận lâu nay rất “khủng khiếp”, nhưng nguồn cung không đáp ứng được, nhất là khi gói 30.000 tỉ đồng kết thúc. Sau một thời gian dài nguồn cung hạn chế thì hàng triệu căn NƠXH được tung ra sẽ giải “cơn khát” về nhà ở của người dân, nhất là dân nghèo đô thị.
Ông Phạm Lâm
Theo Đình Sơn (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm