Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Nhà thơ Phạm Đức Long: Viết để cân bằng chính mình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuộc thi viết “Người thầy thuốc trong tôi” được Báo Người lao động phát động vào ngày 16-8-2021, ngay giữa đợt cao điểm bùng phát dịch Covid-19. Cuộc thi nhằm tôn vinh lực lượng y-bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch và chăm sóc sức khỏe người dân.
Qua rà soát, Ban tổ chức cuộc thi đã duyệt đăng hơn 30 bài viết về gương sáng cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp, cống hiến, sáng tạo trong việc chăm sóc sức khỏe người dân, nghiên cứu y học và đặc biệt là công cuộc phòng-chống đại dịch Covid-19. Ngày 26-5 vừa qua, Báo Người lao động đã trao giải cho 8 tác phẩm xuất sắc nhất. Và thật bất ngờ khi nhà thơ Phạm Đức Long (tỉnh Gia Lai) với tác phẩm “Nữ y tá trên đỉnh Kon Chiêng” đạt giải nhì.
Tác phẩm viết về cuộc đoàn tụ đầy cảm động của nữ y tá Lê Thị Mỹ Ngọc và con gái Võ Thị Mỹ Phương (sau này đổi tên thành Võ Thị Ngọc Duệ). Hai mẹ con nữ y tá trên đỉnh Kon Chiêng này đã bị thất lạc nhau từ năm 1972, sau một đợt tấn công của địch vào bệnh xá và bắt đi cô bé làm con tin. Sau hơn 30 năm miệt mài tìm kiếm, vào ngày 5-6-2008, bà Ngọc đã được đưa vào chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” và tìm được cô con gái của mình. Đó là câu chuyện cổ tích nối liền giữa thời chiến và thời bình với kết thúc có hậu cho nữ y tá. Có lẽ chính vì sự chân thật, tình yêu thương và cả niềm hy vọng được tác giả truyền tải trong câu chuyện mà tác phẩm đã đạt giải cao.
Nhà thơ Phạm Đức Long (đứng giữa) tại lễ trao giải cuộc thi viết “Người thầy thuốc trong tôi”. Ảnh: Kim Sơn
Nhà thơ Phạm Đức Long (đứng giữa) tại lễ trao giải cuộc thi viết “Người thầy thuốc trong tôi”. Ảnh: Kim Sơn
Nhà thơ Phạm Đức Long chia sẻ: “Mới đầu, tôi cùng chỉ nghĩ là tham gia viết cho vui như một cách cổ động những y-bác sĩ mà mình thân thiết. Khi biết tác phẩm của mình đạt giải, tôi rất bất ngờ vì hầu hết các tác phẩm đạt giải đều kể về câu chuyện của những y-bác sĩ trong cuộc chiến chống Covid-19. Duy chỉ có tác phẩm của tôi là kể về hoàn cảnh của người nữ y tá trong thời chiến. Có lẽ chất liệu chính của tác phẩm chính là chuyện đời đầy éo le của một người mẹ, người y tá và chiến sĩ trong thời chiến đã khiến nhiều người rung động chăng?”.
Không chỉ được nhiều người biết đến với bài thơ “Khoảng trời lá thông” mà Phạm Đức Long còn viết truyện, viết báo. Với hơn 11 đầu sách, nhưng nghề chính của ông lại là một kỹ sư nông nghiệp. Giờ đây, khi đã nghỉ hưu, nhà thơ Phạm Đức Long vẫn tự chọn cách cân bằng chính mình là thỏa mãn đam mê vườn tược cũng như viết lách.
KIM SƠN

Có thể bạn quan tâm