Xã hội

Nhà tiêu hợp vệ sinh bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Việc sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh là một trong những nguyên nhân gây ra dịch bệnh. Vì vậy, việc tuyên truyền cho người dân hiểu tầm quan trọng của vệ sinh môi trường sống, đặc biệt mỗi gia đình phải có 1 nhà tiêu hợp vệ sinh có ý nghĩa quan trọng trong mục tiêu giữ gìn vệ sinh môi trường, nâng cao sức khỏe người dân.
Gia Lai là 1 trong 21 tỉnh, thành được thụ hưởng chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” giai đoạn 2016-2020. Theo đó, nhiều hộ dân trong tỉnh đã được hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, góp phần thay đổi tập quán sinh hoạt, thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Là địa phương được hưởng lợi từ chương trình, xã Đak Djrăng (huyện Mang Yang) có 110 hộ dân được hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh trong năm 2020. Từ số tiền hỗ trợ 50 USD, nhiều hộ dân đã xây dựng nhà tiêu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình.
Sau khi nhận tiền hỗ trợ, bà Chem (làng Brếp) đã xây dựng hoàn chỉnh nhà tiêu. Bà bộc bạch: “Trước đây, gia đình không có nhà vệ sinh. Dù biết như thế là bất tiện và mất vệ sinh nhưng vì kinh tế gia đình khó khăn nên phải chịu. Khi được hỗ trợ xây dựng nhà tiêu, tôi rất vui”.
Nhà tiêu hợp vệ sinh của gia đình bà Chem (xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang). Ảnh: Hà Phương
Nhà tiêu hợp vệ sinh của gia đình bà Chem (xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang). Ảnh: Hà Phương
Ông Hồ Ngọc Thắng-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Djrăng-cho biết: “Mặc dù số tiền hỗ trợ không nhiều nhưng đã tạo động lực để người dân đầu tư xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Qua theo dõi và kiểm tra việc thực hiện cho thấy, hầu hết các công trình đều phát huy hiệu quả, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và thói quen sinh hoạt. Hiện nay, toàn xã có trên 80% hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh. Nhờ đó, vấn đề vệ sinh môi trường sẽ được đảm bảo”.
Tương tự, xã Thăng Hưng (huyện Chư Prông) được hỗ trợ xây dựng 110 nhà tiêu cho các hộ nghèo và hộ cận nghèo. Điều đáng mừng là sau khi thấy các hộ dân xây dựng nhà tiêu, nhiều gia đình đã thay đổi nhận thức và làm theo. Trước đây, việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh ở địa phương này rất nan giải, một phần do tập quán của người dân, nhất là những hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Vì thế, trước khi triển khai chương trình, cán bộ trực tiếp đến từng nhà, gặp từng người để tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức.
Là một trong những hộ hưởng lợi từ chương trình này, bà Rơ Lan Blen (thôn 5, xã Thăng Hưng) thổ lộ: “Trước kia, gia đình tôi chưa có tiền xây dựng nhà vệ sinh. Sau khi nhận thấy lợi ích của nhà tiêu tự hoại và được cán bộ y tế tới tận nhà tuyên truyền, lại được hỗ trợ nên tôi đã xây dựng nhà tiêu. Từ khi có nhà tiêu, mọi sinh hoạt hàng ngày của gia đình rất tiện và sạch sẽ, không còn mùi hôi như trước nữa”.
Ông Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh-cho biết: “Nhà vệ sinh đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe. Tại các gia đình, nơi làm việc, bệnh viện, trường học mà thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đảm bảo sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, vệ sinh môi trường và năng suất lao động. Do đó, việc xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đúng quy cách có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe và môi trường xung quanh".
HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm