Nguyễn Trọng Toán, một người lớn lên từ nương rẫy cà phê ở Tây nguyên, vừa được nhận giải thưởng giá trị hơn 100.000 USD của Hội Toán học Mỹ.
Trọng Toán, năm nay 38 tuổi, cho biết may mắn của anh là được sinh ra trong một gia đình rất trọng việc học, lớn lên vào đại học (ĐH) lại được chắp cánh ước mơ bởi những người thầy giỏi và tâm huyết.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Toán (bìa trái) và nghiên cứu sinh Nguyễn Tiến Trình cùng các giáo sư ở ĐH Pennsylvania. |
Tên vận vào người
Nguyễn Trọng Toán tự cho mình là một người gặp may, ngay cả từ cái gốc xuất thân tưởng như không mấy thuận lợi. Khi tự thuật về mình, Toán chia sẻ một cách đơn giản: “Tuy tôi lớn lên như một người nông dân trồng cà phê trong một ngôi làng nhỏ nhưng việc tôi đến với toán học lại khá tự nhiên. Thật vậy, tên khai sinh của tôi là Toán, trùng với tên môn toán học. Ba mẹ tôi tin tưởng toán học và khoa học là tương lai. Vì thế mà em gái tôi tên là Lý, còn em trai tôi tên Hóa. Hồi ấy, trong khi hầu hết những đứa trẻ trong làng tôi đã bỏ học do nghèo đói, thì cả ba anh em chúng tôi đều được đến TP.HCM học ĐH”…
Sau khi tốt nghiệp ĐH, Toán đi làm tại một doanh nghiệp về công nghệ với mức lương cao. Nhưng sau mấy tháng, Toán “nhớ” sách vở, thèm được nghiên cứu, nên đã quay lại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM làm việc. May thay vừa trúng dịp tiến sĩ Lê Dũng, một cựu SV của trường, khi đó đang làm việc ở ĐH Texas San Antonio (Mỹ) về thăm trường. Tiến sĩ Dũng đã hướng dẫn Toán cách làm nghiên cứu, sau đó đề nghị đưa Toán sang Mỹ học thạc sĩ. Học xong thạc sĩ, Toán được nhận học bổng tiến sĩ ở ĐH Indiana, sau đó được nhận làm nghiên cứu sau tiến sĩ, rồi làm trợ giảng ở một số trường ĐH lớn của Mỹ. Hiện nay anh là trợ lý giáo sư tại ĐH Pennsylvania.
Ra đi để trở về
Nhưng tiến sĩ Nguyễn Trọng Toán chỉ thực sự được cộng đồng toán học trong nước biết đến tên tuổi nhờ gần đây anh được Hội Toán học Mỹ tặng giải thưởng Centennial Fellowship 2018 - 2019 trị giá hơn 100.000 USD. Cụ thể, tiến sĩ Toán sẽ được nhận một khoản trợ cấp gồm 93.000 USD để nghiên cứu tại ĐH Princeton cộng với 9.300 USD chi phí đi lại.
Theo GS Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học, Viện Hàn lâm khoa học VN, thì Centennial Fellowship là một giải thưởng nhằm khích lệ những nhà toán học trẻ tài năng mà chưa được ghi nhận bởi những giải thưởng do hội này trao tặng. Trong 10 năm gần đây, mỗi năm giải thưởng chỉ trao cho một người. Toán là người Việt thứ hai được trao giải thưởng này (người đầu tiên là GS Dương Hồng Phong ở ĐH Columbia, được trao Centennial Fellowship 1977 - 1978).
GS Ngô Việt Trung nhận xét trường hợp của Toán không chỉ tạo cảm hứng tích cực cho các bạn trẻ yêu thích toán học trong nước mà còn củng cố niềm tin cho mô hình đào tạo toán học mà Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM kiên trì theo đuổi suốt mấy chục năm nay.
Trao đổi với P.V, Toán cho biết anh và một số bạn bè là cựu SV khoa toán - tin đã thành lập chương trình “Gặp gỡ mùa hè”, khởi động từ năm 2008 và trở thành một hoạt động thường niên. Chương trình đã tạo điều kiện cho các bạn trẻ ở VN trao đổi với các giáo sư làm việc ở nước ngoài, từ đó tạo cơ hội cho rất nhiều bạn trẻ qua nước ngoài học tập và làm nghiên cứu sinh. Hiện tại, Toán đang hướng dẫn một nghiên cứu sinh người VN là Nguyễn Tiến Trình.
“Sở dĩ một số em thành công, do Khoa Toán - Tin, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM sớm tổ chức dạy theo hệ thống tín chỉ, và chúng tôi có các môn học có nội dung và phương pháp dạy như các ĐH Âu Mỹ. Mặt khác, trong một số môn học, chúng tôi chú ý nhiều về rèn luyện tư duy lý luận và sáng tạo hơn là đơn giản truyền thụ thuần kiến thức. Rồi sự thành công của một số em đi trước đã khuyến khích sự cố học của các em đi sau”. GS Dương Minh Đức (Khoa Toán - Tin, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) |
Quý Hiên/thanhnien