Con đường dẫn lên vùng đồi thật nhỏ và cũng thật đẹp. Đường đầy hoa dại, những loài hoa không biết tên. Để lên được ngôi nhà trên đồi, bạn phải qua một cung đường không mấy bằng phẳng. Dù vậy, ta có một đích đến rất rõ ràng.
Cao cao, những căn nhà men theo sườn đồi, vừa gắn kết với nhau vừa hòa hợp với xung quanh. Nhà khá nhỏ và vì thế đôi khi lẩn khuất trong cái màu xanh của trời mênh mang và núi rừng bất tận. Ở trong những ngôi nhà ấy, người ta muốn gần gũi với thiên nhiên nhiều hơn, để lồng phổi hít thở căng tràn hương thơm từ cây lá, để hòa mình trong những ngọn gió. Đôi khi người ta chỉ muốn ngả lưng xuống chiếc võng bên hiên nhà nhìn ra vạn vật bên ngoài hoặc cảm nhận từng thay đổi của mùa, của từng thời khắc trong ngày. Nhà trên đồi là một sự điểm xuyết không thể thiếu ở nơi núi rừng, như cần có sự dịu dàng của người mẹ bên cạnh vẻ mạnh mẽ của người cha vậy.
Nhà trên đồi mang trong mình nét thơ mộng vốn có. Nó đón nhận cái chuyển dịch đầu tiên của khí trời, từ nắng, từ gió cho đến cái lạnh của sương đêm tràn về. Những cơn lốc cũng sẽ đến với ngôi nhà trên đồi, hẳn nhiên là thế. Nhưng sự kết nối với thiên nhiên đã làm tinh thần con người luôn vững vàng khi đối diện với mùa mưa bão. Cây quật, lá đổ, cành nghiêng. Trong màn đêm tĩnh lặng, người ta như chùng lòng với cái xào xạc của cây, của từng ngọn gió rít qua khe cửa, cảm nhận sự nhỏ bé của con người nhưng cũng thấy sự yêu thương của con người với mảnh đất này. Nếu không yêu, không hiểu những thơ mộng và cả những khó khăn, khắc nghiệt, làm sao con người có thể xây nhà dựng cửa, lập nghiệp nơi này.
Nhà trên đôi nâng cái nhìn của con người lên một tầm mới. Cao hơn và rộng rãi, thoáng đãng hơn. Nó như cái tính tình phóng khoáng, mãnh liệt của người Phố núi. Dẫu những cơn gió lạnh lẽo hoang dại có đi hết con dốc này đến con dốc nọ, thổi vào ngõ ngách từng ngôi nhà thì trái tim họ vẫn ấm nồng, mắt Pleiku vẫn ăm ắp tình đến lạ. Thế nên đừng hỏi tại sao người ta lại yêu Phố núi, yêu những ngôi nhà tận đẩu đâu trên sườn đồi…
NGUYỄN ĐẶNG THÙY TRANG