Nổi tiếng với bài thơ “Khoảng trời lá thông” sáng tác vào năm 1985, trong những năm tháng làm chuyên môn của một kỹ sư nông nghiệp, nhà văn Phạm Đức Long còn sáng tác thơ, truyện thiếu nhi… Đến nay, ông đã có 8 tập sách được xuất bản. Ngoài tiểu thuyết vừa đạt giải, ông cũng đang hoàn thiện bản thảo vài tiểu thuyết khác. Nói về tiểu thuyết “Gái nông trường”, nhà văn Phạm Đức Long cho biết:
Nhà văn Phạm Đức Long. Ảnh: P.D |
- Tôi là con nhà nông, lớn lên tại một vùng nông thôn ở Nghệ An nên tích lũy nhiều vốn sống cũng như hiểu biết về văn hóa, phong tục nông thôn làng Việt. Sau này, tôi học về nông nghiệp, làm việc ở vùng đất Bắc Tây Nguyên nên cũng góp nhặt được nhiều điều hay về vùng đất, con người nơi đây. Tiểu thuyết “Gái nông trường” thể hiện thế mạnh về vốn sống của tôi khi xoay quanh 2 nhân vật chính là cặp vợ chồng ở 2 bối cảnh khác nhau: nông trường phía Bắc trước năm 1975 và nông trường Tây Nguyên thời kỳ sau này.
* Nhiều độc giả khá bất ngờ khi biết ông là kỹ sư nông nghiệp nhưng rất đam mê văn chương. Ông có thể chia sẻ cơ duyên đến với nghiệp cầm bút?
- Nhà văn PHẠM ĐỨC LONG: Tôi yêu thơ văn từ nhỏ, hồi còn là học sinh đã biết làm thơ. Nhưng từ khi đến với Tây Nguyên thì mới chính thức bước vào con đường văn chương. Thời đó, nhiều người được phân công lên đây thì buồn, có người khóc trên đường công tác vì phải lội bộ hàng 30-40 cây số. Riêng tôi thì vẫn thấy vui, có lẽ vì hồi ấy mình ngây ngô. Tôi thích khung cảnh Tây Nguyên, thích những vạt dã quỳ trong gió, thêm nữa con người và cuộc sống ở đây rất chân thật. Có những chuyến tôi đi tăng cường ở cơ sở đến nửa năm, vốn sống cứ ùa vào mình, tôi cứ thế viết ra. Tôi nghĩ mình đã lập trình đúng cuộc đời, từ lúc đi học nông nghiệp cho đến khi về Bắc Tây Nguyên công tác.
Thêm một lý do nữa, đó là 2 đứa con của tôi ngày còn bé rất thích nghe kể chuyện mỗi tối trước khi đi ngủ. Khi hết truyện để đọc cho con nghe thì tôi bịa ra kể. Cứ vậy, sau nhiều câu chuyện như thế, tôi tập hợp lại thành sách. Nhiều người có thể không tin, nhưng quả thật, với tôi, việc viết lách cũng như một cách nghỉ ngơi. Khi chưa nghỉ hưu, vì bận rộn nên tôi chủ yếu viết thơ, truyện ngắn, truyện thiếu nhi… vì chúng đơn giản hơn tiểu thuyết.
* Với ông, chỉ là đơn giản viết ra những gì mình thấy hay cần thêm chất liệu, phương pháp thể hiện đặc biệt nào?
- Nhà văn PHẠM ĐỨC LONG: Nói thật là tôi không qua trường lớp nào, nhưng chịu khó đọc văn của người ta, lý luận của người ta. Đặc biệt, tư duy, nhận thức của tôi được nâng lên rất nhiều sau các lớp tập huấn, trại sáng tác. Đáng nhớ nhất là năm 1985, Ty Văn hóa mời các nhà văn nổi tiếng thời bấy giờ vào mở lớp tập huấn về sáng tác dành cho các cây bút ở Tây Nguyên và tôi may mắn được tham gia. Các nhà văn như: Kim Lân, Nguyễn Kiên, Trung Trung Đỉnh, Hữu Thỉnh… mỗi người giảng vài tiếng đồng hồ, rồi chúng tôi cùng nhau đi thực tế. Từ đây, tôi học hỏi được rất nhiều.
Có lần đi cùng nhau, nhà văn Nguyễn Khắc Trường, tác giả tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” cũng chia sẻ một kinh nghiệm hay. Anh kể: Bối cảnh thực tế của câu chuyện là ở Thanh Hóa, nhưng quê của anh thì ở Thái Nguyên. Do không hiểu nhiều về phong tục ở Thanh Hóa nên Nguyễn Khắc Trường đã… dời câu chuyện về Thái Nguyên quê mình, lồng vào đó những phong tục làng quê. Mỗi người có một vùng đất riêng. Khi không rõ về văn hóa của vùng đất khác thì nên làm như vậy.
* Tiểu thuyết đòi hỏi vốn sống, trường lực của người viết, sự am hiểu về phương pháp, khả năng phân tích tâm lý con người. Một nhà văn thu nhặt tất cả những điều đó từ đâu, thưa ông?
- Nhà văn PHẠM ĐỨC LONG: Tất cả đến từ sự quan sát đời sống. Đời sống chỉ đường cho mình hết, không bịa được đâu. Cũng có người viết “ngộ nhận” về quyền năng của mình, rằng ta muốn cho nhân vật sống hoặc chết, điên hay tỉnh đều được. Nhưng đó không phải quyền năng của nhà văn. Nhà văn phải tôn trọng đời sống của nhân vật, nó có logic riêng chứ không phải mình muốn là được.
Nhà văn Phạm Đức Long (bìa phải) tại lễ trao giải cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, Công đoàn. Ảnh: KIM SƠN |
* Có một câu nói đại ý: Sự tĩnh lặng sẽ sinh ra trí tuệ. Theo ông, một người viết giữ cho mình tâm tĩnh lặng, thậm chí là chút cô đơn có phải là điều cần thiết?
- Nhà văn PHẠM ĐỨC LONG: Tôi cũng nghĩ vậy. Nếu như anh không có chút cô đơn nào đó thì khó mà tĩnh tâm được. Tĩnh lặng ở một mức độ nào đó thì dễ viết hơn. Cứ dồn nén như thế, đến một lúc nào đó, trong không gian, hoàn cảnh nào đó thì sẽ bật ra. Tôi thích lang thang, có thể một mình rong ruổi hàng trăm cây số trên chiếc xe máy. Đi khắp nơi, đói đâu ăn đó, mệt đâu nghỉ đó, gặp ai cũng trò chuyện được.
Từ khi nghỉ hưu, tôi lại càng có điều kiện để tĩnh lặng. 5 năm qua, số lượng tác phẩm tôi viết lớn hơn gấp nhiều lần so với quãng thời gian trước đó. Hiện tôi đang hoàn thành cùng lúc mấy bản thảo tiểu thuyết. Viết cái này mệt thì chuyển sang viết cái khác.
* Ông quan niệm như thế nào về chức phận của nhà văn trong đời sống?
- Nhà văn PHẠM ĐỨC LONG: Cả vùng nông thôn nơi tôi lớn lên và vùng Bắc Tây Nguyên nơi tôi làm việc đều có bề dày văn hóa nhưng nhiều thứ đang dần mất đi, đó là điều đáng tiếc. Vì vậy, văn chương là cách tôi lưu lại những câu chuyện, ký ức, phong tục… của cả 2 vùng đất. Ví dụ, khi viết tập truyện “Chuyện ở làng ma lai”, tôi cài thêm nhiều chi tiết về phong tục, tập quán Tây Nguyên. Tập truyện này đã được Nhà xuất bản Kim Đồng in 30 ngàn bản.
* Nhắc đến cái tên Phạm Đức Long, độc giả lập tức nhớ đến bài thơ “Khoảng trời lá thông”. Điều này gần giống với việc một diễn viên bị... “chết vai”. Có khi nào ông muốn phủ định cái bóng của chính mình?
- Nhà văn PHẠM ĐỨC LONG: Với tôi, điều đó không quá quan trọng nên cứ viết một cách vô tư. Viết xong là thôi, lại viết tiếp, còn mọi thứ đến đâu thì không quá đặt nặng. Tôi hay nói với mọi người, chúng ta hãy yêu mảnh đất nơi mình sinh ra, nơi mình làm việc, cứ chân thành đi, rồi sẽ đạt được điều mình mong mỏi.
* Xin cảm ơn nhà văn về cuộc trò chuyện này!