Phóng sự - Ký sự

Nhạc sĩ tài hoa 'chép sử' chiến tranh biên giới Vị Xuyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Chàng lính tuyên văn của Sư đoàn 356 chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên giai đoạn 1979-1989 là một nhạc sỹ tài hoa: Trương Quý Hải.
Trong số các cựu binh còn sống, Sư đoàn 356 - đơn vị chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc giai đoạn 1979 - 1989, có anh lính tuyên văn Trương Quý Hải. Anh là thanh niên Hà Nội lên đường nhập ngũ theo lời hiệu triệu của non sông.
Anh cũng chính là một nhạc sĩ tài hoa, tác giả của ca khúc “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” lay động hàng triệu trái tim yêu Hà Nội. 
 Nhạc sĩ Trương Quý Hải hát cho các đồng đội nghe tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang). Ảnh: Văn Duẩn
Nhạc sĩ Trương Quý Hải hát cho các đồng đội nghe tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang). Ảnh: Văn Duẩn
Người nhạc sĩ ấy cũng là người “chép sử” về Vị Xuyên bằng nhạc.
“Về đây đồng đội ơi” và “Hát cho người còn sống” là lời đáp vọng của những đồng đội còn sống và người đã nằm xuống. Không có sự mất mát, hy sinh, chỉ có tình yêu Tổ quốc là bất diệt!
Gương mặt cương nghị. Đầu hói cua đã bạc trắng chân tóc. Tay cầm cây đàn ghi ta. Bộ quân phục lính chiến màu xanh. Một Trương Quý Hải mạnh mẽ, gân guốc, rắn rỏi, gan lì trong mắt các đồng đội.
Nhưng, người nhạc sĩ tài hoa ấy cũng không biết bao nhiêu lần vừa đàn vừa khóc, cho cả người sống và người đã hy sinh trong nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên.
“Về đây đồng đội ơi” 
Hơn 35 năm trước, ngày 12/7/1984 là ngày diễn ra trận chiến khốc liệt nhất tại mặt trận biên giới Hà Giang với bí danh MB84. Trong 1 ngày, 600 chiến sĩ sư đoàn 356 hy sinh. Cũng từ đó, ngày 12/7 trở thành “ngày giỗ trận”.
Ca khúc “Về đây đồng đội ơi” được sáng tác trong vỏn vẹn một ngày của tháng 7/2008.
Khi đó, anh em đồng đội của Sư đoàn 356 có ước nguyện lập cây hương ở cao điểm 468 trong dịp kỉ niệm 30 năm sau chiến dịch MB84 để lấy chỗ “đi về” cho những liệt sĩ đã hi sinh mà vẫn đang nằm lại chiến trường, chưa tập kết được về nghĩa trang liệt sĩ.
Bài hát là tiếng gọi “hội quân” của những người còn sống với những đồng đội đã hi sinh.
“12/7 là một ngày đặc biệt - ngày “giỗ trận” của Sư đoàn. Một ý tưởng chợt đến để tôi viết ca khúc này là nếu đài hương được lập nên ở cao điểm 468 thì những người còn sống sẽ gặp lại những người đã hi sinh, thì sẽ nói gì với những người bạn đã hi sinh”. 
Ngày giỗ trận 12/7 của Sư đoàn 356 tại điểm cao 468 (Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang)
Ngày giỗ trận 12/7 của Sư đoàn 356 tại điểm cao 468 (Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang)
Viết xong câu đầu tiên: “Về đây đồng đội ơi, người chiến sĩ sư đoàn. Hà Giang đã ngưng chiến trận” - đấy là tả thực, thế là tưởng chừng “hết vốn”. Nhưng rồi, như có ai “nhắc bài”, câu tiếp theo, và câu tiếp theo nữa cứ thế trào ra.
“Sau đó bài hát nó cứ theo mạch và đi, tôi nói với anh em, đấy là vong linh của đồng đội về mách cho mình. Bài hát cũng là nỗi niềm của chúng ta, những người còn sống nói với những đồng đội đã hy sinh.
Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu. Về đây có nhau, như nguyện ước chiến hào… Hãy về đồng đội ơi” ...
Hãy về đồng đội ơi, người lính chiến mãi đôi mươi, về đây điếu thuốc lào, ấm chè chốt hồn nhiên nụ cười. Bạn bè, đồng đội, người thân ôm nhau nước mắt chan hoà. Nhìn kia, đồng đội tôi 1509 máu thắm quân kỳ; 772, 685 anh em đang về. Và kia 1100, 233 Cô Ích, bốn hầm, bờ suối, dốc núi, anh em về dần. Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu…”.
Bài hát hoàn thành mà chính tôi cũng ngỡ ngàng. Rồi từ đấy, nó trở thành bài hát chung của không chỉ anh em Sư 356, mà tất cả các “đơn vị bạn”, mỗi khi có dịp gặp nhau lại cùng nhau hát” - nhạc sĩ xúc động. 
 Những người lính
Những người lính "mãi mãi tuổi 20" trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới 1979 - 1989. Ảnh tư liệu
Ai cũng thấy bóng dáng mình trong câu chuyện ấy
Trưa 11/7/2014, khi những cựu binh sư đoàn 356 lên cây hương ở điểm cao 468 thắp hương tưởng nhớ đồng đội, tất cả cùng nhau hát vang bài "Về đây đồng đội ơi".
Bài hát vừa dứt, một cơn mưa rất lớn đổ xuống, trắng trời Vị Xuyên. Không ai bảo ai, chỉ thấy xúc động trào nước mắt, bởi cơn mưa ấy có thể là sự trùng hợp tình cờ, nhưng rất có thể, đó là những người đồng đội về với chúng ta” - nhạc sĩ Hải nhớ lại.
Trong buổi gặp mặt, ngoài các cựu chiến binh, các thân nhân liệt sĩ còn có Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy - nguyên Phó tư lệnh Quân khu 2, Tham mưu trưởng mặt trận Vị Xuyên thời kỳ 1985 - 1989.
Anh Hải cùng tướng Huy cùng là khách mời giao lưu cùng với các đại biểu.
Trước mặt người chỉ huy của mình, anh lính tuyên văn Trương Quý Hải ôn chuyện: “Ở mặt trận thì không hiểu tại sao, người Nam Định, người Thái Bình, thằng Hà Nội… cứ gặp nhau là gọi nhau “đồng hương” tất, rồi hỏi nhau những câu rất ngớ ngẩn: “Đồng hương quê ở đâu?”. Chúng ta đều coi nhau là một quê và gọi nhau là đồng hương”.
Rồi, anh hóm hỉnh: “Có câu chuyện cũng rất thật, là kính thưa các thủ trưởng, ngày xưa các thủ trưởng là quan trọng, là cấp trên…, nhưng xin thưa các thủ trưởng, trong một cuộc trò chuyện của mấy thằng lính, nếu một thằng nó chỉ nói một câu, “nhà tao có con em gái” thì ngay lập tức, thằng ấy được kính yêu hơn cả thủ trưởng. Đó là một câu rất thật...”.
Câu chuyện của nhạc sĩ Hải khiến cả hội trường cười vang. Những ánh mắt, những tràng vỗ tay đồng tình của những chàng lính năm xưa, dường như, ai cũng thấy bóng dáng mình trong câu chuyện ấy… 
 Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy - nguyên Phó tư lệnh Quân khu 2, Tham mưu trưởng mặt trận Vị Xuyên thời kỳ 1985 – 1989 (giữa); nhạc sỹ Trương Quý Hải (trái) trong buổi gặp mặt kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, ngày 23/1
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy - nguyên Phó tư lệnh Quân khu 2, Tham mưu trưởng mặt trận Vị Xuyên thời kỳ 1985 – 1989 (giữa); nhạc sỹ Trương Quý Hải (trái) trong buổi gặp mặt kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, ngày 23/1
Rất nhanh, cả hội trường lại trầm xuống. Vẫn câu chuyện của Trương Quý Hải: “Còn có một câu như thế này: Mấy thằng lính, khi nói chuyện gẫu vẫn nhắc nhau: sau này nếu mà ra quân, tiện thì đồng hương qua nhà tôi…
Mày là thằng lính tuyên văn kia mà, như thế vẫn chưa đủ Hải ơi. Những người đã hy sinh, họ cũng có nhiều lời nhắn nhủ kia mà...Thế rồi, anh em lại về nhắc tôi viết bài hát thứ hai. Đây là lời của những người hy sinh gửi những người còn sống. Bài: Hát cho người còn sống”.
Với một phong thái nhanh nhẹn lính chiến, Trương Quý Hải xách đàn ghi-ta, hát “Hát cho người còn sống”. Hội trường im phăng phắc. Đâu đó, có tiếng sụt sùi vì không kìm được xúc động...
Rồi, Trương Quý Hải giơ tay chào theo điều lệnh…

Hát Cho Người Còn Sống
Biên cương đã sạch bóng thù
Đồng đội ơi còn sống về đi
Trở về mái ấm quê hương
Tiện đường ghé thăm nhà tôi
Nhà tôi góc phố nhà tôi cuối làng
Tôi miền cát trắng tôi xóm bên sông
Mẹ hay nước mắt cha thường lặng lẽ
Em tôi ngoan lắm trăng non tóc thề.
Thay tôi tạ lỗi cha mẹ
Đạo làm con chữ hiếu dở dang
Nặng tình non nước lên đường
Ngày về khói hương đoàn viên.
Mưu sinh thăng trầm mai này
Điều nguyện ước chiến binh đừng phai
Để từng giây phút cuộc đời
Đẹp tuyệt vời khát khao được sống.
Người yêu may mắn phụng dưỡng cha mẹ
Người thầm ao ước chiều vợ thương con
Người năm tháng sống tặng đồng đội tôi
Yên vui nhé đồng đội ơi
Ký ức góp chuyện cho đời
Bình thường thôi nếu nhắc về tôi
Xác hóa thành đất đá biên cương
Dâng linh hồn cho khúc hát quê hương.
Nhà tôi góc phố nhà tôi cuối làng
Tôi miền cát trắng tôi xóm bên sông
Mẹ khô nước mắt cha ngồi lặng lẽ
Em tôi thương lắm mỏi mong anh về.
                                            Nhạc sĩ Trương Quý Hải
Thái Bình (VIE)

Có thể bạn quan tâm