Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Nhạc sĩ Vinh Sử qua đời, thọ 79 tuổi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Bà Ngọc Lệ, vợ của nhạc sĩ Vinh Sử, đã báo tin chồng bà qua đời tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định sau thời gian điều trị bệnh

Nhạc sĩ Vinh Sử
Nhạc sĩ Vinh Sử
Bà Ngọc Lệ cho biết sức khỏe của chồng mình sút giảm nghiêm trọng, dù được sự cứu giúp tận tình của các bác sĩ nhưng ông đã trút hơi thở cuối cùng lúc 3 giờ 8 phút ngày 10-9, thọ 79 tuổi. "Ông ấy ra đi không trăn trối điều gì, để lại niềm thương tiếc cho gia đình. Tôi cảm ơn sự giúp đỡ tận tụy của đội ngũ y bác sĩ đã điều trị cho ông thời gian qua, đồng thời cảm ơn những nghệ sĩ, ca sĩ và khán giả đã yêu mến ông, giúp đỡ, đến thăm trong những ngày cuối cuộc đời của ông" – bà Ngọc Lệ chia sẻ trong xúc động.
Nhạc sĩ Vinh Sử tên thật là Bùi Vinh Sử, sinh năm 1944 tại Sài Gòn. Ông được mệnh danh là "vua nhạc sến" bởi hầu hết các sáng tác của ông là những bản bolero thất tình như: "Nhẫn cỏ cho em", "Gõ cửa trái tim", "Người phu kéo mo cau", "Hai bàn tay trắng", "Đêm lang thang", "Chuyến xe lam chiều", "Vòng nhẫn cưới", "Đoạn buồn đêm mưa", "Qua ngõ nhà em", "Hai mái nhà tranh", "Không giờ rồi", "Làm dâu xứ lạ", "Mưa bụi", "Trách người trong mộng", "Quên cây cầu dừa", "Nối lại tình xưa", "Tình đẹp mùa chôm chôm"...

Nhạc sĩ Vinh Sử thời trẻ
Nhạc sĩ Vinh Sử thời trẻ
Thời gian qua, nhạc sĩ Vinh Sử nửa tỉnh nửa mê vì xuất huyết bao tử, viêm phổi, sau ca phẫu thuật ông tiếp tục được điều trị tại phòng hồi sức của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, nhưng do tuổi cao, thiếu sức đề kháng nên tình trạng phục hồi rất chậm.
Nhạc sĩ sáng tác với nhiều bút danh như Vinh Sử, Cô Phượng, Hàn Ni, Diễm Nhi, Đức Vượng... Ông gắn bó dòng nhạc quê hương mang tính đại chúng với hàng nghìn ca khúc. Nội dung các tác phẩm thường nói về những thân phận không may mắn, những mối tình trắc trở do không "môn đăng hộ đối" giữa chàng trai nghèo và tiểu thư.
Về già, nhạc sĩ gần như trắng tay. Ông trải qua bốn đời vợ, bà Ngọc Lệ là người vợ đã chăm sóc ông đến cuối đời. Trước gia cảnh nghèo khó của ông, nhiều đồng nghiệp đã từng tổ chức những đêm nhạc Vinh Sử, đồng thời giúp đỡ ông vượt qua bệnh tật, khó khăn. Chương trình "Mai Vàng nhân ái" của Báo Người Lao Động đã từng đến thăm và trao tiền hỗ trợ cho ông.
Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân đã từng kể, thời đó khán thính giả yêu mến dòng nhạc Boléro, Habanera đã dành cho nhạc sĩ Vinh Sử nhiều tình cảm. Ít ai biết rằng đến  năm 10 tuổi, Vinh Sử mới được đi học vỡ lòng và đến 15 tuổi (tức mới học xong bậc tiểu học) thì… bỏ học để dấn thân vào sáng tác âm nhạc. Dù ít học những trong suốt 60 năm sáng tác, tác phẩm của ông đã là một kho báu đồ sộ với cả trăm bản nhạc được khán giả yêu thích.
Tang lễ của nhạc sĩ Vinh Sử được tổ chức tại nhà riêng: đường số 11, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP HCM. Lễ tẩn liệm được tiến hành lúc 9 giờ 30 sáng 10-9. Lễ động quan vào sáng 13-9, sau đó an táng tại Nghĩa trang Hoa Viên Bình Dương.
Theo Thanh Hiệp (ảnh do NSCC/NLĐO)
 

Có thể bạn quan tâm