Hội chứng ống cổ tay, hay còn gọi là hội chứng đường hầm cổ tay hoặc hội chứng chèn ép thần kinh giữa, cần được phân biệt với tình trạng yếu vận động do thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.
Hình ảnh dây thần kinh giữa bị chèn ép - TƯ LIỆU BV HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC |
Theo Th.S-BS Trịnh Văn Hà, thuộc Khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), hội chứng ống cổ tay do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, trong đó có nguyên nhân nghề nghiệp như: những nhân viên văn phòng phải làm việc bằng tay liên tục duy trì ở một tư thế cố định trong một thời gian dài, hoặc liên quan tới một số cơ địa đặc biệt như: béo phì, đái tháo đường…, nhiều trường hợp vô căn. Phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới.
Hội chứng ống cổ tay thường có các triệu chứng như: ngứa hoặc tê ở ngón tay, bàn tay. Cảm giác này có thể lan từ cổ tay lên cánh tay. Những triệu chứng bệnh thường xảy ra rõ rệt khi lái xe, dùng điện thoại, đọc báo, hoặc trong khi ngủ.
Tình trạng bị tê, ngứa hoặc yếu ở bàn tay và cổ tay xảy ra do các dây thần kinh giữa bị chèn ép. Dây thần kinh này giúp nhận biết cảm giác tại ngón tay cái, ngón trỏ, ngón giữa và một nửa ngón áp út. Do đó, triệu chứng của bệnh là biểu hiện tê, “kiến bò” các đầu ngón tay, nhưng chủ yếu 3 ngón: ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa. Cũng do tình trạng tê ở tay hoặc yếu cơ ngón tay cái nên bàn tay có thể trở nên yếu và không thể cầm nắm đồ vật.
“Để chẩn đoán bệnh, ngoài thăm khám trực tiếp của bác sĩ, cần phải làm thêm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh như cộng hưởng từ cột sống cổ để loại trừ chèn ép thần kinh do thoát vị đĩa đệm cổ. Điện chẩn cơ là phương pháp đơn giản có thể xác định hội chứng ống cổ tay cũng như loại trừ các nguyên nhân khác”, BS Hà cho biết.
Theo BS Trịnh Văn Hà, trong điều trị hội chứng ống cổ tay, ở độ nhẹ, người bệnh cần thay đổi tư thế cổ tay, tránh làm việc liên tục, đeo nẹp cố định cổ tay, tập vật lý trị liệu kéo giãn thần kinh, hoặc dùng các thuốc chống viêm, giảm đau. Khi tình trạng bệnh nặng, không đáp ứng với các biện pháp trên, người bệnh sẽ được xem xét phẫu thuật, cắt dây chằng ngang cổ tay, giải phóng chèn ép cho thần kinh. Phẫu thuật có thể thực hiện bằng phương pháp nội soi hoặc mổ mở.
Theo NAM SƠN (TNO)