Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Nhân Ngày Sách Việt Nam 21-4: Nhiều ý tưởng khuyến đọc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- “Nếu trở thành “Đại sứ văn hóa đọc”, em có kế hoạch và biện pháp gì để khuyến khích các bạn và mọi người đọc sách nhiều hơn cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của sách?”-với câu hỏi đó, nhiều học sinh đã làm người lớn bất ngờ bởi ý tưởng khuyến đọc độc đáo, sáng tạo. Nếu được cộng đồng ủng hộ để biến những ý tưởng đó thành hiện thực, sách sẽ dần giành lại vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần.
Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” là hình thức khuyến đọc mới, lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Gia Lai, thu hút trên 21.000 học sinh ở 3 cấp học trong toàn tỉnh tham gia. Bà Nguyễn Thị Thủy-Giám đốc Thư viện tỉnh-cho biết: “Đây là con số rất ấn tượng, thành công ngoài dự kiến của Ban tổ chức. Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng văn hóa đọc cho khối trường học, cuộc thi còn tìm ra những gương mặt tiêu biểu góp phần truyền cảm hứng cho văn hóa đọc. Các em đều bày tỏ, nếu không trở thành “Đại sứ văn hóa đọc” vẫn sẽ tuyên truyền cho bạn bè, người thân đọc sách nhiều hơn. Bản thân các em cũng dành nhiều thời gian hơn cho việc đọc. Ngoài ra, có những ý tưởng khuyến đọc rất thực tế, dễ ứng dụng mà các em đã mạnh dạn chia sẻ qua cuộc thi, giúp Ban tổ chức có thêm phương pháp, cách nhìn, cách tiếp cận để đưa sách đến gần hơn với bạn đọc, khuyến đọc rộng rãi hơn trong cộng đồng”.
 Tôn vinh những “Đại sứ văn hóa đọc” nhỏ tuổi. Ảnh: H.N
Tôn vinh những “Đại sứ văn hóa đọc” nhỏ tuổi. Ảnh: H.N
Là một trong những gương mặt xuất sắc được trao danh hiệu “Đại sứ văn hóa đọc”, em Đoàn Thị Quỳnh Hương-lớp 11C4 Trường THPT chuyên Hùng Vương-đã chia sẻ ý tưởng khuyến đọc đầy sáng tạo và thuyết phục, đó là xây dựng những “trạm đọc” theo mô hình cà phê sách để có thể gợi cảm hứng cho mọi người đọc sách nhiều hơn. “Không gian đọc sách là yếu tố rất quan trọng, quyết định đến tâm trạng và khơi dậy sự hứng thú cho người đọc. Em nhận thấy hiện nay nhiều bạn trẻ thích đọc trong không gian cà phê. Tuy nhiên, mô hình cà phê sách chưa thực sự phổ biến ở Gia Lai. Hiện nay mới chỉ có một vài địa chỉ tiêu biểu như cà phê Phượt (đường Lê Hồng Phong, TP. Pleiku) với không gian đọc khá lý tưởng, tủ sách phong phú, nhiều thể loại để lựa chọn. Vì vậy, em có ý tưởng phát triển mô hình này, nhân rộng những “trạm đọc” trong không gian lý tưởng của quán cà phê để văn hóa đọc trở nên thu hút và phổ biến hơn nữa. Cách thức thực hiện ý tưởng này như sau: thành lập những câu lạc bộ người yêu sách, tìm và hợp tác với những quán cà phê có không gian phù hợp, tiến hành xây dựng mô hình cà phê sách theo nhiều phong cách, sở thích của bạn đọc. Gia Lai có rất nhiều quán cà phê có không gian mở, nhiều cây xanh, rất phù hợp để phát triển mô hình này”-Quỳnh Hương chia sẻ.
Quỳnh Hương cũng mong muốn những người có niềm yêu thích với sách sẽ quan tâm, ủng hộ ý tưởng này của em để có thể phát triển mô hình cà phê sách, góp phần truyền cảm hứng và làm lan tỏa sâu rộng văn hóa đọc đến cộng đồng. Thói quen thưởng thức cà phê từ lâu đã trở thành đặc trưng của con người Phố núi Pleiku, xây dựng thói quen đọc cho mọi người như thói quen cà phê mỗi sáng còn góp phần mang đến một “diện mạo” khác cho thành phố, biến Pleiku trở thành thành phố của tri thức, của văn hóa cà phê-sách.
“Nếu bạn biết cách đọc, cả thế giới sẽ mở ra cho bạn”-với châm ngôn này, em Hán Thị Quỳnh Anh (lớp 10A2 Trường THPT Trường Chinh, huyện Chư Sê) đã xuất sắc giành giải nhất ở hạng mục “Câu chuyện viết tiếp hay nhất”. Chia sẻ về thói quen đọc sách, Quỳnh Anh kể lại một câu chuyện: “Từ nhỏ em thường thắc mắc với mẹ về cái kết của những câu chuyện đọc được. Mẹ em nói rằng, con đừng quan trọng câu chuyện kết thúc như thế nào, hãy thả hồn vào trang sách và hãy viết tiếp những câu chuyện mà con chưa thấy hài lòng, thỏa mãn. Và khi đọc theo cách này, em thấy như cả thế giới mở ra với biết bao điều kỳ diệu. Em nuôi dưỡng thói quen đọc trong niềm hạnh phúc, sung sướng như vậy. Còn các bạn thì sao, hãy tạo cho mình thói quen đọc sách riêng để khám phá thêm những chân trời khác”. Với Quỳnh Anh, tình yêu sách bắt nguồn từ gia đình, từ sự khơi gợi, truyền cảm hứng mà mẹ em đã định hướng rất đúng lúc từ khi em còn nhỏ. Và giờ đây, em lại trở thành người truyền cảm hứng cho nhiều bạn đọc khác qua những câu chuyện mà em viết tiếp bằng văn phong giản dị, tràn đầy ý tưởng và cảm hứng sáng tạo. Và như vậy, văn hóa đọc đã lan tỏa rộng rãi theo những cách rất riêng.
21.000 học sinh tham gia cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” dù đạt giải hay không đều đã trở thành những đại sứ để cùng nhau chia sẻ những hồi ức đẹp, những kỷ niệm với sách, phương pháp đọc và ý tưởng giúp văn hóa đọc ngày càng phổ biến trong cộng đồng. Những ý tưởng của các em đã góp phần làm thay đổi nhận thức về vai trò của sách, hình thành thói quen đọc sách trong cuộc sống hàng ngày. Ông Nay Kỳ Hiệp-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Trưởng ban tổ chức cuộc thi-hy vọng, đây không chỉ là một cuộc thi khuyến đọc dành cho học sinh mà còn ảnh hưởng tích cực, lan tỏa tới cộng đồng để sách ngày càng có chỗ đứng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay.
 HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm