Kinh tế

Nông nghiệp

Nhân rộng giống mì KM94 để loại bỏ bệnh khảm lá vi rút

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Để giúp người dân loại bỏ bệnh khảm lá vi rút gây hại trên cây mì, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai triển khai mô hình “Sản xuất giống sạch bệnh, thâm canh, quản lý tổng hợp phòng trừ bệnh khảm lá mì do vi rút gây hại tại vùng trồng mì trọng điểm” với giống KM94 tại xã Chrôh Pơnan, huyện Phú Thiện. Sau 7 tháng triển khai mô hình cho thấy giống mì KM94 có khả năng kháng bệnh khảm lá vi rút và năng suất có thể lên đến 35-40 tấn/ha.

Tín hiệu khả quan

Cuối năm 2018, bệnh khảm lá vi rút hại mì lần đầu xuất hiện ở Gia Lai với diện tích 141 ha. Sau đó, bệnh bùng phát ra diện rộng, có thời điểm diện tích nhiễm bệnh lên đến 13.000 ha. Trong đó, bệnh nhiễm nặng trên các giống HL-S11, KM419; nhiễm trung bình trên giống KM98-5 và KM140. Trước thực tế này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Thiện và Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tân Tiến (xã Chrôh Pơnan) triển khai mô hình “Sản xuất giống sạch bệnh, thâm canh, quản lý tổng hợp phòng trừ bệnh khảm lá mì do vi rút gây hại tại vùng trồng mì trọng điểm” với diện tích 20 ha. Thời gian thực hiện mô hình từ tháng 4 đến tháng 12-2021 với tổng kinh phí gần 296 triệu đồng (Nhà nước hỗ trợ gần 199 triệu đồng, còn lại người dân đối ứng). Những hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% giống và vật tư nông nghiệp, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT (bìa trái) kiểm tra chất lượng củ mì giống KM94. Ảnh: Lê Nam
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT (bìa trái) kiểm tra chất lượng củ mì giống KM94. Ảnh: Lê Nam


Ông Hoàng Duy Hoàn-Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Tiến-cho biết: Vì số lượng hom giống có hạn nên mỗi hộ chỉ tham gia được 1-2 ha. Sau 7 tháng xuống giống, cây mì phát triển tốt, tỷ lệ bệnh khảm lá rất ít so với diện tích mì đại trà. Dự kiến năng suất đạt trên 35 tấn/ha, gấp đôi so với mì giống cũ. “Tôi dự định thu hoạch vào cuối tháng 12-2021 để lấy cây giống tái sản xuất. Với 1 ha hom mì giống có thể nhân rộng ra 5-6 ha. Như vậy, với giá bán hiện tại 30-35 ngàn đồng/bó hom giống 20 cây, tôi có thể thu thêm vài chục triệu đồng”-ông Hoàn chia sẻ.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Trường (thôn Hưng Phú 2, xã Chrôh Pơnan) đã bán toàn bộ 1,5 ha giống mì KM94 và 1 ha mì giống cũ cho thương lái với giá 40 triệu đồng/ha. Anh Trường cho hay: Bên mua cam kết cuối tháng 12 này sẽ thu hoạch. Phần cây giống KM94, gia đình sẽ gom lại để mở rộng trồng thêm 5 ha.

Theo ông Hoàng Thi Thơ-Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh: Trước khi giao cho người dân, giống mì KM94 được chạy PCR để đánh giá đảm bảo sạch bệnh và được xử lý bằng thuốc bảo vệ thực vật. Khi xuống giống tiếp tục hướng dẫn người dân phun thuốc bảo vệ thực vật để tiêu diệt bọ phấn trắng gây hại và chăm sóc, bón phân hợp lý, áp dụng quy trình phòng trừ dịch hại tổng hợp. Sau 7 tháng triển khai mô hình cho thấy giống mì KM94 có khả năng kháng bệnh khảm lá vi rút và năng suất dự kiến 35-40 tấn/ha.

Nhân rộng giống mì KM94

 

Toàn tỉnh hiện có khoảng 80.980 ha mì, chiếm hơn 15,1% diện tích mì cả nước, tăng gần 25% so với năm 2016 (64.842 ha). Các địa phương có diện tích mì nhiều gồm: Krông Pa 22.800 ha, Kông Chro 10.640 ha, Ia Pa 9.760 ha, Chư Prông 5.980 ha, Mang Yang 4.390 ha, Kbang 4.383 ha, Phú Thiện 4.092 ha.

Anh Ksor Ngan (buôn Khăn, xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa) cho biết: Tôi thấy giống mì KM94 tỷ lệ khảm lá rất ít, củ to, đều, khả năng trữ bột cao. Còn anh Trần Văn Sớm (thôn Đồng Sơn, xã Kim Tân, huyện Ia Pa) thì cho hay: Gia đình có 3 ha trồng giống mì HL-S11 và KM149. Do bị bệnh khảm lá vi rút nên năng suất chỉ đạt khoảng 20 tấn/ha. Khi tham quan mô hình trồng giống mì KM94, tôi thấy cây không bị bệnh lại có năng suất cao. Vụ tới, tôi sẽ tìm mua giống này về trồng.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện: Qua kiểm tra mô hình trồng giống mì KM94 cho thấy cây phát triển tốt, không bị bệnh khảm lá và năng suất cao gấp đôi các giống khác. Với kết quả này, huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền và định hướng người dân chuyển đổi sang giống KM94 để hạn chế bệnh khảm lá. Đồng thời, UBND huyện sẽ bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp, khuyến nông hỗ trợ hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số giống mì này để phát triển sản xuất.

Trong khi đó, ông Võ Minh Châu-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-cho biết: Trong năm 2021, huyện đã hỗ trợ hơn 88 ngàn bó giống KM94 cho người dân trồng hơn 880 ha. Cùng với đó, huyện thực hiện mô hình trồng giống mì KM94 trên diện tích 10 ha, áp dụng tưới nhỏ giọt thấy rất hiệu quả. “Chúng tôi đang vận động người dân chuyển đổi các giống mì bị nhiễm bệnh sang trồng giống KM94 để từng bước loại bỏ bệnh khảm lá. Ngoài ra, huyện đang khảo nghiệm 2 giống mới là HN3 và HN5. Các giống mì này có đặc điểm năng suất, hàm lượng tinh bột cao và có thể kháng được bệnh khảm lá vi rút”-ông Châu thông tin.  

Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Sở đề nghị các địa phương hướng dẫn người dân loại bỏ giống mì HL-S11 vì bị nhiễm bệnh khảm lá nặng, tập trung nhân rộng giống mì KM94. Đồng thời, ngành Nông nghiệp đang khảo nghiệm một số giống mì mới có khả năng kháng được bệnh, cho năng suất cao để đưa vào trồng. Chúng tôi cũng đề nghị các nhà máy chế biến phải tiếp cận các trung tâm sản xuất giống mì kháng được bệnh khảm lá để tạo vùng nguyên liệu bền vững. Cùng với đó, các địa phương cần nhân giống mì KM94 để sớm loại bỏ bệnh khảm lá vi rút.   

 

 LÊ NAM - VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm