Xã hội

Đời sống

Nhân rộng mô hình liên thế hệ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần cho người cao tuổi (NCT) là vấn đề được xã hội quan tâm. Sự ra đời của các câu lạc bộ (CLB) Liên thế hệ tự giúp nhau theo Quyết định số 1336/QĐ-TTg ngày 31-8-2020 của Thủ tướng Chính phủ là điều kiện giúp NCT được chăm sóc, sống vui, sống khỏe.

Là kiểu mô hình tích hợp các loại hình CLB đặc thù có sẵn trước đó của NCT (văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao, dưỡng sinh…), CLB Liên thế hệ tự giúp nhau có ưu điểm lớn là tạo được mối liên kết liên thế hệ chặt chẽ. Sự tự nguyện góp mặt của các thành viên trẻ tuổi mang đến cho NCT trong CLB khí thế “thanh niên”, tạo sự thấu hiểu, rút ngắn khoảng cách thế hệ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho NCT-thuộc nhóm dễ bị tổn thương.

Bà Rơ Chăm H'Yéo (bìa trái)-Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh chúc mừng Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Nhơn Tân (xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang) tại lễ ra mắt (ảnh nhân vật cung cấp).

Bà Rơ Chăm H'Yéo (bìa trái)-Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh chúc mừng Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Nhơn Tân (xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang) tại lễ ra mắt (ảnh nhân vật cung cấp).

Ông Nguyễn Thành Nuôi-Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Đại diện Hội NCT tỉnh-cho biết: Toàn tỉnh có trên 20 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau đã được thành lập dựa trên tình hình thực tế và mong muốn của hội viên.

Ông Nuôi đánh giá: Đây là mô hình rất nhân văn, phát triển trên nền tảng hoạt động của các tổ chức hội nói chung và Hội NCT nói riêng tại cộng đồng dân cư. Mô hình giúp NCT tương trợ lẫn nhau, chăm sóc người già neo đơn (đến tận nhà hỗ trợ tắm rửa, giặt giũ…); giáo dục truyền thông giúp NCT theo kịp sự phát triển của xã hội; khám sức khỏe định kỳ… Ngoài ra, các CLB này còn phát huy nguồn lực tại địa phương cũng như sự đóng góp của các thành viên để hỗ trợ cho vay không tính lãi hoặc lãi suất thấp đối với NCT khó khăn, có mong muốn phát triển kinh tế gia đình.

Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Đại diện Hội NCT tỉnh cũng rất tâm đắc với việc tạo dựng mối liên kết liên thế hệ thông qua mô hình; có người mới 27 tuổi đã tự nguyện xin vào CLB.

Tại Gia Lai, mô hình đầu tiên được thành lập là CLB Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Nhơn Tân, xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang. Đây là mô hình hiệu quả nhất cho đến nay. Ông Đặng Văn Quế-Trưởng ban Đại diện Hội NCT huyện Mang Yang-thông tin: Câu lạc bộ ra mắt vào năm 2022 với hơn 40 thành viên, duy trì đều đặn, sôi nổi các hoạt động như: tập dưỡng sinh, văn nghệ, dân vũ, thể dục buổi sáng…

Ngoài số tiền do các thành viên tự đóng góp, CLB còn có thêm sự hỗ trợ kinh phí từ cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể, đơn vị, tổ chức trên địa bàn nên duy trì quỹ hoạt động 35 triệu đồng, sử dụng để thăm hỏi, động viên nhau khi đau ốm, hoặc cho hội viên khó khăn vay với lãi suất thấp. Từ mô hình này, đến nay, Ban Đại diện Hội NCT huyện Mang Yang đã nhân rộng thành 4 CLB.

Thực hiện Quyết định số 1336/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025”, mới đây, Ban Đại diện Hội NCT tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 69/KH-HNCT triển khai trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu là nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của NCT; giúp đỡ NCT nghèo, cận nghèo và khó khăn tại cộng đồng thông qua cách tiếp cận liên thế hệ. Kế hoạch trên cũng hướng đến huy động sự đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và toàn xã hội trong việc chăm sóc, phát huy vai trò của NCT trong bối cảnh già hóa dân số.

Theo đó, Ban Đại diện Hội NCT tỉnh đề ra chỉ tiêu đến năm 2025, 17/17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có CLB Liên thế hệ tự giúp nhau; có ít nhất 70 CLB được xây dựng với trên 3.500 thành viên. Trong đó, các CLB Liên thế hệ tự giúp nhau phấn đấu bảo đảm chất lượng, cơ cấu, thành phần (mỗi CLB có 50-60 thành viên, trong đó 60-70% là phụ nữ, 60-70% là NCT, 30-40% là người trẻ tuổi; ưu tiên người có hoàn cảnh khó khăn). Phấn đấu 100% NCT khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý, hỗ trợ về vật chất, tinh thần (khi có yêu cầu).

Bên cạnh đó, chú trọng thành lập và nhân rộng mô hình CLB ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Kinh phí hoạt động một phần từ ngân sách nhà nước, một phần huy động đóng góp từ các tổ chức, cá nhân, các nguồn quỹ tại địa phương và thành viên CLB; kể cả nguồn lực viện trợ, tài trợ hợp pháp từ các tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật.

Theo đánh giá của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Năm 2019, số người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số; đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Dự báo đến năm 2036, Việt Nam chính thức chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Do vậy, nhu cầu chăm sóc sức khỏe và chăm sóc xã hội cũng tăng lên theo độ tuổi. Chưa kể, NCT đang phải đối mặt với thách thức không nhỏ từ sự đứt gãy thế hệ bởi nhịp sống hiện đại luôn khiến mỗi người phải nhanh, vội, ít có thời gian dành cho nhau, lắng nghe nhau. Người cao tuổi càng dễ bị “bỏ rơi”, cô đơn trong thế giới của riêng mình.

Trong bối cảnh đó, sự hỗ trợ để tăng thời gian sống khỏe mạnh về thể chất và tinh thần cho lớp người này là hết sức cần thiết. Vì vậy, nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau là một giải pháp hay, rất cần sự hỗ trợ nhiều mặt, đặc biệt là về kinh phí để NCT chủ động tự giúp nhau, qua đó tiếp tục khẳng định vai trò bằng những đóng góp thiết thực cho sự phát triển của xã hội.

Có thể bạn quan tâm