(GLO)- Thời điểm này các năm trước, khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) luôn tấp nập xe chở nông sản qua lại. Tuy nhiên, không khí tại đây hiện khá ảm đạm dù đang là thời kỳ cao điểm nhập hàng nông sản từ Campuchia về Việt Nam. “Nguyên nhân do phía Campuchia mới xây dựng 2 nhà máy chế biến nông sản nên gom hết hàng về đó”-ông Bùi Khắc Quang-Giám đốc Sở Công thương, cho biết.
Theo ông Bùi Khắc Quang, hiện hoạt động nhập khẩu hàng nông sản từ phía Campuchia về Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là mặt hàng mì lát, dẫn đến lượng mì lát xuất khẩu của tỉnh cũng giảm theo. Năm 2017, sản lượng mì lát xuất khẩu của tỉnh chỉ đạt 86.600 tấn, giảm 21,3% so với năm 2016.
Dù đang là thời kỳ cao điểm nhập khẩu nông sản nhưng khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh khá vắng vẻ. Ảnh: L.L |
Lo lắng vì tình hình nhập khẩu hàng nông sản không mấy khả quan, bà Võ Thị Thụ-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thương mại Toàn Thắng, cho biết: Năm nay, sản lượng nông sản nhập về từ Campuchia của Công ty giảm từ 30.000 tấn xuống còn 15.000 tấn. Trong đó, mặt hàng giảm mạnh nhất là mì lát, đậu tương…
Theo ông Nguyễn Khắc Hải-Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, mì lát là mặt hàng nông sản nhập khẩu chủ lực từ Campuchia về Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Tuy nhiên, từ khi nhà máy chế biến tinh bột mì ở huyện Oyadav (tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia) đi vào hoạt động thì lượng mì lát nhập khẩu từ Campuchia về Việt Nam giảm mạnh (khoảng 80%), ảnh hưởng không nhỏ đến kim ngạch nhập khẩu của tỉnh. Không riêng gì mì lát, một số mặt hàng nông sản khác cũng giảm sản lượng nhập về so với trước đây. “Hiện nay, thị trường hàng nông sản Campuchia đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp Thái Lan và Việt Nam. Một số mặt hàng nông sản Campuchia như đậu tương nhập về Việt Nam giảm nhiều so với năm 2016 do hầu hết xuất khẩu sang Thái Lan”-ông Hải cho biết thêm.
Trước tình hình này, một số doanh nghiệp của tỉnh bắt đầu chuyển hướng sang nhập khẩu tinh bột mì và một số nông sản khác từ Campuchia. Theo bà Võ Thị Thụ, Công ty đã lấy mẫu tinh bột mì ở Campuchia gửi cho đối tác, đồng thời tìm hiểu thủ tục nhập khẩu mặt hàng này. Đáng nói là sản lượng mủ cao su từ thị trường Campuchia rất lớn nhưng giá cả mặt hàng này khá cao nên doanh nghiệp chỉ nhập hạn chế, mỗi tháng 1 chuyến (khoảng 100 tấn).
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh năm 2017 đạt 148 triệu USD (tăng 10,4% so với năm 2016), trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 23 triệu USD (giảm 8% so với năm 2016), kim ngạch nhập khẩu đạt 125 triệu USD (tăng 15% so với năm 2016). |
Ngoài ra, theo báo cáo của Ban Quản lý Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, năm 2017, một số chính sách của Campuchia thay đổi, do đó hoạt động xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh bị ảnh hưởng. Kim ngạch xuất khẩu sang Campuchia giảm 8% so với năm 2016, nhất là các mặt hàng vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp và thực phẩm… Để tháo gỡ khó khăn, Ban Quản lý Khu Kinh tế Cửa khẩu đã đề xuất Ban Chỉ đạo Thương mại biên giới xem xét chỉ đạo các ngành chức năng quan tâm làm việc với phía Campuchia để tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng nói trên của Việt Nam được xuất sang thị trường Campuchia một cách thuận lợi.
Dã Quỳ