Thời sự - Bình luận

Nhập tỉnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhìn vào lịch sử nước Việt dày đặc những cuộc di dân, dời đô, đổi quốc hiệu cho tới tách/nhập các đạo, lộ, phủ, châu, tổng, trấn, cho tới hương xã, thôn ốc... Phù hợp với đòi hỏi lịch sử của mỗi thời kỳ, đầy hợp lý và uyển chuyển, để có được một đất nước toàn vẹn như ngày nay.

Nên khoảng 30 năm qua, sau khi nhiều tỉnh, thành được chia tách để phát triển, đến nay lại nghiên cứu sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, theo Kết luận số 126 mới đây của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cũng với mục tiêu để phát triển - cũng là điều bình thường, hợp quy luật. Trong công cuộc cải cách bộ máy hành chính lớn nhất suốt nhiều thập kỷ qua, đó là tinh giản, rút gọn tối đa bộ máy, từ trung ương tới địa phương, từ tỉnh thành đến sở ngành, quận huyện, phường xã...

Thực tế ai cũng thấy, nếu cứ duy trì không ít đơn vị cấp tỉnh nhỏ bé cả về diện tích và quy mô dân số như hiện nay sẽ phân tán nguồn lực, thiếu tính liên kết, không có động lực cũng như dư địa mới để phát triển. Trong khi giao thông đã nhanh chóng, thuận lợi; các thủ tục hành chính đã số hóa,...

Định hướng nghiên cứu sáp nhập một số tỉnh đang được dư luận đặc biệt quan tâm, bàn luận, bởi thiết thân đến mọi nhà, từng người. Tuy nhiên, đọc kỹ các ý kiến, bình luận trên các diễn đàn, thấy nhiều điều cần nói. Đó là “dư địa” được nhiều người hiểu một cách đơn giản là không gian địa lý, là diện tích đất đai. Hiểu theo nghĩa nhập tỉnh là có thêm diện tích để tăng cường đô thị hóa, phát triển cơ sở hạ tầng...

Trong khi nền kinh tế bất động sản dựa vào phân nền chia lô, xây khu đô thị hiện cũng đã không còn nhiều ý nghĩa, và rất khó trở thành động lực phát triển. Bài học là không ít “tỉnh lẻ” hiện đang ế ẩm rất nhiều những khu đô thị được xây dựng hoành tráng ngay trên đất vàng. Sẽ chẳng ai đến sinh sống tại một nơi mà không có hoặc rất ít cơ hội để họ phát triển công ăn việc làm, sự nghiệp, cũng như hưởng thụ các giá trị văn hóa, giáo dục, y tế chất lượng.

Chắc chắn điều này sẽ được đặt ra trong quá trình tính toán sáp nhập các tỉnh lại với nhau. Rằng dư địa để phát triển trong kỷ nguyên mới này không phải chỉ là đất đai và dân số theo một khuôn mẫu chung, mà quan trọng nhất chính là cơ chế, chính sách để phát triển. Như việc Quốc hội đã cho phép thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội, tạo đột phá phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương. Đơn cử như thành phố Đà Nẵng được tổ chức chính quyền đô thị, thí điểm thành lập Khu thương mại tự do, Trung tâm tài chính quốc tế, phát triển công nghệ cao,...

Và cũng chắc chắn một điều, rằng sáp nhập các tỉnh lại với nhau phải dựa trên những tiêu chí, đặc thù riêng biệt, chứ không ghép cơ học theo liên cư liên địa, hoặc trước kia tách ra thế nào thì giờ nhập lại như cũ. Bởi sau hơn 30 năm, mọi thứ đã rất khác trước. Về nội lực, về vận dụng sáng tạo và hiệu quả cơ chế chính sách, phát huy tiềm năng lợi thế... của mỗi địa phương, vùng miền. Đòi hỏi tư duy sáp nhập cũng phải theo kịp.

Theo Trí Quân (TPO)

Có thể bạn quan tâm