Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Nhiếp ảnh gia Khánh Phan: Từ nỗi buồn hôn nhân đến nổi danh quốc tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trước khi mang về hàng loạt giải thưởng thế giới, chị đã gặp biến cố lớn trong đời một người phụ nữ. Nhiếp ảnh đã đến như một sự động viên để rồi bất ngờ thay đổi cuộc đời chị mãi mãi.

Nhiếp ảnh gia Khánh Phan. (Ảnh: NVCC)
Nhiếp ảnh gia Khánh Phan. (Ảnh: NVCC)



Khánh Phan (Phan Thị Khánh, sinh năm 1985 tại Thái Bình) là một trong số ít người nữ thuộc giới nhiếp ảnh Việt Nam. Trong hơn bốn năm “vác máy đi chụp,” chị thu về hơn hàng chục, thậm chí hàng trăm thành tích lớn nhỏ trong và ngoài nước như giải nhiếp ảnh quốc tế Sony, loạt giải thưởng của Agora (mạng xã hội chuyên về nhiếp ảnh), giải Skypixel về ảnh chụp từ trên cao... Nhiều tạp chí lớn như Wanderlust, National Geographic cũng đã mua lại ảnh của chị.

Gần đây nhất là vào cuối tháng 2/2021, Khánh Phan tiếp tục “rinh” hai huy chương vàng, bạc tại TIFA - Giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế Tokyo.

Với khối giải thưởng đồ sộ và danh tiếng nhất định, cuộc sống của Khánh Phan đang ở một chương mới tươi đẹp, nhưng ít ai biết câu chuyện trước đó của chị không hề là “đệm trải hoa hồng.” Báo VietnamPlus có dịp phỏng vấn chị về cuộc sống, nhiếp ảnh và những cảm hứng vô tận với vẻ đẹp của Việt Nam.

Đến với nhiếp ảnh bằng nước mắt

- Xin chị chia sẻ về cơ duyên đến với nhiếp ảnh, biến cố về hôn nhân đã ảnh hưởng tới chị như thế nào?


 

''Những đứa trẻ nhảy múa theo cồng chiêng'' (trái) và ''Phơi cá'' giành huy chương vàng, bạc tại TIFA 2020. (Ảnh: Khánh Phan)
''Những đứa trẻ nhảy múa theo cồng chiêng'' (trái) và ''Phơi cá'' giành huy chương vàng, bạc tại TIFA 2020. (Ảnh: Khánh Phan)



Nhiếp ảnh gia Khánh Phan: Năm 2016, sau khi hôn nhân đổ vỡ, tôi ôm con ra thuê một phòng trọ nhỏ. Tôi đã rất buồn tủi và đau lòng, gần như suy sụp.

Nhưng khi ấy bản năng làm mẹ trỗi dậy mạnh mẽ, tôi tự nhủ mình phải cố gắng vững vàng để nuôi con. Tôi cũng nhận ra để là một người con có hiếu với cha mẹ, tôi cần lo tốt cho bản thân mình trước nhất.

Vì thế nên tôi mua một chiếc máy ảnh để tự động viên mình, ban đầu chỉ đi chụp ảnh hoa, lá trong công viên cho khuây khỏa thôi. Nhưng những cái đẹp nhỏ nhoi, đơn giản ấy đã khiến tôi bất ngờ nhận ra cuộc sống này xinh đẹp và thú vị thế nào.


 

Chuyện buồn vô tình làm nảy nở tình yêu trong Khánh Phan với cái đẹp và nhiếp ảnh. (Ảnh thuộc bộ ''Dáng hình của lưới'' được nhiều tạp chí nước ngoài khen ngợi)
Chuyện buồn vô tình làm nảy nở tình yêu trong Khánh Phan với cái đẹp và nhiếp ảnh. (Ảnh thuộc bộ ''Dáng hình của lưới'' được nhiều tạp chí nước ngoài khen ngợi)


Nhiếp ảnh đã cứu vớt cuộc sống của tôi như một định mệnh mà cuộc sống ban tặng vậy. Nó trở thành đam mê và động lực, giúp tôi chấp nhận xây dựng cuộc sống mới, trải qua khó khăn lớn nhất lúc ấy.

- Để có được nhiều thành tích như ngày nay, chị đã phải trải qua những gì? Chị có nhận được sự ủng hộ của gia đình không?

Nhiếp ảnh gia Khánh Phan: Những giải thưởng đầu tiên là rất nhiều mồ hôi nước mắt của không chỉ bản thân tôi, mà còn của mẹ và con trai tôi.

Gia đình tôi ban đầu rất hoang mang, không hiểu gì về việc tôi đang làm, cũng không hiểu tôi chụp để làm gì - điều mà chính tôi lúc ấy cũng không chắc chắn, chỉ biết mình cảm thấy có đam mê với nhiếp ảnh và quyết đi thực hiện dự án riêng của mình. Nhưng khi đã quyết làm gì thì tôi sẽ lên kế hoạch để thực hiện bằng được.


 

 Bộ ảnh ''Landmark 81'' đạt huy chương vàng Festival Nhiếp ảnh trẻ 2019 do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức, một trong những dự án đáng nhớ nhất của Khánh Phan. (Ảnh: NVCC)
Bộ ảnh ''Landmark 81'' đạt huy chương vàng Festival Nhiếp ảnh trẻ 2019 do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức, một trong những dự án đáng nhớ nhất của Khánh Phan. (Ảnh: NVCC)



Để săn bức ảnh như ý, tôi thường phải xa gia đình dài ngày, leo núi, thức canh cả đêm, có khi bị sóng biển đánh ngập đầu, hỏng hết máy móc, cũng có khi ngồi canh chừng sương đêm trong… nghĩa địa.

Năm 2019, tôi dành 2 tháng ròng cho bộ ảnh “Landmark 81: Khát vọng vươn cao,” tôi phải rình lúc 10 giờ đêm, có khi là 2, 3 giờ sáng “rình” chụp sương và mây.

Thấy con gái có thể bất chợt đi bất cứ lúc nào, vác cái túi máy ảnh dễ nặng tới nửa chục cân, chạy xe máy gần 20 cây số giữa đêm rồi nghỉ qua đêm tại điểm chụp... mẹ tôi thấy hoang mang và đã khóc rất nhiều, cậu con trai tôi bấy giờ mới 4 tuổi cũng thường xuyên khóc đòi mẹ.

- Là phụ nữ, chị được hay mất nhiều hơn? Đặc biệt là ở trong ngành này?

Nhiếp ảnh gia Khánh Phan: Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tôi sinh sống, nhưng cũng là nơi để lại cho tôi nhiều nước mắt nhất. Những giải thưởng đầu tiên thực sự khiến tôi bất ngờ và tự hào, nhưng cũng khiến nhiều người ngờ vực khả năng của tôi vì là phụ nữ.

Họ đồn rằng tôi mua giải, có hậu thuẫn, nghi ngờ tôi có người chụp ảnh hộ, hậu kỳ hộ [xử lý ảnh sau khi chụp - PV]... Không dưới chục lần, tôi đã nghĩ đến chuyện từ bỏ nhiếp ảnh hoàn toàn.

 

 Bức ảnh ''Bao bọc'' chụp tại Festival Cồng chiêng Gia Lai 2018. (Ảnh: Khánh Phan)
Bức ảnh ''Bao bọc'' chụp tại Festival Cồng chiêng Gia Lai 2018. (Ảnh: Khánh Phan)


Thế nhưng nếu không vì đam mê, vì con trai và cha mẹ mình, tôi đã không giữ vững bản lĩnh để khẳng định mình bằng được. Tôi phải cân bằng giữa đam mê và cuộc sống, nhiếp ảnh giờ đây không chỉ đơn thuần là cuộc chơi, đối với tôi, nó đã trở thành một sự sinh tồn.

Tôi đang làm việc để nỗ lực khẳng định bản thân, kiếm thêm thu nhập cho cuộc sống của gia đình và cho chính mình.

Và dù thế nào, tôi vẫn cảm thấy may mắn khi mỗi ngày thức dậy được là phụ nữ. Thế giới dành cho chúng tôi những lời khen ngợi đẹp nhất, tôi tự tin rằng chúng tôi đã và đang tô thêm sự tinh tế, duyên dáng vào cuộc sống này cũng như trong chính những tác phẩm của mình.

Ảnh du lịch Việt Nam liệu có trở nên cũ kỹ?

- Khoảnh khắc, vùng đất nào của Việt Nam khiến chị cảm thấy trào dâng trong lòng nhất?

Nhiếp ảnh gia Khánh Phan: Đó là lần đầu bay flycam (thiết bị bay không người lái gắn máy ảnh) để chụp người lao động làng nghề Việt, tôi thực sự ngạc nhiên với góc nhìn từ trên cao, Việt Nam mình đẹp quá!

Tác phẩm được coi là bước ngoặt chính là “Flower on the water” (tạm dịch: Hoa trên nước) đã nhận rất nhiều giải thưởng. Trong chiếc áo bà ba nhiều màu sắc và những chiếc nón lá, người phụ nữ Việt hiện lên duyên dáng xinh đẹp làm sao. Họ đúng là những nguồn cảm hứng thật sự.


 

 Loạt ảnh rửa hoa súng trên sông, trong đó bức ''Hoa trên nước'' (góc dưới, trái) đạt giải nhất hạng mục 'Vui vẻ' giải Skypixel 2019; giải nhất hạng mục 'Con người' giải Drone Siena Award 2019... (Ảnh: NVCC)
Loạt ảnh rửa hoa súng trên sông, trong đó bức ''Hoa trên nước'' (góc dưới, trái) đạt giải nhất hạng mục 'Vui vẻ' giải Skypixel 2019; giải nhất hạng mục 'Con người' giải Drone Siena Award 2019... (Ảnh: NVCC)
''Những đứa trẻ nhảy với cồng chiêng'.' (Ảnh: NVCC)
''Những đứa trẻ nhảy với cồng chiêng'.' (Ảnh: NVCC)


Ấn tượng nhất đến thời điểm này, có lẽ chính là Gia Lai. Nơi ấy có khí hậu mát mẻ, dễ chịu của cao nguyên, có con người hiếu khách, là vùng đất của đồng bào dân tộc thiểu số hào hùng Tây Nguyên nắng gió.

Tôi đã đặc biệt xúc động khi thấy lũ trẻ nhảy múa theo điệu cồng chiêng. Chúng thấm nhuần và đắm chìm trong những giá trị truyền thống của dân tộc của mình một cách thật hồn nhiên đến nhường nào!

- Từ trước đến nay đã có rất nhiều bức ảnh đẹp về Việt Nam, chị có lo rằng chất liệu ảnh du lịch đất nước ta sẽ trở nên cũ kỹ, không còn gì thú vị với khán giả quốc tế không?

Nhiếp ảnh gia Khánh Phan: Tôi cũng trăn trở nhiều khi từng có hàng ngàn nhiếp ảnh gia khác cùng chụp mùa vàng, chụp cảnh rửa hoa súng, cùng chụp ảnh phơi hương, phơi cá...

Về phần cá nhân, tôi là người con của miền quê Thái Bình, lớn lên trong một đất nước với bề dày lịch sử, văn hóa, cảnh quan nên thơ, con người cần cù… Thật khó để tôi hết rung động được với vẻ đẹp nước mình.

Và cũng phải khẳng định rằng thiên nhiên và các làng nghề Việt Nam luôn “được lòng” truyền thông thế giới. Vì vậy, tôi luôn cố gắng đưa ra góc chụp mới và câu chuyện sâu sắc, tinh tế hơn.

 

 Phơi hương tại làng nghề Quảng Phú Cầu Hà Nội. (Ảnh: Khánh Phan)
Phơi hương tại làng nghề Quảng Phú Cầu Hà Nội. (Ảnh: Khánh Phan)


Truyền thông quốc tế là cơ hội cho tất cả, tôi cần mang đúng khoảnh khắc đẹp nhất vào các cuộc thi danh tiếng, phù hợp. Kèm thêm một chút may mắn để ảnh của mình được chọn ra từ hàng trăm ngàn ảnh khác, tôi tin tôi vẫn có thể khiến thế giới rung động theo cách mà mình rung động về Việt Nam.

 

Lò gạch cổ Mang Thít, Vĩnh Long. (Ảnh: Khánh Phan)
Lò gạch cổ Mang Thít, Vĩnh Long. (Ảnh: Khánh Phan)



Tôi luôn mơ ước thể hiện ra cho bạn bè quốc tế Việt Nam có một vẻ đẹp tiềm ẩn và đáng ghé thăm như thế nào. Tôi sẽ luôn chọn mang những gì đẹp đẽ, đáng quý nhất của nước mình đến với những cuộc thi ảnh trên thế giới, để càng ngày càng có nhiều bạn bè thế giới biết đến thăm, tự trải nghiệm Việt Nam bằng mọi giác quan của họ!

- Chân thành cảm ơn những chia sẻ của chị!

 

Theo Minh Anh (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm