(GLO)- Yêu thích việc bắt trọn những khoảnh khắc đẹp nhất của cuộc sống, của thiên nhiên, ông Lê Văn Vinh (103 Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku) đã tìm đến với nhiếp ảnh. Những tác phẩm được ghi nhận, vinh danh càng khiến ông say mê hơn với bộ môn nghệ thuật này.
Có lẽ trong làng nhiếp ảnh Gia Lai, ông Lê Văn Vinh là người “vào nghề” muộn nhất, bởi khi ấy ông đã... 60 tuổi. Trong khi các tay máy kỳ cựu cùng lứa tuổi đã có đến vài chục năm bấm máy, người trẻ nhất cũng đã có đến vài năm chơi ảnh thì ông Vinh chỉ có vỏn vẹn 2 năm.
Trước khi đến với chiếc máy ảnh, ông Vinh đã có gần 30 năm cầm phấn trên bục giảng của Trường THPT chuyên Hùng Vương. “Khi về hưu, tôi muốn tìm một việc gì đó để giải khuây, để thấy mình còn làm được nhiều điều có ý nghĩa. Tâm sự với một vài người bạn thì họ khuyên tôi nên đến với nhiếp ảnh. Trước kia, thỉnh thoảng tôi cũng chỉ chụp ảnh cho vui chứ không nghĩ đến lúc mình lại gắn bó với nó”-ông Vinh tâm sự.
Nhiếp ảnh gia Lê Văn Vinh (ảnh do nhân vật cung cấp). |
Thế rồi, ông kết nối với các nhiếp ảnh gia trong tỉnh để được học hỏi thêm về kiến thức, kỹ thuật cũng như tích lũy kinh nghiệm sáng tác. Những góp ý của bạn bè ngày càng giúp ông chỉn chu hơn trong từng bức ảnh, nắm bắt được trọn vẹn những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống. Ông Vinh bộc bạch: “Đến với nhiếp ảnh, tôi cảm thấy rất thích thú bởi được khám phá, cảm nhận vẻ đẹp của nơi mình đang sống mà vì bận rộn nên suốt bao năm đã vô tình bỏ quên. Nhờ nhiếp ảnh mà gần đây, khi nhìn ngắm Biển Hồ từ trên cao, tôi mới chợt hiểu vì sao người ta lại ví nó như đôi mắt của người thiếu nữ”.
Theo ông Vinh, bức ảnh đẹp nhất là bức ảnh ghi lại khoảnh khắc tự nhiên nhất, không có sự sắp đặt nào. Ông đặc biệt thích chụp động vật, nhất là chim chóc. Đây cũng là mảng đề tài giúp ông vinh dự đạt giải nhất trong cuộc thi ảnh quốc tế AGORA Images Beauty 2019. Với tiêu chí khắc họa vẻ đẹp của thế giới, cuộc thi ảnh quốc tế Agora Images Beauty 2019 đã thu hút cộng đồng yêu nhiếp ảnh với hơn 2 triệu tài khoản đăng ký đến từ 193 quốc gia; tổng cộng đã có hơn 10 triệu ảnh được đăng tải lên trang.
Tác phẩm đạt giải cao nhất của cuộc thi ghi lại khoảnh khắc một chú chim hút mật bụng vàng, lông bóng mượt đang vỗ cánh trước chùm hoa liễu đỏ. Màu sắc sặc sỡ của chú chim cùng động tác đập cánh đầy sống động đã được ông Vinh bắt trọn. Mấy ai biết được, để chụp được tấm ảnh này, ông đã phải đợi đến 2 năm. Ông kể: “Loài chim hút mật này thường về thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) vào dịp gần Tết. Năm ngoái, tôi cũng đã đến Măng Đen để chụp loài chim này nhưng khi ấy thiết bị còn hạn chế nên những bức ảnh có chất lượng thấp. Năm vừa rồi, tôi cùng các anh em đi thực tế 5 ngày tại đây và quyết tâm chực chờ để “săn” ảnh chúng một lần nữa. Trong số hơn 7.000 tấm ảnh chụp trong đợt thực tế đó, tôi chỉ chọn ra được 10 tấm ưng ý nhất, trong đó có tấm chim hút mật đập cánh này”. Ông Vinh cũng cho hay, chụp động vật, nhất là chim chóc đòi hỏi người chụp không chỉ có trang-thiết bị tốt mà còn phải thật kiên nhẫn, khéo léo. Có khi ông cùng đồng nghiệp ngồi đợi cả ngày nhưng không gặp được chú chim nào.
Tác phẩm đạt giải nhất tại cuộc thi AGORA Images Beauty của nhiếp ảnh gia Lê Văn Vinh |
Trước khi nhận được giải nhất của AGORA, các tác phẩm của ông Vinh cũng đã được ghi nhận trong nhiều cuộc thi, triển lãm trong tỉnh, khu vực và cả nước. Có thể kể đến giải nhì tại triển lãm ảnh nằm trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2017; giải khuyến khích tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên năm 2019; tham gia Triển lãm CONTEST VN 2019; lọt top 50 tại cuộc thi FUN 2019… Đây thực sự là “tài sản” đáng kể đối với người mới “chân ướt chân ráo” vào nghề, nhưng ông Vinh không lấy đó là thước đo thành công. “Có thể tôi may mắn hơn nên bắt được khoảnh khắc đẹp nhất của sự vật, việc đó khó có thể chứng tỏ tay nghề cao hay thấp. Tôi tham gia các cuộc thi không phải để thể hiện đẳng cấp mà đơn giản chỉ muốn biết trình độ của mình đang ở đâu, được đánh giá như thế nào. Không chỉ vậy, từ những cuộc thi này, tôi cũng học hỏi thêm được rất nhiều từ các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp khác để nâng cao tay nghề của mình”-ông Vinh tâm sự.
Thời gian tới, ông Vinh mong muốn sẽ có thêm nhiều bức ảnh đẹp về động vật, qua đó góp phần quảng bá nét đẹp của Tây Nguyên và kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ động vật hoang dã, nhất là các loài đặc hữu của địa phương trước nguy cơ tuyệt chủng.
PHƯƠNG VI