Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Nhiếp ảnh-nghề của cảm nhận và tư duy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có dịp đi thực tế sáng tác cùng các nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA), chứng kiến họ làm việc, nghe những câu chuyện mà họ trao đổi, tôi hiểu rằng, không đơn giản mà nhiếp ảnh được coi là nghệ thuật. Nghệ sĩ nhiếp ảnh khác với thợ chụp ảnh ở chỗ, họ không chỉ giỏi về kỹ thuật của nghề, mà còn phải đủ đam mê, cảm nhận nghệ thuật tốt và có tư duy logic.

Với những NSNA đã thành danh mà tôi quen biết thì hình như ngay từ đầu, họ không chọn chụp ảnh để làm nghề, mà thường đến với nhiếp ảnh từ những lối rẽ tưởng như tiền định. Với NSNA Trần Phong, định mệnh như đã an bài khi anh theo học ngành kinh tế, học xong thì được phân công về làm kế toán tại Ty Văn hóa-Thông tin tỉnh Gia Lai-Kon Tum.

Để rồi từ đây, cơ duyên cho anh được gặp các nhà dân tộc học, nghiên cứu văn hóa-nghệ thuật… hàng đầu của Việt Nam như: Từ Chi, Đặng Nghiêm Vạn, Nguyễn Tấn Đắc, Ngô Văn Doanh… khi họ vào Tây Nguyên ngay sau ngày đất nước thống nhất. Theo chân các “cụ” đến nhiều buôn làng xa xôi, trong những tháng ngày gian khó, di chuyển từ làng gần đến làng xa, trên những con đường lầm bụi đỏ hay ngập trong bùn… đều chủ yếu bằng đôi chân, niềm đam mê của các nhà khoa học đã thấm sang chàng trai trẻ.

Và, từ lúc nào không rõ, những tượng nhà mồ Bahnar, Jrai; những lễ hội Tây Nguyên… đã kịp “bỏ bùa” chàng trai Bình Định. Cho đến một ngày, người ta quên hẳn một Trần Phong của những con số, mà chỉ còn biết đến anh với triển lãm ảnh, sách ảnh và những cơn “mưa” giải thưởng trong nước, quốc tế từ các bức ảnh về tượng nhà mồ Tây Nguyên, lễ hội Tây Nguyên mà anh đã cất công theo đuổi cả một đời.

Cầu treo xã Ayun (huyện Chư Sê). Ảnh: Hùng Hoa Lư
Cầu treo xã Ayun (huyện Chư Sê). Ảnh: Hùng Hoa Lư

Khác với NSNA Trần Phong, chụp ảnh là nghề phụ của NSNA Hùng Hoa Lư từ thập niên 80 của thế kỷ XX. Ban đầu, anh chụp ảnh và làm tất cả những gì có thể mà những công chức, viên chức ở thời kỳ này thường làm. Dần dần, anh cảm nhận sâu sắc hơn về nghệ thuật nhiếp ảnh, đam mê với cái đẹp, nuôi dưỡng cảm xúc, tìm tòi học hỏi kỹ thuật xử lý ảnh… và tìm mọi khoảnh khắc để sáng tạo nghệ thuật.

Tháng 9-2011, tại cuộc thi ảnh quốc tế Indonesia-Garuda, tác phẩm “Hiện tại và tương lai” (Present and future) của anh đã vượt qua 12.500 bức ảnh của 6.000 tác giả thuộc 43 nước trên thế giới để trở thành 1 trong 15 tác phẩm xuất sắc nhất lọt vào vòng chung khảo ở thể loại ảnh về văn hóa, con người và biển. Những năm gần đây, nhiều giải thưởng ảnh quốc tế dường như đã quen đường luôn gõ cửa nhà anh.

Có đi với các NSNA mới biết họ say mê và miệt mài đến thế nào khi làm việc. Những ngày ở Trại sáng tác Tam Đảo (tháng 3-2021), trong cái rét như cắt da của nhiệt độ ở ngưỡng dưới 10 độ C, sương mù dày đặc, mưa lất phất, khi các văn nghệ sĩ ở chuyên ngành khác còn cuộn tròn trong chăn ấm thì từ 3-4 giờ sáng, các nghệ sĩ đã đi săn cảnh vật Tam Đảo mờ ảo dưới đèn đêm mù sương.

Đến một hộ gia đình làm nghề đan chúm (dụng cụ bắt tôm) ở huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ), khi tôi còn chưa hình dung được các NSNA sẽ làm gì thì họ đã khẩn trương “dựng” lên một không gian với đồ nghề, nghệ nhân… để bắt tay vào việc. Chỉ với 2 nghệ nhân đan chúm mà “bị” gần chục NSNA “hành” suốt 1 giờ 30 phút. Quan sát, chúng tôi thấy mọi người đều mồ hôi nhễ nhại, họ như quên hết thế giới xung quanh. Kết thúc buổi làm việc, ai cũng nở những nụ cười mãn nguyện.

Nghe các NSNA trò chuyện, tôi hiểu rằng, cách để họ có một tác phẩm như ý là cả một quy trình, bắt đầu là từ ý tưởng, chụp, xử lý ảnh… Để minh chứng cho tư duy logic này, xin một lần nữa được nhắc đến tác phẩm “Hiện tại và tương lai” của NSNA Hùng Hoa Lư. Từ 2 phần riêng biệt là bức ảnh chụp những bức tượng gỗ (phong cách tượng nhà mồ) ở Kon Tum và gương mặt đặc tả 2 em bé Tây Nguyên (dân tộc Jrai) được chụp ở thị xã Ayun Pa, nhờ vào kỹ thuật xử lý ảnh, tác giả đã đưa 2 gương mặt trẻ thơ vùng cao nép vào những tượng gỗ cũ kỹ, nâu sậm, gợi cho người xem những suy nghĩ về hiện tại và tương lai theo xu hướng có thể rất đời thường, nhưng cũng có thể là một ý tưởng mang đậm tính triết lý.

Thế mới biết, để đạt đến đỉnh cao của một nghề, nhất là một nghề mang tính nghệ thuật thật chẳng dễ dàng. Sau những chuyến đi cùng các anh, tôi thêm hiểu, thêm quý và biết rằng một NSNA không chỉ là người rành các thông số kỹ thuật máy móc, mà còn cần lắm sự cảm nhận cái đẹp, sự đam mê và không thể thiếu đi sự logic trong tư duy.

NGUYỄN THỊ KIM VÂN

Có thể bạn quan tâm