Kinh tế

Giá cả thị trường

Nhiệt điện than: Nếu không 'phanh' lại thì sẽ là những 'quả bom nổ chậm'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tốt nghiệp Học viện Ngoại giao nhưng Ngụy Thị Khanh trở thành nhà hoạt động môi trường được các chuyên gia quốc tế xem là anh hùng môi trường, người phụ nữ của những sáng tạo xanh.
Bà Ngụy Thị Khanh
Bà Ngụy Thị Khanh
Ngụy Thị Khanh là giám đốc điều hành Trung tâm Sáng tạo Xanh (GreenID) và là thành viên của ban điều hành Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN). Chỉ trong vòng 3 năm từ 2018 đến 2020, Ngụy Thị Khanh liên tiếp đoạt những giải thưởng về môi trường thế giới. Tuổi Trẻ trò chuyện với chị về vấn đề được nhiều người quan tâm: môi trường và nhiệt điện than.
Năng lượng xanh thay cho nhiệt điện than
* Tốt nghiệp ngành ngoại giao nhưng chị chuyên tâm hoạt động môi trường. Điều gì và cơ duyên nào khiến chị chọn ngã rẽ này và đeo đuổi?
- Tôi học chuyên ngành chính trị và ngoại giao (Học viện Ngoại giao), từng ước mơ trở thành nhà ngoại giao nhưng sau khi tốt nghiệp, tôi quyết định làm về phát triển cộng đồng, bảo tồn tài nguyên nước và năng lượng bền vững. Tôi sinh ra và lớn lên ở làng quê, ký ức tuổi thơ của tôi gắn liền với dòng sông, bến nước và cây cỏ. Có lẽ môi trường sống ấy đã nuôi dưỡng cái duyên môi trường - cộng đồng với tôi.
* Quá trình thu hút đầu tư để phát triển kinh tế thời gian qua của Việt Nam rất đáng tự hào, nhưng Việt Nam cũng là quốc gia đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường. Theo chị, thách thức đó là gì?
- Việt Nam tăng trưởng kinh tế vượt bậc trong những năm gần đây, song cũng như nhiều quốc gia khác, đi kèm với đó là những hệ lụy lớn về môi trường như ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, rác thải không được xử lý dồn ứ ở nhiều nơi trong khi công tác quản lý, bảo vệ và xử lý ô nhiễm môi trường có nhiều lỗ hổng lớn. 
Điều này dẫn tới rủi ro là các sự cố môi trường thường xuyên xảy ra như cháy tại Công ty cổ phần bóng đèn Rạng Đông hay ô nhiễm nguồn nước sạch Sông Đà... Trong lĩnh vực năng lượng, sự phát triển ồ ạt các nhà máy nhiệt điện than nếu không "phanh" lại thì sẽ là những "quả bom nổ chậm", đe dọa nghiêm trọng đến môi trường, sinh kế, sức khỏe của người dân.
* Một trong những chú tâm của chị là giảm thiểu nhiệt điện than. Chị bắt đầu với việc này từ lúc nào?
- Khi đi làm việc tìm hiểu về bảo vệ nguồn nước từ tác động của thủy điện ở Quảng Nam, hình ảnh bà con sống trong căn nhà dột nát, đời sống chông chênh, nước không có để dùng trong sinh hoạt khiến tôi day dứt và tự hỏi: "Liệu có cách nào để giúp người dân thoát khỏi cảnh tượng đó, phát triển năng lượng liệu có con đường nào khác ít gây ra tác động môi trường?".
Tuy nhiên, đến nay thủy điện gần như đã được quy hoạch và khai thác tối đa trên các dòng sông. Khi nghiên cứu về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện 7), tôi thấy kế hoạch mở rộng phát triển nhiệt điện mới bắt đầu. 
Tôi nhận thấy nếu có thể tác động để thay đổi ngay từ sớm sẽ giảm tổn hại cho xã hội, vì vậy tôi cùng các chuyên gia, đồng nghiệp nghiên cứu để tìm kiếm các giải pháp nhằm hạn chế và thay thế dần nhiệt điện than, hướng tới một tương lai năng lượng xanh hơn.
Biến ĐBSCL thành trung tâm năng lượng sạch
* ĐBSCL hiện tại đang đối diện với nhiều thách thức của biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, sạt lở, hạn hán khốc liệt hơn... Chính quyền, người dân cần làm gì trước mắt và lâu dài để vượt qua, giảm thiểu thiệt hại?
- Đây là một vấn đề không mới, đã được nhiều chuyên gia cảnh báo và có kiến nghị từ cách đây hàng chục năm, nhưng tiếc rằng những cảnh báo đó đã không được xem xét thỏa đáng. Cá nhân tôi cho rằng là một nước bị ảnh hưởng, chúng ta vẫn cần lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu ngưng xây dựng các công trình đập thủy điện trên dòng chính, đồng thời nên nắm bắt cơ hội từ sự cất cánh của năng lượng tái tạo phi thủy điện để hợp tác tạo sự thay đổi có lợi cho ĐBSCL. Hơn thế nữa, chúng ta cũng cần cân nhắc chính sách nhập khẩu điện từ Lào và trực tiếp đầu tư làm đập Luang Prabang để tránh rơi bẫy "lấy đá ghè chân mình".
Nếu có chính sách để biến ĐBSCL thành trung tâm sản xuất năng lượng sạch thì vừa là giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu vừa gia tăng đầu tư, phát triển công nghiệp năng lượng và tạo ra mặt hàng không lo được mùa mất giá, giảm nguy cơ nhập khẩu điện từ Lào thì đúng là nhất cử lưỡng tiện.
Tôi cho rằng người dân nên áp dụng kết hợp tri thức bản địa, với các tiến bộ khoa học nhằm thích nghi tối đa với những thay đổi do biến đổi khí hậu, tận dụng tối ưu sự thay đổi này, chuyển đổi sinh kế phù hợp, đặc biệt chú trọng nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm, tăng hiệu quả sử dụng đất ví dụ như mô hình kết hợp phát triển điện mặt trời, điện sinh khối với sản xuất nông nghiệp, thủy sản.
* Với ĐBSCL, theo chị, cần phát triển môi trường theo hướng nào?
- Chúng tôi kiến nghị tập trung phát triển mạnh năng lượng tái tạo kết hợp ở cả quy mô lớn như trang trại điện gió, mặt trời ít gây tranh chấp đất với quy mô phân tán như điện mặt trời áp mái, nổi và kết hợp vừa sản xuất nông nghiệp, vừa sản xuất điện tái tạo như sinh khối, mặt trời, gió.
Bên cạnh đó xem xét phát triển hợp lý tỉ trọng điện khí khuyến khích khí nội địa để biến ĐBSCL thành một trung tâm năng lượng sạch, đảm bảo nhu cầu năng lượng cho đất nước cũng như bảo tồn khu vực quý giá này cho thế hệ mai sau.
Ngụy Thị Khanh sinh năm 1976 tại Bắc Giang. Chị cùng 3 sáng lập viên khác thành lập GreenID cuối năm 2011 với mong ước đóng góp tri thức và thực tiễn cho phát triển xanh và ít cacbon ở Việt Nam.
Năm 2018, Ngụy Thị Khanh đoạt Giải thưởng môi trường Goldman (do Quỹ Môi trường Goldman, Mỹ) trao tặng dành cho những người có công như những người anh hùng đóng góp cho các chiến dịch bảo vệ môi trường trên thế giới.
Cũng trong năm 2018, chị được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tổ chức triển lãm tôn vinh là một trong 15 chân dung người phụ nữ sáng tạo với khoa học, phục vụ cho đất nước.
Cuối năm 2019, chị được trao giải Climate Breakthrough Project - một sáng kiến của Quỹ David và Lucile Packard hợp tác với Quỹ Oak và Quỹ Good Energies và IKEA.
PGS Lê Anh Tuấn (phó viện trưởng Viện biến đổi khí hậu, ĐH Cần Thơ):
 
Mặc dù không phải là một nhà khoa học môi trường hay một chuyên gia kỹ thuật về năng lượng, xuất thân từ Học viện Ngoại giao nhưng Ngụy Thị Khanh biết cách tập hợp nhiều nhà khoa học có chuyên môn và các học giả khác có tâm huyết với đất nước.
Từ đó cùng nhau hợp tác làm việc, cùng đi điều tra khảo sát thực địa, cùng phân tích những được - mất một cách khoa học và thực tiễn từ các chính sách phát triển năng lượng, đề xuất cụ thể trong các báo cáo quy hoạch chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.
Các giải thưởng mà Ngụy Thị Khanh nhận được là những vinh hạnh hiếm có trong bối cảnh đất nước đang giằng co giữa phát triển nóng về công nghiệp và kinh tế, huy động cùng nỗ lực bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, chống lại biến đổi khí hậu để đến một mục tiêu phát triển bền vững không chỉ riêng cho Việt Nam, mà còn đóng góp một phần cho thế giới.
TS Trần Hữu Hiệp (chuyên gia kinh tế ĐBSCL):
Người kết nối mạng lưới
 
Mặc dù sống và làm việc tại Hà Nội nhưng chị Ngụy Thị Khanh đã có nhiều hoạt động thiết thực, gắn bó với vùng ĐBSCL. Chị Khanh là nhà hoạt động môi trường tích cực, thông qua Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, diễn đàn năng lượng, nhiều hoạt động của chị và GreenID mang tính phát hiện vấn đề, tư vấn, phản biện chính sách.
Không chỉ bó hẹp trong các hội thảo, đề tài nghiên cứu khoa học, các hoạt động còn lan tỏa ra cộng đồng, nhất là triển khai chương trình "triệu ngôi nhà xanh" qua dự án "điện mặt trời áp mái nhà dân", vận động giảm thiểu tác động của nhiệt điện than, tham vấn xây dựng kịch bản năng lượng cho ĐBSCL...
Chị Khanh còn là đồng sáng lập Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam là sự kiện hằng năm từ 2016 đến nay được nhiều tổ chức trong, ngoài nước quan tâm.
Theo HOÀNG TRÍ DŨNG (TTO)

Có thể bạn quan tâm