Kinh tế

Giá cả thị trường

Nhiều bộ, ngành vào cuộc làm rõ vụ Asanzo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã giao Bộ Công an, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Bộ Khoa học và Công nghệ... tập trung phối hợp để xác định làm rõ những hành vi đúng sai của doanh nghiệp Asanzo do ông Trương Văn Tam làm chủ - Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế cho biết.
 
Ông Đàm Thanh Thế khẳng định sẽ xử lý nghiêm vụ Asanzo nếu có sai phạm
Thông tin trên được ông Thế trả lời báo chí tại Họp báo chuyên đề về kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (CBL, GLTM & HG) 6 tháng đầu năm ngày 30/7 tại Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia.
Theo ông Thế, hiện Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã giao Bộ Công an, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Bộ Khoa học và Công nghệ...tập trung phối hợp để xác định làm rõ những hành vi đúng sai của doanh nghiệp Asanzo do ông Trương Văn Tam làm chủ. “Kết quả vụ việc sẽ được thông báo với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt, khách quan, toàn diện, nếu có vi phạm phải xử lý nghiêm, bảo vệ thương hiệu Việt Nam, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng”, ông Thế khẳng định.
Cũng theo Chánh văn phòng thường trực, vấn đề hàng hóa giả, không rõ nguồn gốc mang nhãn mác “Made in Viet Nam”, vừa qua báo chí đã nêu 1 vệt về các vấn đề này. Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã có công văn yêu cầu cơ quan thường trực 63 tỉnh thành tập trung rà soát, đánh giá, báo cáo. Chính phủ cũng đã có ý kiến chỉ đạo. Trên cơ sở đó, mới đây, Ban chỉ đạo 389 quốc gia vừa có kế hoạch tăng cường phòng chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng hóa giả mạo, do Chánh văn phòng Đinh Tiến Dũng – Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
Về trách nhiệm của các lực lượng chức năng trong quản lý nhà nước đối với hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, theo ông Đàm Thanh Thế, Chính phủ đã phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ ngành, địa phương.
Theo đó, khu vực biên giới cửa khẩu là của Hải quan; Biên giới đường bộ là của Bộ đội biên phòng; đường biển của Cảnh sát biển; Nội địa là quản lý thị trường trong quản lý lưu thông hành hóa; Công an tập trung đấu tranh các ổ nhóm đường dây buôn lậu. Ngoài ra còn có thanh tra chuyên ngành của bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Y Tế, Khoa học và Công nghệ.
“Các lực lượng này có chức năng nhiệm vụ phối hợp với nhau đồng bộ trong đấu tranh phòng chống tội phạm trên các mặt trận. Ban chỉ đạo 389 quốc gia cũng đã có quyết định quy định rõ cơ chế phối hợp các lực lượn trong thực thi nhiệm vụ”, ông Thế cho biết thêm.
Trước đó, ngày 25/7, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã chủ trì Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia).
Đề cập đến tình trạng gian lận thương mại thông qua giả mạo xuất xứ Việt Nam đối với hàng nhập khẩu từ nước ngoài nhằm trốn thuế, trốn kiểm tra chất lượng, trốn các lực lượng, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, đây là hành vi nổi lên trong thời gian gần đây.
“Hiện nay đang nóng đối với vụ ASANZO chúng tôi đã khởi tố vụ án chuyển cho công an về hành vi một công ty con nhập khẩu hàng giả xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ, giả mạo nhãn mác”, ông Cẩn cho biết.
Về việc một số thông tin cho rằng cơ sở pháp lý không đủ để xử lý hành vi vi phạm, ông Cẩn khẳng định “sẽ làm sâu và có đủ cơ sở”. “Nếu làm như thế này mà như giải thích một số bộ thì như một con lợn nhập khẩu từ Trung Quốc vào sẻ làm đôi, nếu mang xuất khẩu thì mang xuất xứ Trung Quốc, nếu tiêu thụ ở Việt Nam thì mang xuất xứ của Việt Nam thì vô lý mà không có nước nào làm như vậy”, ông Cẩn nói.
Tuấn Nguyễn (TPO)

Có thể bạn quan tâm