Kinh tế

Giá cả thị trường

Nhiều đề xuất gia hạn ưu đãi đối với điện gió, vì sao?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau các doanh nghiệp, hiệp hội về năng lượng tái tạo, nay đến lượt Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC) tiếp tục đề xuất gia hạn biểu giá mua bán điện cố định (giá FIT) đối với điện gió để nhà đầu tư được hưởng giá ưu đãi về giá điện.

Vận chuyển thiết bị xây dựng dự án điện gió tại Việt Nam - Ảnh: NGỌC HIỂN
Vận chuyển thiết bị xây dựng dự án điện gió tại Việt Nam - Ảnh: NGỌC HIỂN


Cụ thể, liên minh của ngành công nghiệp điện gió đứng đầu là Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC) ngày 23-9 đã đề xuất gia hạn giá mua bán điện cố định (giá FIT) cho điện gió tại Việt Nam.

Theo GWEC, Việt Nam là thị trường năng lượng gió phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á và ngành công nghiệp này sẽ thu hút hàng tỉ USD đầu tư vào Việt Nam từ nay tới năm 2025.

GWEC cho rằng giá FIT đã thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện gió trong 2 năm qua và cần tiếp tục gia hạn để duy trì sự quan tâm của nhà đầu tư, tránh chu kỳ suy thoái của lĩnh vực này trong giai đoạn 2022-2023.

Theo GWEC, sự quan tâm của các nhà đầu tư đến phát triển dự án điện gió ở Việt Nam đã chậm lại trong năm 2020 vì các dự án điện gió trên bờ thường cần 2 năm để phát triển trong khi biểu giá FIT hiện tại chỉ áp dụng cho các dự án hoàn thành trước tháng 11-2021.

Do chưa có kế hoạch về giá FIT sau 2022 một cách rõ ràng nên các nhà đầu tư sẽ đối diện với với nhiều thách thức…

Ông Ben Backwell, giám đốc điều hành GWEC, cho rằng Việt Nam cần tránh làm chậm lại các khoản đầu tư cho ngành này bằng cách gia hạn thời gian áp dụng biểu giá FIT, từ đó đảm bảo các khoản đầu tư dài hạn được thực hiện.

GWEC cho rằng 4 GW điện gió dự kiến ​​được lắp đặt vào năm 2025 có thể tạo ra tới 65.000 việc làm và khoảng 4 tỉ USD đầu tư vào Việt Nam.

Trong khi đó, kết luận cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu Cục Điện lực và năng lượng tái tạo khẩn trương rà soát tình hình phát triển điện gió, làm rõ các yếu tố ảnh hưởng dẫn tới việc phải kéo dài giá ưu đãi với điện gió, cũng như tác động của việc kéo dài giá FIT đến phát triển điện gió, cung ứng điện... để báo cáo Thủ tướng cho phép kéo dài thời hạn áp dụng giá FIT ưu đãi tới hết năm 2023. Sau thời điểm này mới áp dụng cơ chế đấu thầu, đấu giá cạnh tranh.

Theo quyết định 39 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, giá mua điện được hưởng giá ưu đãi, cao hơn các giá mua các nguồn năng lượng khác.

Cụ thể, dự án điện gió đất liền giá mua là 8,5 cent/kWh (tương đương 1.927 đồng/kWh), còn điện gió ngoài khơi là 9,8 cent/kWh (tương đương 2.223 đồng/kWh).

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, các nhà đầu tư điện gió cho rằng dịch COVID-19 khiến các dự án đã khởi công nhưng chưa thể xây dựng, các hãng sản xuất tuôcbin ngừng sản xuất, chậm giao hàng, nhà thầu đình trệ, chưa kể giá thành đội lên rất nhiều.

Theo giám đốc một công ty đầu tư điện gió ở phía Nam, nếu dự án vẫn phải triển khai song chậm về đích, không có giá mua điện sẽ là "thảm họa" cho nhà đầu tư.

Trong khi đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từng cho rằng để đảm bảo truyền tải công suất của các dự án điện gió và hướng tới cơ chế đấu thầu, đảm bảo minh bạch, tăng tính cạnh tranh, góp phần giảm giá mua từ các dự án điện gió, EVN đề nghị không kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá điện cố định cho các dự án điện gió tại quyết định 39.

Theo NGỌC HIỂN (TTO)

Có thể bạn quan tâm