Kinh tế

Nhiều doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm kéo dài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo đánh giá của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Gia Lai, trong những tháng đầu năm 2016, đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đều giảm do tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh khó khăn; các đơn vị hành chính sự nghiệp có xu hướng tinh giản lao động theo đề án của địa phương; các doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi, sắp xếp lại nên số lao động giảm, trong đó lao động khối doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp giảm đáng kể do bị ảnh hưởng nhiều mặt nhất, cả về giá và thời tiết…

Bên cạnh đó, do hạn chế về  nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhiều chủ sử dụng lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hiện tượng chiếm dụng quỹ BHXH, tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn đang là vấn đề bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động, nhưng việc xử lý thì rất… đơn phương. Đến thời điểm hiện tại, số nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị trên địa bàn tỉnh lên tới 213 tỷ đồng, cao hơn các năm trước.

 

Người lao động cần tìm hiểu các chính sách, pháp luật về BHXH.
Người lao động cần tìm hiểu các chính sách, pháp luật về BHXH.

Tình trạng nợ đọng kéo dài BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Gia Lai chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần. Ví dụ, Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Gia Lai nợ 41 tháng với số tiền là 3,2 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đông Hưng nợ 63 tháng với số tiền 1,7 tỷ đồng; Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại và Xây lắp điện Gia Lai nợ 63 tháng với số tiền là 582,9 triệu đồng…

Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, cơ quan BHXH tỉnh Gia Lai đã áp dụng những biện pháp thu nợ BHXH, BHYT, BHTN tại các đơn vị nợ đọng như: thường xuyên thông báo số tiền nợ đọng của các đơn vị; cử cán bộ trực tiếp đến đơn vị để đôn đốc thu hồi nợ; chuyển hồ sơ nợ cho tổ công tác liên ngành thực hiện việc thanh tra, kiểm tra tại đơn vị để yêu cầu đơn vị nợ đọng tiền bảo hiểm phải thực hiện chính sách pháp luật của Luật BHXH, BHYT, BHTN nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên, kết quả là đến nay vẫn không thể xử lý được các đơn vị nợ đọng tiền bảo hiểm.

Theo Công văn số 105/TANDTC-PC&QLKH về việc thi hành Luật BHXH ngày 14-4-2016 quán triệt đến Tòa án nhân dân các cấp: kể từ ngày Luật BHXH có hiệu lực thi hành (ngày 1-1-2016), Tòa án không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH đòi tiền BHXH đối với người sử dụng lao động. Đối với những vụ án đã thụ lý trước ngày 1-1-2016 mà chưa giải quyết thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, trả lại đơn khởi kiện và hướng dẫn người khởi kiện thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động, Luật BHXH và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Và cũng kể từ đó, việc khởi kiện các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH của người lao động được giao cho tổ chức Công đoàn.

Việc chuyển đổi này đã tạo một “khoảng trống” về thời gian để các doanh nghiệp lạm dụng cố tình chây ỳ, trốn tránh nghĩa vụ nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Do đó, trong năm 2016, tỷ lệ nợ đọng kéo dài và tăng cao hơn những năm trước. Mặt khác, cần nhìn nhận vào thực tế, các tổ chức Công đoàn ở các doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp tư nhân (nếu có) đều hoạt động kém hiệu quả, phụ thuộc rất nhiều vào người quản lý doanh nghiệp, không thực hiện đúng và đầy đủ, có hiệu quả vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình để đấu tranh, bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Minh chứng cho điều này là trong thời gian qua, tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài và rất đông người lao động bị ảnh hưởng về quyền lợi của mình nhưng không một ai, không một tổ chức Công đoàn nào đứng ra khởi kiện các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài, thể hiện sự chây ỳ, không chấp hành luật pháp thì đã rõ, còn đối với người lao động liệu họ có… dửng dưng? Qua tìm hiểu thực tế, số ít người lao động chia sẻ là trong lúc làm ăn có những tác động không thuận lợi của diễn biến thị trường, thời tiết nên thông cảm với chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn người lao động cho biết, nếu phản ứng, họ rất có khả năng bị sa thải, không những họ bị nợ các khoản đóng bảo hiểm mà còn bị nợ lương nhiều tháng liền.

Hoàng Anh Phượng

Có thể bạn quan tâm