Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tính đến nay, nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị chậm tiến độ. Vì vậy, theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành, phải xây dựng lộ trình triển khai từng dự án trọng điểm nhằm quản lý, kiểm soát chặt chẽ tiến độ các dự án.
Vướng đền bù, điều chỉnh quy hoạch
Đường hành lang kinh tế phía Đông (đường tránh quốc lộ 19) kết nối các huyện Đak Đoa, Chư Păh với TP. Pleiku là dự án thuộc nhóm B có tổng mức đầu tư lên tới 1.200 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương 900 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 300 tỷ đồng do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, đường có chiều dài khoảng 16 km, bề rộng nền đường 30 m, bề rộng mặt đường 21 m, kết cấu mặt đường là bê tông nhựa. Dự án nhằm tạo động lực phát triển hành lang kinh tế phía Đông của TP. Pleiku, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các huyện Đak Đoa, Chư Păh. Theo kế hoạch, Dự án dự kiến triển khai trong năm 2022 và hoàn thành vào năm 2025. Vốn phân bổ đầu tư cho dự án này trong năm 2022 là 225 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đây là dự án có khả năng chậm tiến độ rất lớn. 
Trong số 22 dự án sử dụng vốn ngân sách tỉnh khởi công mới năm 2022 thì có đến 5 dự án chưa đủ điều kiện giao vốn vì chưa được phê duyệt. Đáng chú ý, có 2 dự án được coi là trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng là Nhà hát, Trung tâm triển lãm văn hóa, nghệ thuật và Thư viện tổng hợp tỉnh (có tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng với quy mô nhà hát dự kiến 1.000 chỗ ngồi) và khu trụ sở làm việc các cơ quan cấp tỉnh (có tổng mức đầu tư 240 tỷ đồng). Cả 2 dự án đều do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư. 
Dự án đường Lê Đại Hành (đoạn từ đường Vạn Kiếp đến ngã tư Biển Hồ) đang triển khai hạng mục di dời cây xanh. Ảnh: Hà Duy
Dự án đường Lê Đại Hành (đoạn từ đường Vạn Kiếp đến ngã tư Biển Hồ) đang triển khai hạng mục di dời cây xanh. Ảnh: Hà Duy
Lý giải cho sự chậm tiến độ của các dự án trọng điểm này, ông Phạm Xuân Điệp-Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh-cho hay: “Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông vẫn đang ở giai đoạn lập thiết kế bản vẽ thi công, dự toán. Dự án này chậm là vì phải điều chỉnh theo quy hoạch của huyện Đak Đoa. Còn dự án Nhà hát, Trung tâm triển lãm văn hóa, nghệ thuật và Thư viện tổng hợp tỉnh và Dự án khu trụ sở làm việc các cơ quan cấp tỉnh chậm là do phải thi tuyển các phương án kiến trúc”.
Một số dự án khác cũng trong tình trạng chậm tiến độ là đường Lê Đại Hành (đoạn từ Vạn Kiếp đến ngã tư Biển Hồ, TP. Pleiku), Dự án đường Nguyễn Văn Linh (đoạn từ đường Trường Chinh đến đường Lê Thánh Tôn). Dự án đường Lê Đại Hành được khởi công mới năm 2021 với tổng mức đầu tư 124 tỷ đồng; còn Dự án đường Nguyễn Văn Linh có tổng mức đầu tư 260 tỷ đồng, trong đó, vốn bố trí trong năm 2022 là 50 tỷ đồng. Các dự án này do UBND TP. Pleiku làm chủ đầu tư.
Ông Đặng Toàn Thắng-Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho biết: “Do Dự án đường Lê Đại Hành tổ chức đấu thầu và có kết quả lựa chọn nhà thầu sau ngày 31-12-2021 nên không kịp làm thủ tục ứng vốn năm 2021. Vì vậy, thành phố đã xin tỉnh được kéo dài qua năm 2022. Tính đến thời điểm này, Dự án giải ngân được gần 2,9 tỷ đồng. Đây là khuyết điểm của thành phố. Còn Dự án đường Nguyễn Văn Linh do quy hoạch có khác biệt với tình hình thực tế. Thành phố đang phối hợp với các đơn vị liên quan điều chỉnh quy hoạch, dự kiến cuối tháng 4 sẽ phê duyệt thiết kế và tổ chức đấu thầu. Ngoài ra, dự án này cũng đang vướng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, thành phố cũng đã quyết định ưu tiên bố trí 50 tỷ đồng để giải quyết vấn đề đền bù trong năm 2022”. 
Chủ đầu tư cần chủ động hơn
Năm 2022, kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh được giao trên 3.484,3 tỷ đồng. Tính đến ngày 17-2 đã giải ngân 63,2 tỷ đồng, đạt 1,82% kế hoạch. Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, hiện có 8/10 dự án được phê duyệt và giao vốn. Trong đó, 6 dự án đang trong giai đoạn tổ chức đấu thầu, lập thiết kế dự toán; 2 dự án chưa được phê duyệt nên chưa bố trí vốn trong năm 2022 (Dự án hồ chứa nước Ia Prat, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh do vướng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và Dự án hạ tầng Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh do điều chỉnh chủ trương đầu tư) và 2 dự án có khả năng chậm tiến độ (gồm Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông và đường Nguyễn Văn Linh). Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách tỉnh, hiện đã có 17/22 dự án được phê duyệt và bố trí kế hoạch vốn năm 2022, trong đó, 10 dự án đang triển khai lập thiết kế dự toán, 4 dự án đang chọn nhà thầu xây lắp, 3 dự án đã thi công và 5 dự án chưa đủ điều kiện giao vốn vì chưa được phê duyệt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành nhận định: “Một số dự án triển khai trong năm 2022 có ý nghĩa rất lớn như: Đường hành lang kinh tế phía Đông; Nhà hát, Trung tâm triển lãm văn hóa, nghệ thuật và Thư viện tổng hợp tỉnh; nút giao thông Phù Đổng; khu liên cơ quan… Đây là các công trình không chỉ có ý nghĩa trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh mà còn góp phần tạo nên bộ mặt của đô thị Pleiku. Vì vậy, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng cơ bản để phấn đấu đến cuối năm tiến độ giải ngân toàn tỉnh đạt 95% trở lên. Các chủ đầu tư cũng đã có nhiều giải pháp tốt để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Bên cạnh đó, cũng có một số chủ đầu tư sức ì quá lớn nên công tác phối hợp chậm, chưa chặt chẽ dẫn đến chậm trễ. Ví dụ như Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông, chỉ là vướng mắc cục bộ trong điều chỉnh quy hoạch thì chủ đầu tư cùng với huyện nên ngồi lại để bàn biện pháp tháo gỡ”.
Dự án đường Lê Đại Hành tổ chức đấu thầu và có kết quả lựa chọn nhà thầu sau 31-12-2021, không kịp làm thủ tục ứng vốn năm 2021, vì vậy phải kéo dài qua năm 2022. Ảnh: Hà Duy
Dự án đường Lê Đại Hành tổ chức đấu thầu và có kết quả lựa chọn nhà thầu sau ngày 31-12-2021, phải kéo dài sang năm 2022. Ảnh: Hà Duy
Để đảm bảo khối lượng giải ngân toàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư phải chủ động ngay từ bây giờ, khảo sát lại toàn bộ các dự án để đưa ra các phương án triển khai, bao gồm công tác giải phóng mặt bằng, thi các phương án thiết kế (nếu có). Đối với các công trình trọng điểm, cần xây dựng lộ trình tiến độ triển khai để dễ dàng theo dõi, đôn đốc cũng như kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án.
Để nắm bắt tình hình triển khai cũng như những vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án, Phó Chủ UBND tỉnh Hồ Phước Thành cùng các đơn vị liên quan sẽ tổ chức kiểm tra tại các tuyến đường liên huyện Chư Pưh-Chư Sê-Chư Prông; tỉnh lộ 665, tuyến đường cấp bách biên giới huyện Đức Cơ và một số công trình, dự án khác trong đầu tháng 3-2022 nhằm kịp thời có những biện pháp giải quyết, tháo gỡ.
HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm