Kinh tế

Nông nghiệp

Nhiều giải pháp tránh hạn vụ Đông Xuân ở Chư Sê

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Song song với thu hoạch vụ mùa, bà con nông dân huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để gieo trồng vụ Đông Xuân 2022-2023 theo đúng lịch thời vụ. Bên cạnh đó, ngành chức năng huyện cũng đề ra nhiều giải pháp giúp người dân sản xuất tránh hạn trong vụ Đông Xuân sắp tới.

Năng suất vụ mùa tăng cao

Vụ mùa này, gia đình anh Siu Thik (làng Kê, thị trấn Chư Sê) được huyện hỗ trợ giống lúa Đài Thơm 8 để gieo sạ 5 sào tại cánh đồng Ia Kê. Ngoài ra, anh còn được cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống đồng ruộng hướng dẫn áp dụng tốt các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp như: IPM, ICM, “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”; tăng cường bón lót phân hữu cơ cũng như sử dụng phân bón vô cơ cân đối, hợp lý. Nhờ đó, năng suất lúa của gia đình anh tăng khá cao so với những vụ trước đó. Anh Thik phấn khởi nói: “Giống lúa Đài Thơm 8 rất chất lượng, cây sinh trưởng và phát triển rất tốt, ít bị đổ ngã, đẻ nhánh nhiều. Với 5 sào lúa, mình thu được gần 4 tấn lúa, tăng khoảng 30% so với vụ mùa trước. Vụ tới, mình sẽ tiếp tục sử dụng giống lúa này để canh tác và tăng cường sử dụng phân chuồng để bón lót cho đồng ruộng”.

Theo anh Anh Nay Vang (làng Ia Sa) vụ mía này, dự kiến năng suất sẽ tăng cao hơn năm trước nhờ thời tiết thuận lợi. Ảnh: Quang Tấn
Theo anh Anh Nay Vang (làng Ia Sa, xã Hbông) vụ mía này, dự kiến năng suất sẽ tăng cao hơn năm trước nhờ thời tiết thuận lợi. Ảnh: Quang Tấn


Cùng với việc chăm sóc, bón phân hợp lý, lượng mưa phân bố đều đã góp phần giúp người trồng mía ở xã Hbông có một mùa bội thu. Anh Nay Vang (làng Ia Sa) cho biết: “7 ha mía của gia đình chuẩn bị bước vào thu hoạch, dự kiến năng suất đạt trên 100 tấn/ha, cao hơn năm trước khoảng 10 tấn. Với giá thu mua như đã ký kết với nhà máy là trên 1 triệu đồng/tấn, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình mình lãi gần 400 triệu đồng”.

Trong vụ mùa năm nay, toàn huyện gieo trồng trên 35.689 ha, đạt 103,4% kế hoạch tỉnh giao và tăng 5,55% so với năm 2021. Hầu hết cây trồng vụ mùa có năng suất bình quân cao hơn so với vụ trước, trong đó, lúa nước đạt gần 5,4 tấn/ha, tăng gần 1 tạ so với vụ mùa 2021; mía đạt 82 tấn/ha, tăng 2 tấn; cà phê đạt 3,2 tấn nhân/ha, tăng 1 tạ so với vụ trước; bắp lai đạt gần 6,5 tấn/ha, tăng gần 2 tạ…

Hỗ trợ nông dân sản xuất vụ Đông Xuân

Cùng với việc khẩn trương thu hoạch vụ mùa, người dân huyện Chư Sê đang chuẩn bị các điều kiện để triển khai sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023 theo đúng lịch thời vụ. Đặc biệt, trong vụ Đông Xuân này, huyện tiếp tục cấp kinh phí hơn 347 triệu đồng để triển khai mô hình trình diễn giống lúa An Sinh 1399 trên diện tích 70 ha. Đối tượng được hỗ trợ là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có diện tích sản xuất lúa nước, không chủ động được nguồn nước tưới, thường bị hạn vào cuối vụ có nhu cầu đề nghị hỗ trợ giống lúa mới ngắn ngày.  

Ông Lê Sĩ Quý-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-cho biết: Giống lúa An Sinh 1399 có thời gian sinh trưởng từ 85 đến 90 ngày, kháng sâu bệnh, chịu hạn tốt, năng suất bình quân đạt trên 7,5 tấn/ha. Giống lúa này khá phù hợp với các chân ruộng thường xuyên thiếu nước cuối vụ. Trung tâm đang phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát, lập danh sách và tiến hành cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để các hộ dân kịp xuống giống trong tháng 11 và 12-2022.

 Nông dân huyện Chư Sê cày đất chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023. Ảnh: Quang Tấn
Nông dân huyện Chư Sê cày đất chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023. Ảnh: Quang Tấn


Ông Nguyễn Văn Thương-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho hay: Dự kiến, vụ Đông Xuân 2022-2023, toàn huyện gieo trồng khoảng 2.178 ha cây trồng các loại. Trong đó, lúa nước 1.615 ha, rau các loại 400 ha, khoai lang 60 ha, cây hàng năm khác 103,65 ha. Đồng thời, ngành chức năng tập trung tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi 44 ha lúa thường xuyên bị hạn, 6 ha đất trồng mì, 125 ha đất trồng cao su, 27 ha đất trồng hồ tiêu và 5 ha đất trồng điều kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác ngắn ngày có hiệu quả kinh tế cao hơn. Cùng với đó, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, nắm bắt lịch tiếp nước của các công trình thủy lợi để có kế hoạch gieo trồng phù hợp, tránh xảy ra tình trạng tranh chấp nước giữa các loại cây trồng. Thông tin cho người dân biết cụ thể về khả năng đảm bảo của nguồn nước, không sản xuất diện tích vượt quá năng lực phục vụ của công trình thủy lợi; chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những nơi có khả năng thiếu nước vào cuối vụ.

“Chúng tôi khuyến cáo bà con nông dân sử dụng giống lúa xác nhận để gieo sạ, áp dụng quy trình sản xuất phù hợp như: IPM, “3 giảm, 3 tăng”… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giảm chi phí, tăng lợi nhuận, giảm ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, chúng tôi đẩy mạnh công tác điều tra, dự báo sâu bệnh hại cây trồng để kịp thời khoanh vùng xử lý, nhất là các bệnh trên các loại cây trồng chủ lực như hồ tiêu, cà phê và một số bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao như sâu keo mùa thu, khảm lá vi rút hại mì, trắng lá mía...”-ông Thương cho biết thêm.

 

 QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm