Kinh tế

Nông nghiệp

Nhiều loại nông sản trúng giá, người trồng phấn khởi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các loại nông sản như gạo, cà phê, hạt tiêu, sầu riêng, mít… trúng giá giúp nhiều nông dân có thu nhập khấm khá và yên tâm tái đầu tư.

Sầu riêng, tiêu, cà phê, mít... bội thu

Huyện Đạ Huoai là thủ phủ sầu riêng của tỉnh Lâm Đồng nhờ sản lượng lớn và chất lượng cao. Những ngày cuối tháng 6, thương lái vẫn dập dìu vào thu hoạch vườn sầu riêng giống Dona rộng 2 ha ở thị trấn Đạ M'ri. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Đạ M'ri, cho biết: "Thời điểm này đang là cuối vụ sầu riêng của Đạ Huoai. Đây là vườn sầu riêng cuối cùng của HTX cho thu hoạch. Năm nay do ảnh hưởng của nắng nóng và thiếu nước tưới nên năng suất không tốt như kỳ vọng, nhưng bù lại giá bán khá tốt".

Ông Nguyễn Thanh Hòa, chủ vườn sầu riêng giống Dona ở thị trấn Đạ M’ri (Đạ Huoai, Lâm Đồng), thu hoạch sản phẩm vào những ngày cuối tháng 6

Ông Nguyễn Thanh Hòa, chủ vườn sầu riêng giống Dona ở thị trấn Đạ M’ri (Đạ Huoai, Lâm Đồng), thu hoạch sản phẩm vào những ngày cuối tháng 6

Ông Nguyễn Thanh Hòa, chủ vườn sầu riêng nơi đây, chia sẻ: Năm 2023, vườn cho trái mùa đầu tiên với tổng sản lượng 2 ha là 13 tấn. Năm nay là mùa thu hoạch thứ hai, ban đầu ước tính sản lượng có thể lên tới 40 tấn nhưng do nắng nóng gay gắt và bệnh xì mủ trên thân nên sản lượng chỉ còn khoảng 25 - 30 tấn. "Vườn của tôi khá gần nguồn nước nên ảnh hưởng ít, có những vườn ở xa thiếu nước tưới thiệt hại còn nặng hơn. Do sản lượng thấp nên giá bán sầu riêng xô tại vườn năm nay là 78.000 đồng/kg trong khi năm ngoái chỉ có 62.000 đồng/kg. Dù không đạt sản lượng như mong đợi nhưng bù lại là giá khá tốt nên mình cũng yên tâm sản xuất. Tôi đầu tư khu vườn theo hướng hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học trong chăm sóc và phòng trừ nấm bệnh nhằm mục tiêu phát triển bền vững", ông Hòa cho biết.

Trong khi vụ sầu riêng ở Lâm Đồng kết thúc thì những vườn sầu riêng chín sớm, đặc biệt là giống Ri6 ở Đắk Lắk, bắt đầu cho thu hoạch. Ông Y Drin Niê, ở xã Ea Tu (TP.Buôn Ma Thuột), hồ hởi khoe: "Đầu tháng 4, khi giá cà phê vọt lên mốc lịch sử 95.000 đồng/kg tôi đã quyết định bán toàn bộ sản lượng dự trữ. Cách đây gần một tháng, tôi cũng bán hạt tiêu với giá 120.000 đồng/kg, mức cao nhất trong nhiều năm gần đây. Hiện tại, sầu riêng Ri6 bắt đầu cho thu hoạch, giá dao động từ 45.000 - 55.000 đồng/kg, tùy chất lượng. Còn giống Dona thì cơ bản phải đến tháng 8 - 9 mới bắt đầu tới vụ. Năm ngoái sản lượng sầu riêng chỉ đạt hơn 2 tấn/ha, năm nay nhờ tuổi cây tăng nên sản lượng có thể đạt được 5 tấn".

"Nếu vào thời điểm đó giá sầu riêng duy trì mức cao như hiện nay thì bà con địa phương sẽ có một năm trọn vẹn khi cả 3 loại cây trồng trên cùng một mảnh vườn đều trúng giá. Trong mấy chục năm sống bằng nghề nông, tôi cũng mới lần đầu tiên đón nhận niềm vui một cách trọn vẹn như vậy", ông Niê không giấu được sự phấn khởi.

Ông Y Drin Niê ở xã Ea Tu (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) vui mừng vì giá sản phẩm hạt tiêu và cà phê trở lại thời đỉnh cao

Ông Y Drin Niê ở xã Ea Tu (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) vui mừng vì giá sản phẩm hạt tiêu và cà phê trở lại thời đỉnh cao

Niềm vui nông sản trúng giá không chỉ của riêng bà con vùng cao Tây nguyên mà cả nhiều vùng miền khác trên cả nước. Tại Nam bộ, nhà vườn trồng mít cũng phấn khởi không kém khi giá mặt hàng này đang tăng nhờ xuất khẩu thuận lợi. Ông Nguyễn Văn Hoàng, thương lái ở H.Kế Sách (Sóc Trăng) thông tin khoảng nửa tháng nay giá mít liên tục tăng, loại một hiện có giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, loại 2 từ 15.000 - 18.000 đồng/kg. Không chỉ mít mà giá nhiều loại sản phẩm khác cũng đang ở mức cao so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh cây ăn quả, bà con nông dân ĐBSCL còn đang thu hoạch lúa hè thu rộ. Nhờ xuất khẩu thuận lợi nên giá lúa duy trì mức cao, từ 6.800 - 7.100 đồng/kg. So với vụ đông xuân thì không bằng nhưng giá lúa hiện tại cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ những năm trước và cũng là mức lý tưởng để bà con yên tâm sản xuất.

Xuất khẩu rau quả tiến tới mốc lịch sử

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan VN, chỉ tính riêng trong tháng 5, xuất khẩu sầu riêng đạt 450 triệu USD, tăng đến 34% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024 đạt 919 triệu USD, tăng trên 74% so với cùng kỳ năm trước. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả VN (VINAFRUIT), nhẩm tính xuất khẩu sầu riêng trong tháng 6 có thể lên tới 600 triệu USD và lũy kế 6 tháng là 1,5 tỉ USD. Nếu thị trường tiếp tục vận hành theo quy luật như năm 2023, xuất khẩu tháng 7 - 8 vẫn tăng khá và vọt lên vào tháng 9 - 10 thì kim ngạch xuất khẩu sầu riêng có thể vượt 3 tỉ USD. Điều này hoàn toàn có khả năng vì Tây nguyên hiện là khu vực có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất cả nước và sẽ cho thu hoạch vào cuối quý 3 tới. "Sự tăng trưởng mạnh của mặt hàng chủ lực sầu riêng sẽ giúp cho ngành rau quả thiết lập cột mốc lịch sử mới", ông Nguyên lạc quan.

Xuất khẩu sầu riêng ước đạt 1,5 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2024

Xuất khẩu sầu riêng ước đạt 1,5 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2024

Dù không "rực sáng" như sầu riêng, nhưng nhiều loại rau quả xuất khẩu của VN cũng tăng trưởng đến 2 con số trong 6 tháng đầu năm nay như chuối, mít, xoài, dưa hấu, dừa, chanh leo, bưởi… đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm ngành rau quả đạt 3,4 tỉ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023.

Tăng giá mạnh nhất thời gian qua phải kể đến cà phê và hạt tiêu. Ở thời điểm hiện tại, giá 2 mặt hàng này đều cao khoảng gấp đôi cùng kỳ năm trước. Cụ thể, giá cà phê dao động quanh mốc 120.000 đồng/kg và giá xuất khẩu khoảng 4.500 USD/tấn; còn giá hạt tiêu khoảng 150.000 đồng/kg, giá xuất khẩu từ 6.000 - 9.500 USD/tấn tùy loại. Nhờ giá tăng mạnh và duy trì mức cao nên dự báo xuất khẩu cà phê của VN lần đầu tiên sẽ đạt con số kỷ lục là 5 tỉ USD; trong khi đó hạt tiêu cũng quay trở lại cột mốc lịch sử 1 tỉ USD.

Điều đáng chú ý là theo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, trên phạm vi toàn cầu, do sản lượng 2 mặt hàng này sụt giảm mạnh, ngược lại nhu cầu tiêu thụ tăng cao nên xu hướng giá tốt sẽ tiếp tục được duy trì trong một vài năm tới. Do đây là những loại cây dài ngày nên sản lượng không thể được cải thiện trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, để duy trì lợi thế và giá cả thì việc quan trọng đầu tiên là ngành nông nghiệp cần rà soát lại diện tích để có số liệu chính xác. Bên cạnh đó là tổ chức hợp tác, liên kết sản xuất để tăng cường tính bền vững cho từng ngành hàng.

7 nhóm ngành đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD

Trong 6 tháng đầu năm 2024, có 7 sản phẩm và nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ. Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm trước xuất khẩu gạo đạt 4,7 triệu tấn, tăng 10%, giá trị gần 3 tỉ USD, tăng 32%. Tương tự, hạt điều 350.000 tấn, tăng 25% và giá trị đạt 1,9 tỉ USD, tăng 17%. Xuất khẩu cà phê đạt 902.000 tấn, giảm 10,5% nhưng giá trị đạt 3,2 tỉ USD, tăng 35%. Các sản phẩm còn lại là gỗ đạt 5 tỉ USD, rau quả 3,4 tỉ USD, tôm 1,6 tỉ USD, cao su 1,1 tỉ USD.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 29 tỉ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu gần 21 tỉ USD. Toàn ngành xuất siêu trên 8 tỉ USD, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước.

Có thể bạn quan tâm