Ngày 22/9, Tỉnh Đoàn Kon Tum phối hợp Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên tỉnh tổ chức hội nghị Tập huấn thúc đấy chương trình khởi nghiệp, lập nghiệp, thanh niên làm kinh tế tham gia xây dựng nông thôn mới năm 2023.
Hội nghị thu hút hơn 100 đoàn viên thanh niên huyện Đăk Hà tham gia. Ảnh: Thái Lâm |
Phát biểu tại hội nghị, anh Nguyễn Bảo Tân - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Kon Tum cho rằng, huyện Đăk Hà hội tụ đủ mọi điều kiện để phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp , cụ thể là trồng cây ăn quả.
“Vì vậy, Tỉnh Đoàn mong muốn các đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn huyện phải có tinh thần khởi nghiệp, làm kinh tế tham gia xây dựng nông thôn mới”, anh Tân nhấn mạnh.
Anh Nguyễn Bảo Tân - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Kon Tum phát biểu tại hội nghị |
Đây là hoạt động nằm trong chương trình thúc đẩy khởi nghiệp, lập nghiệp, ĐVTN tham gia phát triển kinh tế xây dựng nông thôn mới của Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn năm 2023; giúp các ĐVTN hiểu rõ hơn kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc cây mắc ca, sầu riêng và các loại cây ăn quả khác trong quá trình khởi nghiệp.
Trong khuôn khổ chương trình, hơn 100 ĐVTN được tiếp cận và học tập tại các mô hình cây ăn quả điển hình của đoàn viên trên địa bàn xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà).
ĐVTN tham quan, học tập mô hình cây ăn quả điển hình của đoàn viên Huỳnh Thanh Duy |
Vài năm trở lại đây tại huyện Đắk Hà ngày càng có nhiều thanh niên lựa chọn mô hình nông nghiệp làm điểm xuất phát trên con đường lập thân, lập nghiệp. Từ đó, số thanh niên làm chủ các mô hình tăng cao, hoạt động hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề như dịch vụ tổng hợp, nông nghiệp, rau an toàn, du lịch sinh thái…
Điển hình là mô hình trồng cây ăn quả xen canh của đoàn viên Huỳnh Thanh Duy, thuộc Đoàn xã Hà Mòn đã có "quả ngọt", chờ ngày bán ra thị trường tiến tới thoát nghèo.
Mô hình trồng cây ăn quả xen canh của đoàn viên Huỳnh Thanh Duy (bên trái) là điển hình của thanh niên khởi nghiệp huyện Đăk Hà. |
“Bằng số vốn gia đình tích góp, năm 2020, bản thân đã bắt đầu đưa hàng trăm gốc cam về trồng trong 7 sào đất vườn gia đình. Nhờ có sự hỗ trợ của Tỉnh Đoàn cùng thời tiết thuận lợi, định hướng tạo ra thương hiệu cho sản phẩm, bản thân đã triển khai sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm của VietGAP”, Duy chia sẻ.
Theo Duy, với tiêu chí sản phẩm sạch, an toàn, bản thân đã trực tiếp chăm sóc và theo dõi kỹ thuật cho vườn cam đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, Duy tìm hiểu, áp dụng mã QR truy xuất nguồn gốc cho vườn cam để khách hàng có thể dùng phần mềm kiểm tra nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm.
Để đạt kết quả tốt như hôm nay, Duy đã tham gia tập huấn về kiến thức khởi nghiệp nhiều lần |
Ngoài việc chăm lo sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế , Duy luôn vận động các đoàn viên trong và ngoài xã cùng làm theo. Đặc biệt, Duy hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn cho các đoàn viên về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thâm canh vườn cây ăn quả.