Từ nông trại tới ly cà phê
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất của những mùa cà phê chín đỏ, Nguyễn Thị Thanh Tâm luôn có một tình yêu lớn dành cho loại nông sản này. Năm 2018, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành pha chế tại Trường Hướng nghiệp Á Âu (TP. Đà Nẵng), Tâm tập trung phát triển tay nghề tại một số chuỗi cà phê theo làn sóng cà phê thứ 3-dòng cà phê đặc sản. Năm 2019, chị trở thành giảng viên của Trường Dạy nghề Âu Việt Á (TP. Đà Nẵng).
“Người pha chế phải thực sự yêu và hiểu về cà phê. Trong thời gian giảng dạy ở trường, tôi tranh thủ học thêm kiến thức để nâng tầm hiểu biết. Năm 2021, sau khi có chứng chỉ “Chiết xuất cà phê theo tiêu chuẩn quốc tế SCA”, tôi quay trở về Gia Lai để thực hiện ước mơ”-chị Tâm cho hay.
Không chỉ là một thợ pha chế giỏi, chị Nguyễn Thị Thanh Tâm còn tích cực quảng bá hương vị cà phê đặc sản của vùng đất Gia Lai. Ảnh: T.D |
Từ đó, Trung tâm Dạy nghề pha chế Gia Lai-TRS1 Training Center do chị Tâm điều hành đi vào hoạt động. Chị cho biết, TRS1 là giống cà phê Robusta đặc trưng của vùng đất Gia Lai. Vì vậy, chị lấy tên TRS1 để làm thương hiệu của mình. Với mong muốn kết nối cộng đồng cà phê không chỉ ở vai trò là những người pha chế, chị tập trung nghiên cứu hành trình từ nông trại tới ly cà phê (from farm to cup). “Đây là hành trình để gia tăng những trải nghiệm hoàn toàn mới, người pha chế phải thấu hiểu trọn quá trình từ lúc ươm trồng tới rang xay, pha chế để tạo ra những sản phẩm mang nét riêng của vùng đất Gia Lai. Từ đó, chinh phục trọn trái tim người yêu cà phê trên khắp mọi miền”-chị Tâm chia sẻ.
Thực hiện hành trình “from farm to cup”, chị Tâm đã trực tiếp kết nối với các trang trại cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ để tìm hiểu về giống, quy trình chăm sóc, thu hái và sơ chế. Từ đó, chị tạo được nguồn nguyên liệu phong phú, chất lượng để đưa ra những ly cà phê chuẩn vị nhất. Nhìn cách chị nâng niu từng tách cà phê mới thấy được rằng, không đơn thuần chỉ là thợ pha chế, cô gái 9X này còn là người bảo vệ và truyền cảm hứng về một hành trình dài của hạt cà phê.
Chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Chủ nông trại Moons Coffee Farm (hẻm 1418 Trường Chinh, TP. Pleiku) bày tỏ niềm hứng khởi khi trò chuyện cùng tôi về hành trình kết nối sản phẩm cà phê hữu cơ của nông trại đến với người tiêu dùng của chị Tâm. Chị Thủy tâm sự: “Tâm là một bạn trẻ có đam mê và hiểu biết sâu rộng về văn hóa cà phê. Những ly cà phê hấp dẫn của Tâm như kể về câu chuyện của vùng đất và con người theo một cách riêng. Là một trong những nông trại “lĩnh xướng” cho nông nghiệp bền vững ở Gia Lai, chúng tôi đã cùng Tâm lan tỏa hương vị cà phê đặc sản của quê hương mình”.
Để thực hiện hành trình “from farm to cup”, chị Tâm đã trực tiếp kết nối với các trang trại cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Ảnh: T.D |
Kết nối cộng đồng cà phê
Ngoài việc lan tỏa tình yêu cho hàng trăm học viên trong lĩnh vực pha chế và setup quán cà phê, quy trình vận hành, quản lý nhân sự, chị Tâm còn kết nối cộng đồng cà phê của tỉnh với các tỉnh, thành lân cận qua việc tổ chức các sự kiện về cà phê, góp phần nâng cao giá trị cà phê Gia Lai.
Theo chị Tâm, hiện nay, thị trường cà phê Gia Lai đã hướng tới làn sóng cà phê thứ 3-cà phê đặc sản. Tuy nhiên, chưa có sự kết nối, lan tỏa trong cộng đồng để đẩy mạnh quảng bá thương hiệu cà phê Gia Lai. Vì vậy, tháng 9-2022, chị mạnh dạn kết nối với một số farm và quán cà phê trong tỉnh tổ chức sự kiện “Coffee Connection”. Đây là sự kiện trải nghiệm cà phê thủ công làn sóng cà phê thứ 3 và cà phê Fine Robusta đặc trưng của vùng đất Gia Lai. Đặc biệt, đây cũng là sự kiện đầu tiên trải nghiệm pha cà phê thủ công tại Gia Lai thu hút đông đảo cộng đồng người sản xuất và cả những người yêu cà phê Gia Lai từ TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Đà Nẵng, Đak Nông… tham gia.
“Đây là tín hiệu vui để tôi tích cực đẩy mạnh việc kết nối cộng đồng cà phê ở Gia Lai. Thành công lớn nhất của tôi là đã hình thành được một cộng đồng cà phê Gia Lai trên 20 thành viên là chủ quán, nhà rang xay, nông trại”-chị Tâm bày tỏ.
Đến nay, cộng đồng cà phê đã tăng lên 100 thành viên. Hàng tháng, chị Tâm cùng các thành viên họp mặt để chia sẻ sâu hơn về quy trình canh tác đến sản xuất, chế biến và cho ra những sản phẩm cà phê mang hương vị đặc trưng. Anh Nguyễn Cao Nghĩa-Chủ nhà rang Nguyên Phú Coffee (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) cho biết: “Tôi tham gia cộng đồng cà phê Gia Lai qua sự kết nối của Tâm. Ngoài việc chia sẻ các thông tin hữu ích, chúng tôi còn được tham gia các sự kiện “Coffee Tour” với hoạt động trải nghiệm việc hái, sơ chế cà phê chất lượng cao, các phương pháp sơ chế cà phê natural và honey. Ở Tâm, chúng tôi nhận thấy nguồn năng lượng dồi dào và tinh thần nhiệt huyết vì cộng đồng rất lớn. Cô ấy đã góp phần đưa văn hóa cà phê nâng tầm bởi phong cách chiết xuất hiện đại, tiệm cận với xu hướng trên thế giới”.
Cũng với tinh thần của người trẻ, dám nghĩ, dám làm, trong 2 ngày 8 và 9-9 vừa qua, chị Tâm cùng cộng đồng cà phê Gia Lai đã tổ chức thành công sự kiện “Gia Lai Coffee Festival”. Với chủ đề “Gia Lai vùng nguyên liệu chất lượng cao”, đây là hoạt động trải nghiệm cà phê địa phương lần đầu tiên được tổ chức tại Gia Lai với sự góp mặt của gần 30 đơn vị đồng hành (trong đó có 6 đơn vị ngoài tỉnh) là các chủ farm, nhà rang xay, nhà phân phối và chủ quán cà phê. Đã có trên 1.000 lượt khách tiếp cận các hoạt động hấp dẫn tại sự kiện như: trải nghiệm các phương thức rang, xay và pha chế cà phê; thi đấu barista teamwork; talkshow về chuyên đề chất lượng cà phê Gia Lai.
Ngoài ra, Ban tổ chức còn trưng bày 32 mẫu cà phê chất lượng cao của Gia Lai và các dụng cụ pha chế, sách, tài liệu về lĩnh vực này. “Tôi mong muốn đem tới mọi người tổng quan về hành trình cà phê Gia Lai. Qua các hoạt động, mọi người sẽ được thưởng thức, trải nghiệm; đồng thời kết nối cộng đồng người làm ngành cà phê nói riêng, cư dân trong tỉnh và ngoại tỉnh nói chung”-chị Tâm hào hứng nói.
Các thành viên trong cộng đồng cà phê Gia Lai thường xuyên kết nối để có những thông tin hữu ích về ngành cà phê. Ảnh: Trần Dung |
Ông Nguyễn Hữu Long-người sáng lập Học viện Cà phê Việt Nam VCA: “Tâm đã kết nối được cộng đồng cà phê Gia Lai với những thành viên có chung niềm đam mê cà phê và tinh thần cống hiến, từ đó, tạo sự lan tỏa và có nhiều cá nhân, tổ chức cùng đồng hành. Không chỉ góp phần tạo dựng thương hiệu cà phê chất lượng cao Gia Lai, Tâm cùng cộng đồng cà phê địa phương đã cùng nhau kể về câu chuyện của tinh thần khởi nghiệp, tinh thần cống hiến sức trẻ và kiến thức mới mẻ cho ngành cà phê”.
Ông Nguyễn Văn Hòa-đại diện Trung tâm Kiểm định cà phê Quốc tế S-Quality Lab tại Việt Nam-cho rằng: “Với những nỗ lực và tâm huyết, Tâm đã đưa cà phê Gia Lai tới gần hơn với mọi người, tạo ra sân chơi, diễn đàn kết nối hệ sinh thái ngành cà phê theo tiêu chí “from farm to cup” kết nối từ nông dân-nhà rang xay-chủ quán-pha chế-người tiêu dùng. Chúng tôi là đơn vị hỗ trợ và kiểm định các dòng cà phê đạt chuẩn và nhận thấy cà phê Gia Lai cần được cộng đồng cà phê kết nối, quảng bá bởi nó có nét đặc trưng rất riêng về hương vị. Với độ cao khoảng 750 m so với mặt nước biển, đây là điều kiện lý tưởng cho việc trồng cà phê Robusta và mang lại hương vị khác biệt so với cà phê ở những vùng miền khác”.
Được biết, với tư cách là cố vấn cho sự kiện “Gia Lai Coffee Festival”, ông Hòa đã cung cấp thông tin, góc nhìn tổng quan về vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao Gia Lai; khẳng định chất lượng cà phê nhân xanh, rang tại vùng nguyên liệu và cách thức thúc đẩy các hoạt động cộng đồng tại địa phương.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, chị Tâm khẳng định: “Không dừng lại ở thành công của “Gia Lai Coffee Festival”, bản thân tôi và các đơn vị thuộc hệ sinh thái ngành cà phê Gia Lai sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm xây dựng thương hiệu cà phê Gia Lai vươn tầm khu vực. Nối tiếp làn sóng cà phê hòa tan và cà phê pha máy, làn sóng thứ 3 khá thú vị khi cà phê không chỉ để thưởng thức mà còn được tìm hiểu những thông tin “from farm to cup” như: Dòng cà phê được trồng ở đâu? Phương thức canh tác ra sao? Độ cao bao nhiêu? Cách sơ chế như thế nào? Để làm tốt điều này, tôi sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng nhằm kết nối cộng đồng cà phê Gia Lai. Tôi tin rằng, khi mọi người cùng chung tay sẽ mở ra cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương; góp phần xây dựng thương hiệu cà phê Gia Lai ngày càng phát triển”.