Thời gian gần đây, tại khu vực núi lửa Chư Đăng Ya, H.Chư Păh (Gia Lai), “cò đất” hoạt động ì xèo với chiêu trò quảng cáo đường mật như view ruộng, view núi lửa, giá tốt nhất cho nhà đầu tư… khiến nhiều người dân sập bẫy tiền mất, tật mang.
Người dân ở Chư Đăng Ya khi nghe những lời ngon ngọt của “cò đất” về “dự án tỉ đô”, đất được giá cao đã cắt đất ở, đất rẫy quanh khu vực thắng cảnh chuyển nhượng. Không ít người đã bị mắc lừa với những thông tin chưa xác thực vậy.
Khu vực núi lửa Chư Đăng Ya đang nóng sốt với hoạt động buôn bán đất đai. Ảnh: Trần Hiếu |
Lừa lấy sổ đỏ đi thế chấp
Những ngày qua, anh Chang (41 tuổi) cùng vợ là chị Bleck (44 tuổi, trú xã Chư Đăng Ya, H.Chư Păh, Gia Lai) sống trong cảnh hoảng loạn vì những kẻ lạ mặt tìm đến tận nhà đòi nợ. Chang kể năm trước, có một bà tên là Vũ Thị Hằng (42 tuổi, trú cùng địa phương) đến nhà bảo có thể làm được sổ đỏ từ tờ giấy viết tay. Có sổ đỏ rồi mới vay được tiền ngân hàng chính sách với lãi suất ưu đãi để làm ăn. Bà Hằng cũng như nhiều “cò đất” gợi ý rằng sắp tới có dự án lớn nên đất có giá. Vì thế, vợ chồng Chang nghe theo, được bà Hằng dẫn ra huyện làm các thủ tục liên quan.
“Nó bảo vợ chồng mình lăn tay hết giấy này đến giấy khác, nhưng mình không biết trong đó ghi nội dung gì. Đến khi ra được sổ đỏ thì nó bảo phải cầm cố sổ để vay tiền làm ăn. Vợ chồng mình cũng tin, nhưng chờ mãi không thấy tiền đâu, không thấy sổ đỏ đâu. Tuần trước, có nhóm giang hồ xăm trổ đến đòi phá nhà, nói sao vợ chồng anh chị vay mượn tiền mà không đi nộp lãi”, anh Chang nói.
Sau đó, hai vợ chồng Chang tá hỏa khi biết bà Hằng đã cầm cố sổ đỏ của gia đình mình vay hơn 100 triệu đồng của một nhóm tín dụng đen. Nhà nghèo, thêm 4 con nhỏ nheo nhóc, vợ chồng anh Chang làm chưa đủ ăn, tiền đâu trả nợ. Chị vợ anh nhiều lần tìm đến lá ngón với ý định tự tử vì quá lo lắng, buồn bã. Gọi điện cho bà Hằng yêu cầu trả lại sổ đỏ thì người này chỉ hứa và hứa.
Tương tự, anh Hưch (47 tuổi, trú xã Chư Đăng Ya) bức xúc: “Năm 2018, thương tình bà Hằng đi thu mua cà phê vất vả, vợ chồng mình đồng ý cho bà ấy thuê 5 sào đất rẫy để trồng cà phê, với giá 100 triệu đồng. Thời gian thuê 10 năm. Vợ chồng mình không bán đất cho bà Hằng, không hiểu sao đầu năm nay cán bộ địa chính về đo đất, bảo 5 sào đất đã ra sổ đỏ đứng tên bà Hằng rồi. Mình tìm bà Hằng để hỏi, gọi điện thì bà ấy viết trên tờ giấy gọn lỏn mấy chữ, hứa sẽ trả lại sổ đỏ cho vợ chồng trong vòng 10 ngày. Nhưng mình nghĩ bà Hằng sợ vợ chồng mình tố cáo với công an nên mới viết giấy hẹn trả thế. Có khi bà ấy đã đem sổ đỏ đi thế chấp vay ngân hàng hay vay của tín dụng đen rồi, lo quá”.
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Nội, Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya, xác nhận: “Cơ quan công an huyện đã vào cuộc điều tra, mời bà Hằng lên làm việc. Lúc kiểm tra nhà bà Hằng đã phát hiện có hàng chục sổ đỏ của người dân, trong đó có vài sổ đỏ nghi được làm giả”.
Vợ chồng anh Chang tá hỏa vì khoản nợ trên trời rơi xuống |
Sốt đất ảo
Thắng cảnh Chư Đăng Ya với vùng hoa dã quỳ đẹp mê hồn thu hút hàng chục ngàn lượt khách thưởng lãm mỗi mùa quỳ nở. Đặc biệt, từ khi có thông tin loan truyền việc tỉnh Gia Lai kêu gọi dự án trị giá hàng tỉ USD để đầu tư, thu hút du lịch thì ngay lập tức diễn ra cơn sốt đất ảo. Giá đất ruộng lúa, đất nương rẫy trồng cà phê, hồ tiêu của nông dân quanh vùng núi lửa bị thổi giá chóng mặt. Từ 10 triệu đồng/m chiều ngang lên đến 30 - 40 triệu đồng, thậm chí tăng đến 90 triệu đồng/m ngang ở các trục đường chính trong thôn làng, nơi có view ruộng, hồ.
Giới “cò đất” theo đó cũng đổ về đây tranh thủ làm ăn, kiếm chác, tranh mua, tranh bán. Những mảnh đất được nhắm tới không đâu khác mà chính là vùng đất đang mưu sinh của người bản địa ở đây. Thực trạng mua bán đất đai xung quanh vùng núi lửa Chư Đăng Ya hiện đang nóng hơn bao giờ hết, kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân.
Thực tế, theo lời kêu gọi đầu tư của tỉnh Gia Lai về dự án du lịch lớn có giá trị cao mà một tập đoàn đang khảo sát. Tuy nhiên mọi việc chỉ đang dừng lại ở thông tin mà chưa có một văn bản chính thức nào về việc đầu tư vào khu vực này. Những “cò đất” đã lợi dụng để trục lợi từ những thông tin chưa chính xác. Và không ít người dân đã vội cả tin.
Về vấn đề này, ông Nay Kiên, Chủ tịch UBND H.Chư Păh, cho hay đã chỉ đạo công an huyện này vào cuộc điều tra, xác minh những vụ việc có dấu hiệu lừa đảo, mua bán nhiều sổ đỏ của người dân. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thừa hành nhiệm vụ nếu có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.
Theo TRẦN HIẾU (TNO)