Giáo dục

Tin tức

Nhiều thí sinh tự tin đạt điểm khá ở môn Toán

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đề thi Ngữ văn vừa sức đã tạo tâm thế thoải mái cho sĩ tử trong 90 phút thi Toán vào chiều 7-7. Không ít thí sinh tự tin sẽ đạt điểm khá ở môn thi này, trong đó có những thí sinh “đặc biệt”.

Các thí sinh tại điểm thi Trường THCS Trưng Vương (TP. Pleiku) ra khỏi phòng thi môn Toán với nhiều tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Ảnh: Đức Thụy
Các thí sinh tại điểm thi Trường THCS Trưng Vương (TP. Pleiku) ra khỏi phòng thi môn Toán với tâm lý nhẹ nhõm. Ảnh: Đức Thụy

Đề Toán có tính phân hóa cao

“Nữ sinh có nghị lực phi thường” là lời khen tặng mà bạn bè và các tình nguyện viên dành cho em Hoàng Nguyễn Anh Thư (học sinh Trường THCS và THPT Kpă Klơng) dự thi tại điểm thi Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Mang Yang). Thư bị viêm màng não từ lúc 1 tháng tuổi. Dù gia đình đã đưa đi chữa trị nhiều nơi nhưng di chứng để lại vẫn hết sức nặng nề. Việc đi lại của Thư rất khó khăn, giọng nói cũng không được “tròn vành rõ chữ”. Thế nhưng, nữ sinh này không oán trách số phận, không mặc cảm với khiếm khuyết của bản thân và luôn vươn tới một tương lai tươi sáng hơn.

12 năm liền Thư đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Bị khuyết tật, Thư nằm trong danh sách được miễn thi tốt nghiệp nhưng em vẫn dự thi để lấy điểm xét tuyển đại học. “Ước mơ của em là đậu vào ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh. Để thuận lợi cho kỳ thi, em cùng mẹ ra ở lại tại Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Mang Yang. Buổi sáng, em làm bài thi Ngữ văn được khoảng 70%; riêng đề Toán có một số câu tương đối khó để phân loại học sinh nhưng qua đối chiếu đáp án, em rất vui khi mình làm đúng được 38/50 câu”.

Anh Vũ Danh Mạnh-Bí thư Huyện Đoàn Mang Yang tặng quà cho em Nguyễn Hoàng Anh Thư (bìa phải) bị khuyết tật tại điểm thi Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Mang Yang). Ảnh: Phan Lài
Anh Vũ Danh Mạnh-Bí thư Huyện Đoàn Mang Yang tặng quà cho em Nguyễn Hoàng Anh Thư (bìa phải) bị khuyết tật tại điểm thi Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Mang Yang). Ảnh: Phan Lài


Anh Vũ Danh Mạnh-Bí thư Huyện Đoàn Mang Yang-cho hay: “Sau khi nắm được tình hình sức khỏe của em Hoàng Nguyễn Anh Thư, chúng tôi đã kịp thời thăm hỏi, tặng quà động viên. Đồng thời, các tình nguyện viên đã hỗ trợ em trong quá trình di chuyển đến điểm thi. Sắp tới, nếu Thư đậu đại học, Huyện Đoàn sẽ vận động kinh phí tặng máy tính và xin học bổng cho em”.

Thí sinh lớn tuổi nhất tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 là bà Nguyễn Thị Gái (57 tuổi) hiện là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của xã Dun và Bí thư Chi bộ thôn Queng Mép (xã Dun, huyện Chư Sê). Trước khi thi tốt nghiệp THPT, bà Gái đã đã tích cực học tập, bồi dưỡng kiến thức tại Trung tâm  Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Chư Sê.

Bà Gái bày tỏ: “Lần đầu tiên đi thi tốt nghiệp THPT, tôi thấy công tác coi thi rất chặt chẽ, nghiêm túc. Cán bộ coi thi rất quan tâm, hướng dẫn tận tình cho thí sinh, đặc biệt là những người lớn tuổi về nội quy, quy chế. Các cháu tình nguyện viên luôn động viên, cổ vũ để tôi tự tin hoàn thành các bài thi. Trong ngày thi đầu tiên, môn Văn tôi làm tương đối tốt, môn Toán cũng tạm ổn. Tôi hi vọng mình sẽ đạt được điểm trên trung bình ở 2 môn thi này. Dù lớn tuổi tôi vẫn đi thi để có thêm kiến thức và làm tấm gương để cho con cháu nỗ lực hơn trong học tập”.

Em Trần Thị Anh Thư-điểm thi Trường THCS và THPT Nguyễn Văn Cừ (huyện Chư Sê) tự tin đạt từ 8-8,5 điểm ở môn Toán. Ảnh: Nguyễn Diệp
Em Trần Thị Anh Thư-điểm thi Trường THCS và THPT Nguyễn Văn Cừ (huyện Chư Sê) tự tin đạt từ 8-8,5 điểm ở môn Toán. Ảnh: Nguyễn Diệp


Tại các điểm thi khác trên địa bàn tỉnh, nhiều thí sinh cũng thở phào nhẹ nhõm sau khi kết thúc môn thi thứ 2 của kỳ “vượt vũ môn”. Rời phòng thi tại điểm thi Trường THCS và THPT Nguyễn Văn Cừ (xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê), em Trần Thị Anh Thư phấn khởi nói: “Em làm được hơn 40 câu, dự đoán được 8 đến 8,5 điểm. Hoàn thành tốt ngày thi đầu tiên giúp em thoải mái hơn để tiếp tục hoàn thành các môn còn lại”.

Em Đoàn Trung Hiếu-điểm thi Trường THPT Lê Lợi (TP. Pleiku) cũng cho hay: “Đề có 50 câu trắc nghiệm. Em hoàn thành bài thi trong vòng 60 phút nhưng có nhiều câu chưa thật chắc chắn. Tuy nhiên, em cũng tự tin mình đạt được từ 7 điểm”. Còn thí sinh Lưu Tiến Quân-điểm thi Trường THPT Lý Thường Kiệt (thị xã Ayun Pa) đánh giá: “Từ câu 40 đến 45, mức độ phân hóa khá cao, phải những bạn khá, giỏi mới có thể làm tốt. Bản thân em thi khối D nên tự tin làm đúng 85-90% đề thi”.

3Em Đoàn Trung Hiếu (bìa phải)-điểm thi Trường THPT Lê Lợi (TP. Pleiku) trao đổi bài cùng bạn sau khi kết thúc giờ thi môn Toán. Ảnh Mộc Trà..jpg
Em Đoàn Trung Hiếu (bìa phải)-điểm thi Trường THPT Lê Lợi (TP. Pleiku) trao đổi bài cùng bạn sau khi kết thúc môn Toán. Ảnh: Mộc Trà


Theo thầy Phan Minh Hậu-giáo viên Toán, Trường THPT Chi Lăng (TP. Pleiku), mặc dù đề thi tốt nghiệp THPT môn Toán năm nay hơi khó hơn so với 3 năm trở lại đây nhưng khả năng thí sinh đạt từ 7-8 điểm sẽ tương đối nhiều. Cấu trúc đề tương đồng với đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, song độ khó có phần nhỉnh hơn. 30 câu đầu tương đối dễ, từ câu 31 trở đi độ khó tăng dần và 10 câu cuối có tính phân loại thí sinh cao.

Đồng hành cùng thí sinh “vượt vũ môn”

Tạm gác công việc thường nhật, nhiều phụ huynh không quản ngại đường sá xa xôi để đồng hành cùng con trong kỳ thi cuối cấp quan trọng. Từ tờ mờ sáng, bà Nguyễn Thị Nga (thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang, huyện Kbang) đã chủ động đưa con trai út Đỗ Khánh Linh vượt quãng đường 30 km đến điểm thi Trường THPT Lương Thế Vinh (thị trấn Kbang) để kịp giờ dự thi. Bà Nga thủ thỉ: “Những ngày này, tôi muốn ở bên con động viên tinh thần, giúp con yên tâm thi cử. Trong thời gian con thi, tôi đã tìm phòng trọ để mẹ con ở lại cho đến khi con kết thúc kỳ thi nhằm đảm bảo sức khỏe và an toàn cho cả hai”.

Điểm thi Trường THCS Võ Thị Sáu (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa). Ảnh: Hà Phương
Điểm thi Trường THCS Võ Thị Sáu (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa). Ảnh: Hà Phương


Tương tự, anh Nguyễn Đình Viên (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) cũng đồng hành cùng con trong suốt ngày thi. “Từ lo lắng, sốt ruột chờ đợi, tôi như vỡ òa vui sướng khi nghe con báo làm được bài. Con tôi thích nhất môn Ngữ Văn, Tiếng Anh và Tin học nên nguyện vọng của cháu muốn thi vào ngành Công nghệ thông tin. Tôi tôn trọng và để cho cháu tự lựa chọn ngành học mình yêu thích”-anh Viên nói.

Tại TP. Pleiku, phụ huynh cũng đội mưa bên ngoài điểm thi để chờ đợi tin vui từ các sĩ tử. Tại điểm thi Trường THCS Trưng Vương (TP. Pleiku), chị Ngô Thị Kim Sen ôm chầm lấy con gái Trịnh Bích Phượng như một lời động viên tinh thần và chúc mừng con sau khi rời phòng thi. Chị tâm sự: “Dù không đặt áp lực nhưng tôi rất vui khi con hoàn thành tốt 2 môn thi đầu tiên. Hy vọng các môn thi còn lại sẽ không làm khó các thí sinh”.

2 Chị Lê Thị Kim Sen động viên con gái Trương Bích Phượng (bìa phải) sau khi hoàn thành môn Toán tại điểm thi Trường THCS Trưng Vương (TP. Pleiku). Ảnh: Phan Lài
Chị Lê Thị Kim Sen động viên con gái Trương Bích Phượng (bìa phải) sau khi hoàn thành môn Toán tại điểm thi Trường THCS Trưng Vương (TP. Pleiku). Ảnh: Phan Lài


Ngoài phụ huynh, tại 40 điểm thi trong toàn tỉnh, lực lượng thanh niên tình nguyện cũng tích cực đồng hành, sát cánh với các sĩ tử trên hành trình “vượt vũ môn”. Theo số liệu tổng hợp của Tỉnh Đoàn, trong ngày 7-7, toàn tỉnh có 1.525 tình nguyện viên tham gia chương trình “Tư vấn-Tiếp sức mùa thi” và hỗ trợ 4.672 lượt thí sinh. Trong đó, các đội hình thanh niên tình nguyện đã trao 372 suất cơm; 5.517 chai nước suối; 477 dụng cụ học tập; 2.966 chiếc khẩu trang y tế; 115 chai dung dịch sát khuẩn; 121 lượt xe ôm; bố trí 335 chỗ ở miễn phí cho thí sinh và người nhà thí sinh.

Kết thúc môn Toán thí sinh điểm thi Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Kbang) ra về trong tâm trạng thoải mái. Ảnh: Ngọc Minh
Kết thúc môn Toán, thí sinh điểm thi Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Kbang) ra về trong tâm trạng thoải mái. Ảnh: Ngọc Minh


Theo ghi nhận của P.V Báo Gia Lai điện tử, tại điểm thi Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Kbang), Huyện Đoàn Kbang đã cử 10 đoàn viên, thanh niên tham gia đội tiếp sức, đội phân luồng giao thông và đội xe ôm miễn phí. Chị Đỗ Thị Thu Hằng-Đội trưởng đội tình nguyện-thông tin: “Trong ngày, chúng tôi đã hỗ trợ các thí sinh 500 chai nước suối, 500 ly trà chanh, 250 suất bánh mì; bút và khẩu trang. Đội xe ôm đã hỗ trợ 8 lượt thí sinh về lấy giấy tờ và 1 thí sinh đi thi trễ.

Ngoài ra, Huyện Đoàn hỗ trợ 6 thí sinh (200 ngàn đồng/thí sinh) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để động viên các em trong kỳ thi”. Thí sinh Đinh Thị Lan Như cho hay: “Những ngày diễn ra kỳ thi, những thí sinh nào có nhu cầu, huyện Kbang đã tạo điều kiện nơi ăn chỗ ở tại Trường THCS Dân tộc Nội trú. Huyện còn hỗ trợ cho thí sinh có hoàn cảnh khó khăn 510 ngàn đồng/người. Nhờ có sự hỗ trợ này mà chúng em có kinh phí xăng xe, ăn uống, yên tâm thi cử”.

Các tình nguyện viên đo thân nhiệt. sát khuẩn tay cho các thí sinh tại điểm thi Trường THPT Lý Thường Kiệt. Ảnh: Vũ Chi
Các tình nguyện viên đo thân nhiệt, sát khuẩn tay cho các thí sinh tại điểm thi Trường THPT Lý Thường Kiệt. Ảnh: Vũ Chi


Nhằm tạo tâm lý tốt nhất cho các thí sinh bước vào kỳ thi, Thị Đoàn Ayun Pa cũng thành lập đội thanh niên tình nguyện gồm 28 đoàn viên, thanh niên. Công việc chính của đội là hỗ trợ đo thân nhiệt, sát khuẩn, cấp phát khẩu trang và nước uống miễn phí cho các thí sinh trước khi vào phòng thi. Trước đó, nhân lễ ra quân, Ban Chấp hành Thị Đoàn đã tặng 9 suất quà cho 9 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Tại điểm thi Trường THPT Lý Thường Kiệt, 2 cô giáo Đỗ Thị Hạ và Lê Thị Thuấn (giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng, TP. Hồ Chí Minh) đã trực tiếp đến thăm, tặng quà và kinh phí hỗ trợ 4 học sinh nghèo giúp các em có động lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt kỳ thi. Đồng hành cùng các sĩ tử tại thị xã Ayun Pa năm nay, Công ty TNHH Mười Xuân và Sân bóng Tấn Tài, Tiệm chụp hình Hùng cũng hỗ trợ miễn phí nước uống cho các thí sinh. Chị Lê Thị Nhiệm-Đoàn phường Hòa Bình (thị xã Ayun Pa)-tâm sự: “Dù đang có con nhỏ nhưng tôi vẫn tình nguyện đăng ký tham gia tiếp sức mùa thi năm nay. Số điện thoại của đội tình nguyện đều được công khai, chỉ cần các bạn thí sinh có bất cứ vấn đề gì cần giúp đỡ, chúng tôi đều sẽ hỗ trợ hết mình”.

Các thí sinh tại điểm thi Trường THCS và THPT Nguyễn Văn Cừ (huyện Chư Sê) ra về sau khi kết thúc môn Toán. Ảnh: Nguyễn Diệp
Các thí sinh tại điểm thi Trường THCS và THPT Nguyễn Văn Cừ (huyện Chư Sê) ra về sau khi kết thúc môn Toán. Ảnh: Nguyễn Diệp
Chiều 7-7, đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo do ông Võ Hoàng Duy-Phó Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Tôn Đức Thắng-làm trưởng đoàn-tiếp tục đi kiểm tra công tác tổ chức thi tại điểm thi Trường THPT Ia Ly (huyện Chư Păh).

Hòa chung không khí “tiếp sức mùa thi”, Huyện Đoàn Chư Sê cũng chỉ đạo các Đoàn Thanh niên xã, thị trấn thành lập 3 đội xe ôm hỗ trợ đưa đón, đi lại trong 2 ngày thi chính thức cho các thí sinh khó khăn ở 4 điểm trường: THPT Trần Cao Vân (xã Ia Hlốp), THCS và THPT Nguyễn Văn Cừ (xã Bờ Ngoong), THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm và THPT Trường Chinh (thị trấn Chư Sê). Đồng thời, Hội Chữ thập đỏ huyện phối hợp với chùa Mỹ Thạch (thị trấn Chư Sê) nấu cơm, phát nước uống và trái cây 3 bữa (sáng, trưa, chiều) cho 101 thí sinh nghèo, khó khăn trên địa bàn huyện.

Ngày mai (8-7), thí sinh sẽ làm 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội vào buổi sáng và kết thúc kỳ thi vào buổi chiều với môn Ngoại ngữ. Báo Gia Lai điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến quý bạn đọc.

 

Theo Hội đồng thi Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh có 13.829 dự thi môn Toán trong tổng số 13.865 thí sinh đăng ký dự thi (vắng 36 em, trong đó có 1 thí sinh F0); không có cán bộ coi thi và thí sinh vi phạm quy chế thi; có 1 cán bộ coi thi tại điểm thi Trường THPT Pleiku bị sốt nhưng vẫn đảm bảo lực lượng coi thi.

Thí sinh đội mưa đến điểm thi vào chiều 7-7. Ảnh: Đức Thụy
Thí sinh đội mưa đến điểm thi vào chiều 7-7. Ảnh: Đức Thụy

NHÓM PHÓNG VIÊN

 

Có thể bạn quan tâm