Kinh tế

Nông nghiệp

Nhiều triển vọng trong phát triển ngành hàng rau quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai có diện tích đất đỏ bazan rộng lớn, màu mỡ, điều kiện khí hậu, nguồn nước rất thích hợp cho phát triển nhiều loại cây trồng, trong đó có rau xanh. Những năm qua, các loại rau đóng vai trò tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và là nhóm cây trồng tiềm năng của một số địa phương như: Pleiku, Đak Pơ, An Khê...

Từng bước khẳng định thương hiệu

Theo thống kê, diện tích rau của tỉnh năm 2022 là 34.703 ha, tăng 7.709 ha so với năm 2018. Giai đoạn 2019-2022, diện tích rau toàn tỉnh có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,42%/năm, năng suất bình quân tăng 1,15%/năm. Năm 2022, năng suất các loại rau đạt 148 tạ/ha, tăng 11,1 tạ so với năm 2018. Sản lượng rau các loại năm 2022 đạt 513.451 tấn, tăng 143.837 tấn so với năm 2018, tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,63%/năm. Chủng loại rau xanh trên địa bàn tỉnh khá phong phú. Bên cạnh mở rộng diện tích rau, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng được doanh nghiệp và người dân quan tâm.

Để phát triển rau bền vững, nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức rà soát, đánh giá, phân tích các yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước, cơ sở hạ tầng, nhu cầu thị trường, khả năng thực hiện của người dân… để xác định, lựa chọn cây trồng phù hợp và xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển. Bên cạnh đó, các địa phương cũng chủ động liên hệ, phối hợp với các cơ sở, nhà máy chế biến rau quả trong tỉnh rà soát, đánh giá, xác định, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Bên cạnh đó, khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất để đầu tư phát triển sản xuất rau hoa, cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao; đầu tư xây dựng trung tâm sản xuất giống chất lượng cao, nhà xưởng, kho bảo quản, chế biến rau hoa, trái cây theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

Mô hình trồng rau thủy canh của Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP. Pleiku) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Lê Nam

Mô hình trồng rau thủy canh của Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP. Pleiku) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Lê Nam

Việc tổ chức sản xuất rau an toàn và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất luôn được các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân quan tâm. Cuối năm 2022, toàn tỉnh có 254,8 ha rau an toàn ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP được cấp mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tại xã An Phú (TP. Pleiku), Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú, Công ty cổ phần An Phú Hưng Gia Lai, Công ty cổ phần An Phú Thịnh Gia Lai liên kết với 79 hộ dân sản xuất rau an toàn, ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với diện tích 36,5 ha. Sản phẩm rau cung cấp cho hệ thống các siêu thị tại Gia Lai và các tỉnh, thành trong cả nước, lợi nhuận bình quân 90-100 triệu đồng/ha/vụ (1 năm bình quân trồng khoảng 5 vụ).

Tại thị xã An Khê, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Bình, Hợp tác xã Nông nghiệp-thương mại và dịch vụ Xuân An liên kết với 83 hộ dân trên địa bàn sản xuất rau an toàn, ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích trên 33 ha. Sản phẩm rau cung cấp cho thị trường Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn; lợi nhuận bình quân khoảng 110 triệu đồng/ha/vụ (1 năm bình quân trồng khoảng 4 vụ). Tại xã Tân An, Cư An (huyện Đak Pơ), Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ An Trường Phát liên kết với 46 hộ dân sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích khoảng 20 ha. Sản phẩm rau cung cấp cho thị trường Đà Nẵng, Quy Nhơn, TP. Hồ Chí Minh; lợi nhuận bình quân khoảng 80 triệu đồng/ha/vụ (1 năm bình quân trồng khoảng 4 vụ).

Chất lượng rau xanh của Gia Lai từng bước được khẳng định thương hiệu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận Rau An Khê-Gia Lai và nhãn hiệu chứng nhận Rau Đak Pơ. Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với sản phẩm rau xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời đang triển khai Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và cung ứng giống rau, hoa, cây ăn quả Tây Nguyên tại xã Cửu An, thị xã An Khê… Đây là những tín hiệu vui đối với ngành sản xuất rau của tỉnh.

Để ngành hàng rau phát triển nhanh, bền vững

Cùng với những kết quả đạt được bước đầu, việc phát triển ngành hàng rau của tỉnh vẫn còn những hạn chế, bất cập. Việc hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu rau có chất lượng, đủ số lượng, đủ chủng loại để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, cung ứng cho các siêu thị lớn chưa được thực hiện hiệu quả. Tổ chức liên kết sản xuất rau, quả giữa các huyện, thị xã, thành phố còn hạn chế. Chất lượng nguyên liệu rau không đều giữa các vùng sản xuất; vùng nguyên liệu thiếu ổn định và sản xuất thiếu bền vững. Cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch còn hạn chế. Mối liên kết trong phát triển vùng nguyên liệu rau được kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm hoặc kiểm soát theo các tiêu chuẩn quốc tế gắn với các cơ sở, nhà máy chế biến còn hạn chế, chưa đồng bộ. Đầu tư vào chế biến, bảo quản rau chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất lúc cao điểm mùa vụ thu hoạch và chưa giảm nhanh tổn thất sau thu hoạch.

Chất lượng rau xanh của Gia Lai từng bước được khẳng định thương hiệu. Ảnh: Phương Vi

Chất lượng rau xanh của Gia Lai từng bước được khẳng định thương hiệu. Ảnh: Phương Vi

Để nâng cao giá trị sản xuất ngành hàng rau quả, trong thời gian đến, tỉnh cần thực hiện hiệu quả chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng rau, cây ăn quả. Hình thành, phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật.

Cùng với đó, xác định các vùng nhằm phát triển vùng nguyên liệu rau, quả gắn với cơ sở, nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng, đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để có thể thu hoạch rải vụ, khắc phục và hạn chế tính thời vụ. Tập trung xây dựng, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất rau, quả hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo nguyên liệu có chất lượng và an toàn thực phẩm cho hoạt động sơ chế, chế biến, xuất khẩu.

Thực hiện từng bước chuyển đổi số trong sản xuất rau, quả dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu về đất đai, cây trồng, môi trường, thời tiết để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm rau, quả hàng hóa có thế mạnh của tỉnh. Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển các hình thức liên kết trong sản xuất rau theo chuỗi từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sản xuất, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng kinh tế.

Đẩy mạnh hoạt động bảo hộ, khai thác, phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm rau, quả của tỉnh dưới các nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý. Tăng cường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá du lịch nông nghiệp, gắn phát triển du lịch nông nghiệp với việc tổ chức các hoạt động, chương trình công bố giới thiệu rau, quả tươi và sản phẩm chế biến từ rau, quả.

Có thể bạn quan tâm