Kinh tế

Nhiều vướng mắc trong thực hiện Đề án tái canh cây cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để triển khai Đề án tái canh cây cà phê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, huyện Ia Grai đang tiến hành công tác đăng ký, thống kê số diện tích cần tái canh. Tuy nhiên qua ghi nhận thực tế cho thấy một số quy định để được hỗ trợ vay vốn tái canh khó có khả năng thực hiện kịp thời.

Huyện Ia Grai có gần 17 ngàn ha cà phê, trong đó có hơn 3 ngàn ha đã già cỗi, năng suất thấp. Sau khi triển khai Đề án tái canh cây cà phê được đưa về địa phương để người dân đăng ký vay vốn tái canh thì đã có gần 100 hộ dân đăng ký, với trên 1.000 ha. Hầu hết các hộ dân đăng ký đều rất nhiệt tình hưởng ứng với chủ trương hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ ngân hàng để thực hiện tái canh những vườn cà phê lâu năm.
 

Chăm sóc cây cà phê. Ảnh: L.A
Chăm sóc cây cà phê. Ảnh: L.A

Tuy nhiên, theo quy định để tham gia chương trình tái canh, người dân cũng đang cảm thấy khó khi phải thực hiện các thủ tục nghiêm ngặt như: xét nghiệm đất để xác định tình trạng đất, các loại nấm bệnh; chứng minh về nguồn gốc xuất xứ của giống cà phê khi đưa vào tái canh... Qua khảo sát và nhận định của cơ quan chuyên môn những quy định này rất khó có thể thực hiện được vì mất thời gian và người dân đã quen với phương thức sản xuất cũ, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai chia sẻ: “Với người dân mà bắt phải đi xét nghiệm đất rất khó, kể cả việc chứng minh nguồn gốc cây giống cũng vậy. Lâu nay người dân đã quen với việc tự ươm giống, tự trồng, bây giờ phải chứng minh bằng giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ khó thực hiện được. Trong khi Trung tâm Giống cây trồng của tỉnh hiện tại cũng chưa đáp ứng được nhu cầu về cung cấp giống cho Đề án tái canh…”.

Còn về phía Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai, đơn vị chịu trách nhiệm giải ngân để triển khai thực hiện chương trình tái canh trên địa bàn huyện cũng bày tỏ sự băn khoăn về một số quy định thủ tục điều kiện cho vay. Ông Vũ Đình Thông-Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai cho biết: “Nếu quy định người dân thực hiện đầy đủ các yêu cầu, điều kiện như vậy sẽ ảnh hưởng đến thủ tục, thời gian giải ngân vốn của ngân hàng. Vì vậy, nên chăng có thể giảm bớt một số quy định như: giao cho người dân tự chịu trách nhiệm về giống, đưa cán bộ trực tiếp đến địa phương kiểm tra chất đất... Có như vậy mới đảm bảo kịp thời thủ tục để ngân hàng giải ngân vốn vay”.
 

Ảnh: Nguyên Võ
Ảnh: Nguyên Võ

Cũng theo quy định, để thực hiện tái canh cây cà phê, trong thời gian 2 năm đầu phải luân canh một số loại hoa màu khác để cải tạo đất, sang năm thứ 3 mới thực hiện trồng mới. Mất đi nguồn thu nhập chính hàng năm và phải chờ đợi trong một thời gian dài cũng là điều mà nhiều hộ dân đang rất lo lắng. Ông Hồ Văn Hùng, xã Ia Yok, huyện Ia Grai băn khoăn: “Tái canh vườn cà phê già cỗi là việc phải thực hiện vì năng suất rất kém. Nhưng trong thời gian tái canh kinh tế gia đình cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, nên để trồng các loại cây gì nhằm cải tạo đất và đảm bảo thu nhập cũng là vấn đề mà người dân chúng tôi rất cần sự tư vấn, hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn...”.

Đề án tái canh cà phê của Bộ Nông nghiệp và PTNT là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với mục tiêu hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả. Thế nhưng với những khó khăn, vướng mắc về thực hiện các quy định thủ tục rất có thể sẽ tác động gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ, kế hoạch triển khai thực hiện của chương trình này.

Hạ Vy

Có thể bạn quan tâm