Điểm đến Gia Lai

Nhịp sống mới ở làng căn cứ cách mạng Bi Gia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 1 năm triển khai xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số theo Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, diện mạo làng Bi Gia (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đã có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện, an ninh trật tự được đảm bảo.
Buôn làng thay áo mới
Chúng tôi trở lại làng Bi Gia khi những con đường bê tông nối liền các nếp nhà đã hoàn thành, thay cho con đường đất “nắng bụi, mưa bùn” trước đây. Ít ai biết rằng, cách đây hơn 1 năm, một bộ phận dân cư làng Bi Gia còn sống trên núi cách nơi ở hiện tại hơn 2 km. 90% cư dân là người Bahnar vốn quen sống khép kín, tự cung, tự cấp là chủ yếu nên cái đói cái nghèo cứ đeo bám mãi. Cả làng có hơn 100 hộ thì có tới hơn 50% thuộc diện hộ nghèo.
Diện mạo làng Bi Gia đang thay đổi từng ngày. Ảnh: Vũ Chi
Ông Nguyễn Minh Thái-Phó Chủ tịch UBND xã Pờ Tó-cho hay: Chương trình xây dựng làng nông thôn mới tại Bi Gia bắt đầu triển khai từ tháng 9-2019. Theo đề án, có 54 hộ phải di dời từ nơi ở cũ về khu tái định cư.
Nhằm giúp bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống, mỗi hộ dân được cấp 450 m2 đất ở và đất vườn. Các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn huyện phối hợp với Quân đoàn 3 huy động lực lượng hỗ trợ người dân di dời nhà cửa về nơi ở mới đảm bảo an toàn. Ngoài ra, tất cả các tuyến đường nội thôn đều được bê tông hóa. Hiện các công trình cấp nước tập trung và hệ thống điện đang được triển khai, phấn đấu hoàn thiện trong năm 2020.
“An cư lạc nghiệp”, có nhà ở kiên cố, bà con yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế. Có những gia đình trước đây 3 thế hệ cùng chung sống trong căn nhà rộng chưa đến 15 m2 giờ được cấp đất, hỗ trợ làm nhà ở.
Hộ anh Đinh Dip là một trong số đó. Thuộc diện hộ nghèo của xã, cả gia đình 21 người sống chen chúc trong căn nhà tạm có diện tích chỉ... 14 m2. Nay về khu tái định cư, gia đình anh được tạo điều kiện tách khẩu, được cấp đất làm 2 ngôi nhà. Cảnh sống ngột ngạt trước đây không còn nữa. Anh nói: “Có nhà mới rồi, mình mừng lắm. Từ nay, vợ chồng mình sẽ cố gắng làm ăn, vươn lên thoát nghèo”.
Nâng cao chất lượng đời sống người dân
Hiện Bi Gia có 166 hộ với 906 khẩu, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp với trình độ hạn chế nên đời sống còn nhiều khó khăn. Nhằm hỗ trợ sinh kế cho bà con, UBND xã Pờ Tó phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cấp 100 con dê giống cho 50 hộ dân vừa dời về nơi ở mới với tổng kinh phí 400 triệu đồng. Ngoài được tập huấn hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, bà con còn được hướng dẫn cách trồng cỏ, đảm bảo thức ăn cho vật nuôi, hạn chế chăn thả rông để đỡ công chăn dắt, lại đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhờ vậy, đàn dê sinh trưởng và phát triển tốt.
Tham gia mô hình “Mỗi hộ một vườn rau xanh”, các hộ còn được hỗ trợ hạt giống và hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng. Chị Đinh H’Hong vui mừng cho biết: “Được chị em trong Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hướng dẫn, mình trồng được vườn rau nhỏ để có nguồn rau sạch cải thiện bữa ăn hàng ngày, còn dư thì đem bán kiếm thêm thu nhập”. Nhằm tập hợp những người cùng sở thích trong sản xuất, làng Bi Gia đã thành lập 8 tổ sản xuất chung để có điều kiện học tập, chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau phát triển kinh tế.
Anh Đinh Huynh (bìa trái) mua máy xới, công nông phục vụ sản xuất, giảm chi phí đầu tư. Ảnh: Vũ Chi
Nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ dân tại làng Bi Gia đã vươn lên thoát nghèo, có hộ còn trở thành điển hình sản xuất kinh doanh giỏi như hộ anh Đinh Huynh. Anh Huynh cho biết: “Trước đây, phương thức canh tác lạc hậu nên năng suất, sản lượng không cao. Được Hội Nông dân xã hướng dẫn, tôi lắp đặt hệ thống tưới nước bằng béc phun trên diện tích 5 ha mì nên năng suất cao hơn hẳn. Thu nhập tăng cao giúp tôi có điều kiện mua máy cày, xe công nông phục vụ sản xuất. Với 5 ha mì, 5 ha lúa và máy xay xát gạo, mỗi năm gia đình tôi thu nhập trên 300 triệu đồng”.
Trao đổi với P.V, ông Trần Văn Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa-cho hay: Sau 1 năm triển khai xây dựng làng nông thôn mới, Bi Gia đã có những bước tiến rõ rệt. Tuy nhiên, để giúp làng về đích nông thôn mới, các cơ quan, ban, ngành cần chung tay hỗ trợ về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Bên cạnh đó, các ban ngành cần vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm