Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Nhớ hương bánh Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Dưới mái nhà của biết bao gia đình Việt, những giá trị văn hóa truyền thống ngàn đời được gìn giữ, bồi đắp. Dù bao năm tháng qua đi, hình ảnh tuổi thơ quây quần bên bếp lửa, canh nồi bánh chưng vẫn luôn thân thuộc và thiêng liêng trong tâm thức của mỗi người, là cả bầu trời thương nhớ nôn nao khi Tết về.

Lướt qua chợ phố những ngày cuối năm tấp nập mua bán, trong nắng ánh vàng của liễn treo đào, mai lấp lánh một góc đường, nối tiếp là xanh mướt của bó lá dong, lá chuối, nhánh sung, đu đủ, mãng cầu, chợt thấy thấp thoáng nét chợ quê giữa lòng phố. Có những thói quen, nhắc ta nhớ cả một thời.

Đã qua cái thời khốn khó, giờ đây, cỗ lớn, tiệc ngon dường như cả năm không thiếu. Cả năm đã vất vả ngược xuôi, nên người ta vẫn bảo nhau “Tết là để nghỉ ngơi”. Nhưng lạ kỳ, trong tâm trí tôi vẫn cứ thèm được tất bật như xưa, nhớ nồi bánh chưng xanh ngày Tết.

Ảnh: Hồ Anh Tiến
Bên nồi bánh Tết. Ảnh: Hồ Anh Tiến


Thế rồi, tôi bật dậy, đi lựa từng cái lá dong, rồi nhâm nhi cảm giác hạnh phúc ngồi ngắm nhìn bọn trẻ nhỏ thích thú lau từng chiếc lá. Chợt thấy hiện về hình ảnh của chính mình thuở bé thơ, háo hức trông chờ ngày cả nhà quây quần gói bánh. Những hạt đỗ xanh vàng ươm được đãi cẩn thận, rửa sạch nằm gọn trong rổ, từng thớ thịt ba chỉ đầy đặn được ướp tẩm thơm mùi tiêu, hành xếp cạnh thau gạo nếp trắng ngần đã ngâm no nước, xóc thêm chút muối cho đậm đà.

Tất cả đã chuẩn bị xong, cả nhà quây quần trên chiếc chiếu. Người lớn thoăn thoắt xếp lá, gói bánh. Những chiếc bánh ngon, đẹp mắt, lá cũng phải được xếp cầu kỳ. Những tấm lá to đặt ở ngoài cùng, lá nhỏ xếp ở trong cùng. Mặt sẫm của lá lại được quay vào trong để khi chín bóc ra sẽ thấy màu xanh in trên mặt bánh. Gạo, đỗ, thịt được xếp đầy, gói vuông thành sắc cạnh, minh chứng cho sự khéo léo của đôi bàn tay. Bên cạnh là tiếng trẻ nhỏ ríu ran, nghe kể sự tích bánh chưng, bánh dày chất chứa ý nghĩa sâu xa về lòng hiếu nghĩa.

Củi lửa đốt lên, bập bùng trong những đêm cuối tháng Chạp, xua đi cái lạnh lẽo, bất an, bộn bề. Gió lạnh, bên bếp lửa, nồi bánh sôi quyện mùi nếp mới quyện với mùi lá chuối, tỏa hương ngào ngạt. Nồi bánh chưng xanh cuối năm là niềm an lành của người lớn và háo hức của trẻ nhỏ trong nhà. Trong nhà rộn ràng nói cười, Tết cũng đã về ngay tới ngõ rồi.

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Tất cả như hòa quyện vào nhau để cùng mang đến một cái Tết thấm đượm nét văn hóa Việt ở khắp mọi nơi. Những chiếc bánh chưng xanh đã trở thành phong vị không thể thiếu của ngày Tết cổ truyền của dân tộc, là nét đẹp của mỗi nếp nhà cần được giữ gìn cho thế hệ mai sau.

NHÂM ANH

Có thể bạn quan tâm