Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Nhớ lắm củ mì!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhà có đám đất bên rìa làng chủ yếu để trồng màu. Cặp bên hông ruộng là cái bờ đất bự chảng. Bờ bỏ hoang cỏ mọc rậm rịt, mọc lan xuống ruộng nhổ hoài không dứt. Mỗi bận đi làm, mẹ cứ ngắm đi ngắm lại cái bờ cỏ, nhăn trán nghĩ suy. Nghĩ chán chê rồi mẹ đột ngột phán: “Cuốc trồng mì thôi, để chi sinh cỏ lại còn phí đất!”.
Nói là làm. Hôm sau, mẹ “điều động” cả nhà mỗi người một tay xúm lại cuốc đất dọn cỏ. Chuột bọ côn trùng trong đám cây mắc cỡ lâu năm nghe động bổ ra, nháo nhào lớp bay, lớp chạy. Đông người vậy cũng phải mất nguyên ngày mới vỡ hoang xong cái bờ đất. Mồ hôi ròng ròng nhưng nhìn thành quả kể cũng đáng công. Ai đi qua cũng dừng bước tấm tắc: “Ui da, nhà bà Hai giỏi dữ. Có thêm đất trồng rồi”.
Cái bờ đất rộng rinh sau khi dọn xong mẹ đem trồng mấy hàng mì. Đất mới, cây mì lên tốt rợp. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã được bảy, tám tháng. Sắp vào mùa mưa. Những thân cây mì bắt đầu cằn cỗi, xuống lá. “Nhổ thôi, không để mưa xuống củ mì chạy bột hết”-mẹ bảo. Anh em chúng tôi chỉ chờ có vậy. Tinh mơ, cả nhà khệ nệ mang quang gánh, thúng mủng kèm theo mấy cái cuốc ra đám mì. Thu hoạch mì không đào mà nhổ. Dùng cuốc dạt sơ lớp đất mặt xung quanh gốc cho đến lúc củ mì sắp ló dạng, xong ba đứng choãi chân, hai tay bấu chặt thân cây mì ra sức nhún nhún. Ái dà, nặng quá, phải cần anh Hai xúm phụ. Bùng bục, bùng bục, đất xung quanh gốc mì trồi lên sụt xuống, từ từ vỡ ra theo sức nhổ của bốn cánh tay lực lưỡng. “Rạo” một phát, gốc cây mì cuối cùng cũng bật lên. “Trời, lúc nhúc củ, củ nào củ nấy mập căng, dài hàng nửa mét. Đất tốt quá”-ba quệt mồ hôi ròng ròng cười thỏa mãn. Mẹ đương nhiên mặt mày còn rạng rỡ hơn, bởi cái dự án “vỡ hoang bờ đất trồng mì” là do mẹ nghĩ ra mà!
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Chỉ mỗi cái bờ đất ấy thôi mà nhổ tới mấy gánh củ mì. Đang thời kinh tế khó khăn, số củ mì tăng gia kia đã giúp gia đình đông miệng ăn đỡ biết bao nhiêu tiền gạo. Không lo ngán, bởi củ mì có thể chế biến rất nhiều món. Thông thường nhất là nấu ăn tươi hoặc ghế cơm. Cũng có thể chế biến thành thức ăn bằng cách đem dạt mỏng nấu canh tép hoặc tôm nêm lá hẹ. Vậy nhưng “trường kỳ” ăn lâu ngán nhất vẫn là món bột mì đem làm bánh, nấu chè hoặc đơn giản chỉ là nhồi nước, ép thành bánh mỏng cho vào nồi hấp. Bánh bột mì ăn nhiều có hơi khó tiêu, nóng ruột; nhưng kệ đi, thời buổi khó khăn, có món bánh trong nhà để lai rai ăn vặt là mừng rồi.
Lâu lắm rồi tôi không ăn củ mì. Mẹ tôi giờ đã thành người thiên cổ. Khoảnh đất thổ lẫn bờ đất mẹ trồng mì ngày xưa giờ nằm sâu dưới những ngôi nhà cao tầng mới mọc sau khi địa phương quy hoạch mở rộng khu dân cư. Bể dâu chưa hết kiếp người đã diễn ra nhanh quá! Lan man chợt nghĩ: Không biết nếu mẹ giờ còn sống nhìn cảnh ấy mẹ sẽ vui hay buồn?
Y NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm