Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Nhớ lần thăm họa sĩ Xu Man

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cố họa sĩ Xu Man là người nổi tiếng không chỉ của Gia Lai nên nhiều người biết và có kỷ niệm với ông. Bản thân tôi cũng có một vài kỷ niệm nho nhỏ với ông, không chỉ về những bức tranh ông vẽ.
Khoảng năm 1995, tôi và nhà báo Nguyễn Chương (hiện là phóng viên Báo Tuổi Trẻ) rủ nhau về thăm họa sĩ Xu Man. Khi ấy, chúng tôi đều vừa chân ướt chân ráo về Báo Gia Lai công tác. Đã nghe nhiều về sự tài hoa của họa sĩ Xu Man, nhưng chúng tôi càng tò mò hơn khi đôi lần về huyện Mang Yang quê ông còn nghe kể rằng ông đẽo tượng nhà mồ rất có hồn. Dò hỏi để đến thăm ông thì mấy anh chị em ở Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai khi ấy nói ông đã chuyển về làng sinh sống.
 Chân dung họa sĩ Xu Man lúc sinh thời. Ảnh: Trần Phong
Chân dung họa sĩ Xu Man lúc sinh thời. Ảnh: Trần Phong
Bữa ấy, chúng tôi mượn của đồng nghiệp được chiếc xe Honda 50 chạy về Plei Bông (xã Ayun, huyện Mang Yang). Rất may, hỏi nhà ông ai cũng biết, một vị là Phó Chủ tịch UBND xã bấy giờ còn dẫn chúng tôi đến tận nhà. Hôm đó, ông Xu Man không khỏe lắm. Nghe có khách đến thăm, ông gượng ngồi dậy bắt tay hỏi chuyện rồi lại nằm xuống bên bếp lửa. Câu chuyện không đầu không cuối, rồi lại xoay quanh việc đẽo tượng nhà mồ của người Bahnar quê ông. Ông bảo, nhiều gia đình trong làng thường nhờ ông tạc tượng cho các nhà mồ khi có lễ pơ thi (bỏ mả). Nhưng điều ông trăn trở nhất khi về làng sinh sống là cần hướng dẫn cho lớp trẻ biết ý nghĩa và biết cách đẽo tượng gỗ. Tôi nhớ khi ấy nhà báo Nguyễn Chương đã ghi âm cuộc chuyện trò và rất lấy làm tâm đắc về những triết lý nhân sinh của tượng nhà mồ Tây Nguyên.
Mãi đến giờ, hình ảnh họa sĩ Xu Man hôm ấy vẫn nguyên vẹn trong tâm trí tôi. Tôi không thể quên dáng đi liêu xiêu của ông khi gạt qua nỗi mệt nhọc để đưa chúng tôi đi thăm khu vườn tượng của mình. Khuôn mặt ông đầy biểu cảm khi giải thích về hình dáng, về các tư thế phồn thực hay niềm vui, nỗi buồn của những bức tượng mà nghệ nhân muốn thể hiện. Thật tình, khi ấy chúng tôi chưa hiểu sâu lắm lời ông nói nhưng cảm nhận rất rõ tấm lòng của một nghệ sĩ đối với nghệ thuật đẽo tượng nhà mồ của dân tộc mình. Chính từ lần gặp gỡ ấy, mỗi lần về với các làng đồng bào Bahnar, tôi thường dành thời gian sưu tập ảnh tượng nhà mồ nhằm tìm hiểu thêm về nét văn hóa đặc sắc của người Tây Nguyên. Sau lần ấy, tôi cũng để tâm tìm hiểu về tranh của họa sĩ Xu Man được trưng bày và lưu trữ ở các bảo tàng, nhất là Bảo tàng tỉnh. Từ đây, tôi đã viết bài báo “Tranh Xu Man rồi sẽ mất” để nâng cao nhận thức về bảo tồn tranh của người nghệ sĩ tài hoa này.
Hiện nay, một số nhà sưu tầm, nghiên cứu nghệ thuật, văn hóa và di sản ở Gia Lai đã dày công sưu tập và tổ chức những triển lãm tranh của họa sĩ Xu Man. Gần đây nhất là triển lãm “Họa sĩ Xu Man-Những gì còn lại” tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) trong khuôn khổ Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 và triển lãm tranh “Xu Man-Người An Khê xưa” tại Bảo tàng Tây Sơn Thượng đạo vào đầu năm 2019. Điều này thật đáng trân trọng và đáng quý. Nhưng nhắc đến Xu Man, tôi vẫn thấy thiếu một cái gì đó để làm nên một phác họa thật đầy đủ về chân dung ông. Phải chăng đó là do sự thiếu vắng những bức tượng do chính tay Xu Man điêu khắc? (xin thông cảm nếu sự hiểu biết của tôi còn hạn hẹp, không rõ đã có ai sở hữu bộ sưu tập các tượng gỗ của họa sĩ Xu Man ở Gia Lai hay chưa). Cũng cần nói thêm rằng, ông Xu Man còn là một già làng mẫu mực, người tích cực hiến đất làm đường và vận động bà con Plei Bông chung tay xây dựng quê hương.
Nhắc đến họa sĩ Xu Man, mỗi người sẽ có một “lát cắt” kỷ niệm riêng. Như anh Đoàn Minh Phụng-nguyên Tổng Biên tập Báo Gia Lai chẳng hạn. Dù khi còn đương chức hay lúc đã nghỉ hưu, nếu có dịp về huyện Mang Yang, lần nào anh cũng tự tay mua bánh kẹo, cả rượu nữa vào thăm nhà cố họa sĩ Xu Man. Đôi lần anh rủ tôi cùng đi. Bánh kẹo thì chia cho lũ trẻ vây quanh, rượu thì gọi con cháu vào cùng uống trong căn nhà cố tri. Tôi hiểu, họa sĩ Xu Man vẫn luôn còn đó, trong tâm tưởng của rất nhiều người.
 QUỐC NINH

Có thể bạn quan tâm