Xã hội

Đời sống

Nhớ mưa rừng và chiếc móc võng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những cán bộ, chiến sĩ quân-dân-chính ở rừng và trải qua những tháng ngày ròng rã dưới mưa, lúc thì ào ào trút nước trong những cơn giông mùa khô ập tới, khi rả rích suốt ngày đêm của mùa mưa Tây Nguyên. Vào mùa mưa, bầu trời xám xịt, úp lên những cánh rừng xanh thâm u, cứ như từ đâu có đấng vô hình nào đó chực chờ đổ nước xuống mặt đất không giờ phút ngơi nghỉ. Và, chuyện ngủ rừng giữa những đêm mưa của anh em chúng tôi thật đáng nhớ.

Móc võng là gì?

Bất luận khi đi công tác hay lúc ở cơ quan đơn vị, mà chưa kịp làm lán trại để trú tạm nắng mưa, thì cùng với bao thứ bà rằn cá nhân trong chiếc ba lô con cóc, chúng tôi còn phải có tấm ni lông và võng. Đó là tấm vải tráng nhựa mỏng hoặc loại ni lông đi mưa, bạt, nhưng phải gọn nhẹ, dễ gấp mà diện tích lớn, dài 3 m, rộng 1,5 m. Còn võng là vải ka ki, vải dù... tùy điều kiện và được bộ phận hậu cần cấp phát, 2 đầu được may rất chắc chắn, để luồn dây dù qua. Mắc võng ở rừng để tránh nước mưa chảy leo từ “cây chủ” xuống ướt võng thì không thể ngủ được. Bởi vậy cần phải có vật cản nước và vật ấy chính là cái móc võng.

Móc võng có thể làm bằng những vật liệu khác nhau trong điều kiện có thể, từ cành cây, cây le có mắt hoặc đúc bằng nhôm, uốn bằng sắt... Ảnh minh họa

Móc võng có thể làm bằng những vật liệu khác nhau trong điều kiện có thể, từ cành cây, cây le có mắt hoặc đúc bằng nhôm, uốn bằng sắt... Ảnh minh họa

Móc võng có thể làm bằng những vật liệu khác nhau trong điều kiện có thể, từ cành cây, cây le có mắt hoặc đúc bằng nhôm, uốn bằng sắt... Nhưng móc võng tốt nhất vẫn là loại đúc bằng nhôm. Tuy ở rừng nhưng nguyên liệu nhôm không thiếu. Chúng tôi lấy nó từ vỏ bom napalm của Mỹ ném xuống khắp núi rừng, đây là loại vũ khí lợi hại mà quân đội Mỹ dùng để hủy diệt lực lượng đối phương, kể cả người dân vô tội. Năm 1972, Nick Út chụp bức ảnh em bé Phan Thị Kim Phúc (thường được biết đến với tên gọi “Vietnam Napalm Girl”-bé gái Việt Nam bị bom napalm) và những em bé khác gào khóc chạy ra đường dưới trận bom napalm của Mỹ tại Trảng Bàng, Tây Ninh. Ngay hôm sau, bức ảnh được đăng tải trên trang nhất khắp các tờ báo xuất bản ở nước Mỹ, gây chấn động thế giới. “Em bé Napalm” đã cho cả thế giới thấy sự thật về cuộc chiến mà Mỹ đang thực hiện tại Việt Nam vào thời điểm đó, chiến tranh đã tấn công phụ nữ và trẻ em như thế nào.

Về chuyện “sản xuất” móc võng, khi đã có vật liệu, chúng tôi cắt những miếng sắt mỏng, có thể là vỏ lon sữa bò, vỏ đồ hộp... làm khuôn để đúc móc. Khuôn có nhiều mẫu nhưng đẹp, bền và tiện lợi nhất vẫn là loại hình cong chữ S, để móc một đoạn dây (dây võng) vào một bên, buộc nó vào thân cây, đầu ngược lại cũng có một đoạn dây võng để móc và buộc vào võng. Làm vậy, khi nước mưa từ thân cây mắc võng theo dây võng chảy xuống, sẽ theo đoạn cong hình chữ S của móc võng mà rơi thẳng xuống đất, không thể thấm vào võng được. Hơn thế, kiểu móc võng này còn có tác dụng, khi có sự cố bất thường, lệnh di chuyển chỗ ngủ đột ngột đưa ra của cấp trên hoặc khi đối phương tập kích, chỉ cần một động tác nhỏ, gỡ võng khỏi thân cây và xếp võng gọn gàng, an toàn rút lui. Khi đã có khuôn, nhôm được cắt nhỏ cho vào “nồi” đun chảy và rót vào khuôn, khi nguội, gỡ ra, chỉ cần dùng dũa sắt làm nguội đôi chút sẽ trở thành móc võng như ý.

Kỹ năng sống ở rừng

Một trong những kỹ năng ấy là biết cách làm những công cụ sinh hoạt cho mình, cho đồng đội, mà “chế tạo” móc võng là một việc như thế. Trong một tập thể cơ quan, đơn vị, không phải ai cũng thành thạo mọi việc, có người rất giỏi săn bắn thú rừng để cải thiện bữa ăn, có người lại giỏi thả lưới, giăng câu, mò cua bắt ốc ở sông suối, hái rau, hái quả, bẻ măng, tìm nấm.

Ở Huyện đội K8 (An Khê) có anh Chín Thung vốn khéo tay hay làm. Lúc rảnh việc là anh bắt tay vào làm mọi thứ có thể, từ những mảnh nhôm vỏ bom napalm nhặt được, anh “chế tạo” ra đủ thứ đồ dùng, từ chén, bát, muỗng đến xoong nồi, móc võng. Cũng có vài người làm được móc võng, nhưng móc võng của anh Chín Thung làm ra là đẹp nhất, chắc chắn nhất. Tôi và nhiều người trong đơn vị rất thích móc võng do anh làm. Khi anh làm, tôi và mấy bạn lính trẻ hay quanh quẩn ở bên để may ra anh có sai bảo điều gì giúp anh, hy vọng anh sẽ tặng cho một đôi móc võng. Và tất nhiên, chúng tôi được anh quan tâm hàng đầu. Giờ thì anh Chín Thung đã qua đời vì bạo bệnh tái phát do hậu quả của chiến trường, của ngục tù giặc thù để lại.

Chuyện ở rừng ngày xưa của những người đi kháng chiến chống giặc ngoại xâm có nhiều điều để nhớ, để kể. Chuyện về những cái móc võng là một trong số đó, khi nhắc nhớ lại chuyện cũ, những người trong cuộc như chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động. Võng là vật dụng trong các gia đình ở nông thôn xứ ta, mỗi người sinh ra và lớn lên ở quê gắn liền với ca dao tục ngữ từ lời ru của bà, của mẹ, của chị từ trên chiếc võng đong đưa trong ngôi nhà mái tranh vách đất và võng theo chúng ta suốt cả cuộc đời, theo những chiến sĩ vào chiến trường đạn bom gian khổ ác liệt. Vì thế, khi nhắc tới võng sao chẳng làm lòng người xao xuyến, nhớ nhung về bao ký ức.

Ngày nay, võng cũng như cái móc võng được sản xuất hàng loạt đã thay thế những cái võng và móc võng ngày xưa. Nhưng trong ký ức người viết bài này thì võng ngày xưa ấy chưa bao giờ phai mờ.

Có thể bạn quan tâm