Điểm đến Gia Lai

Nhớ thời thanh xuân sôi nổi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khổ cực trăm bề, nhưng cuộc sống và công việc dạy học ở vùng đồng bào dân tộc Jrai những năm ấy như một liều thuốc thử thách lòng nhiệt thành tuổi trẻ đã mang lại cho chúng tôi nhiều điều bổ ích. Để hôm nay, mỗi khi có dịp gặp nhau, ai cũng bồi hồi nhắc nhớ về những kỷ niệm thân thương của một thời thanh xuân sôi nổi. 
1. Sau ngày giải phóng, lứa học sinh thi xong tốt nghiệp cấp III như tôi được tin Trường Cao đẳng Sư phạm Quy Nhơn tuyển giáo viên miền núi, chúng tôi nộp hồ sơ và được chọn vào học khóa I, đầu năm 1976. Nhà trường bấy giờ có 5 lớp Văn, 2 lớp Sử Địa, 3 lớp Hóa Sinh và 4 lớp Toán Lý, giáo sinh sau khi ra trường sẽ công tác ở các tỉnh từ Quảng Nam-Đà Nẵng vào đến Thuận Hải (Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay) cùng 2 tỉnh Bắc Tây Nguyên.
Ngày ra trường, tất cả giáo sinh thuộc các lớp dành cho Tây Nguyên đều được phân bổ về 2 tỉnh Gia Lai-Kon Tum và Đak Lak. Cực khổ trăm bề những ngày tháng ấy. Các bạn cùng lớp tỏa khắp vùng: Nguyễn Trung Thành dạy Đak Gley, Võ Quốc Trà dạy Đak Min, Văn Châu dạy Đak Tô…
Riêng tôi, may mắn được về dạy bổ túc văn hóa cho giáo sinh Trường Sư phạm Mẫu giáo tỉnh, lúc này đóng ở thị xã Kon Tum. Cùng khóa về dạy tại đây còn có Trần Văn Thức, Nguyễn Mộng Hoàng và một thầy giáo cấp I nữa tên Trạch. Trường do thầy Phan Châu-Trưởng phòng Đào tạo (Ty Giáo dục Gia Lai-Kon Tum) kiêm hiệu trưởng.
Thầy Châu quê ở Khánh Hòa, là giáo viên dạy Sử cấp III từ ngoài Bắc chuyển vào. Trong phòng làm việc của thầy có một chiếc tủ gỗ, bên trong là cả một gia tài lớn đối với số giáo viên trẻ chúng tôi: trong đó luôn luôn có vài hộp sữa đặc, vài ổ bánh mì.
Thầy Châu thích đánh cờ tướng. Biết tôi chơi cờ kha khá nên hay được đồng nghiệp “cử” tối tối sang rủ thầy đánh. Ván đầu tôi thắng, ván sau chủ động thua rồi lại thắng. Cứ thế, quần nhau chừng 3-4 ván thì kêu đói bụng để... thầy Châu lấy bánh mì ra ăn với sữa. Và chỉ chờ có vậy, cánh giáo viên trẻ sẽ giả vờ mò đến xem đánh cờ, chủ yếu là… ăn ké!
2. Khóa mẫu giáo năm ấy tốt nghiệp, nhà trường có giáo viên chính quy về dạy nên số giáo viên bổ túc cũng tản. Tôi và Hoàng được phân công về huyện Chư Păh (nay là huyện Ia Grai), sau đó Hoàng về xã Ia Pếch, tôi về xã Ia Grai (nay là xã Ia Tô).
Tháng 8-1977, mưa dầm suốt tháng. Tôi đeo ba lô từ Pleiku lên huyện. Đường đất bùn lầy trơn như mỡ. Đi từ sáng sớm nhưng mãi trưa mới đến nơi, trình quyết định xong lại tiếp tục đi bộ ngược lên hướng Tây về phía biên giới để về xã cách thị trấn huyện 16 km. Đoạn đường này mới khủng khiếp làm sao bởi bùn ngập đến gần đầu gối, mỗi lần bước tới rút chân lên cứ nghe như thụt tay vào hang cua rút ra.
Tôi đi cùng với Nhân là giáo viên xóa mù chữ. Chạng vạng mới tới địa phận thôn 2. Nhân đưa tôi ghé vào nhà chú Hậu kiếm cơm ăn. Chú dân Quy Nhơn đi kinh tế mới nên tôi cũng bớt ngượng ngùng. Nhân nói nhỏ với tôi: “Mầy không ăn thì chút nữa lên trường là nhịn đói đó!”.
Hiện nay, công tác dạy và học trên địa bàn huyện Ia Grai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: Hồng Thi
Quả thật, khi về đến trường trời đã tối mịt, nhìn ngọn đèn dầu nhỏ leo lét mà lòng ngán ngẩm vô cùng. Gặp Hiệu trưởng Phạm Đình Bài, cầm giấy quyết định của tôi xong, chẳng hề hỏi xem tôi đã ăn uống gì chưa, cũng không chỉ cho tôi ngủ nghỉ, thoáng cái anh đã lỉnh đi đâu mất. Giận thật! Một thời gian sau tôi mới biết, hôm ấy trường cũng chưa mua được gạo về nên anh Bài cứ giả vờ như… không thấy có giáo viên mới là tôi về nhận nhiệm vụ!
Sáng hôm sau, tôi gặp 2 người bạn cùng khóa là anh Đặng Quang Vinh và Trần Ngọc Sinh đưa học sinh từ xã Ia Krai cách đó gần 20 km về nhận sách vở. Mấy chục em Jrai lem luốc, đóng khố, đeo gùi, đi chân đất. Sau này mới biết thêm là cùng khóa I Cao đẳng Sư phạm Quy Nhơn về đây còn có Phạm Đức Thắng, Nguyễn Thị Châu, Trần Văn Hạnh, Ưng Quang Cân, Châu Trưởng, Lưu Hồng Sơn, Đỗ Ngọc Khuynh…
Khổ cực trăm bề. Lương thấp. Ăn uống thiếu thốn. Bệnh sốt rét triền miên. Nhưng cuộc sống và công việc dạy học ở vùng đồng bào dân tộc Jrai những năm ấy như một liều thuốc thử thách lòng nhiệt thành tuổi trẻ đã mang lại cho chúng tôi nhiều điều bổ ích.
Các bạn đồng môn những năm sau này đều được đề bạt vào những chức vụ cao ở địa phương: Trần Văn Hạnh, Phạm Đức Thắng, Đặng Quang Vinh, Nguyễn Văn Minh, Bùi Văn Bảo là Trưởng phòng Giáo dục các huyện Ia Grai, Chư Păh, Đak Tô, Kbang; Nguyễn Văn Thanh-Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP. Pleiku; Ưng Quang Cân-Phó Chủ tịch HĐND huyện Ia Grai 4 khóa liền; Châu Trưởng-Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Chư Păh; Nguyễn Trường Thanh-Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh; Nguyễn Như Phi-Chủ tịch UBND huyện Mang Yang; Nay H’Tuyết-Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Ngọc Tuấn-Bí thư Thị ủy An Khê…
Giờ thì anh Hạnh, anh Bài đã mất, còn lại tất cả đều đã nghỉ hưu. Mỗi khi có dịp gặp nhau, ai cũng bồi hồi nhắc nhớ nhau về những kỷ niệm thân thương của một thời thanh xuân sôi nổi. Các bạn có thể hỏi tại sao chúng tôi lại có thể vượt qua những năm tháng đầy khó khăn, gian khổ ngày ấy ư? Tất cả chỉ trong một lẽ giản đơn thôi: Vì học sinh thân yêu!
THANH PHONG

Có thể bạn quan tâm