Mỗi tiếng chuông là một đóa sen nở trong lòng người, là lời thệ nguyện suốt đời hành thiện theo hạnh từ bi...
Tiếng chuông từ bờ bắc sông Hương vọng sang bờ nam, chậm rãi băng qua mặt nước êm đềm của dòng Hương, băng qua những ngọn lúa xanh rì đồng Bàu Vá... Ảnh: Bùi Ngọc Long |
Huế của những thập niên 1980, giấc đêm thường yên tĩnh trầm mặc, không tiếng động cơ xe máy ầm ào, chỉ có tiếng xình xịch của nhà máy đèn ở cầu Kho Rèn (nay là Sở Điện lực Thừa Thiên - Huế) và những hồi chuông công phu được đánh vào lúc 19 giờ 30 và 3 giờ 30 rạng sáng mỗi ngày.
Như một thói quen, mạ lò dò rời khỏi giường, nhen bếp lửa bắc nồi cơm cho bữa sáng, chị em tôi ôm nhau rúc trong chăn nằm nướng, đếm từng hồi chuông chùa Thiên Mụ vọng ngân. Tiếng chuông từ bờ bắc sông Hương vọng sang bờ nam, chậm rãi băng qua mặt nước êm đềm của dòng Hương, băng qua những ngọn lúa xanh rì đồng Bàu Vá. Tiếng chuông là một chiếc đồng hồ báo thức gọi bác nông dân dậy sớm theo thói quen bên ấm nước chè chuẩn bị ra đồng, người quảy gánh su su, cà rốt kịp buổi đường xa chợ sớm, những cô cậu học trò chăm chỉ siêng năng ôn bài lần nữa trước khi đến trường.
Cách nhà tôi một hàng tre là ngôi chùa Thiên Hòa, những hồi chuông bát nhã khi trầm khi bổng, khi dồn dập khi khoan thai mỗi ngày rằm, mồng một hoặc vào những ngày cúng giỗ, rằm tháng Tư, rằm Vu Lan... đã in đậm vào những dòng ký ức của lũ trẻ xóm Chùa chúng tôi. Dường như tiếng chuông ở đâu cũng vậy, từ những ngôi cổ tự như Thiên Mụ, Thiên Hòa, Tường Vân... đến những ngôi chùa mới lập, tiếng chuông đều chung một đặc điểm là ngân vọng, vang xa và thẩm thấu lòng người. Tiếng chuông bàng bạc, như làn khói mỏng manh giăng mờ trên mặt nước, rồi chợt loang dần, loang dần, lay động đến tận cùng những gì còn sâu kín dưới đáy sông.
Tiếng chuông mang theo hương thơm của những nhành thạch xương bồ, băng qua những thành quách cổ kính trầm mặc ngàn năm. Tiếng chuông kể chuyện dòng sông, những trang lịch sử vương triều bi ai và hùng tráng. Tiếng chuông nhẹ thoát sớm mai cho cây lúa trổ bông, cho hoa bưởi thêm ngạt ngào hương sắc, giọt sương đêm long lanh ướt đọng trên ngọn cỏ, ông mặt trời cũng vừa mỉm cười trên cao. Tiếng chuông vỗ về, cho những khi bất chợt thấy cuộc đời là những áng mây mờ xám xịt. Chuông cho ta tìm lại những sắc màu bình yên, bỗng thấy thương thân phận người, nhân duyên chập chùng trách nhiệm ràng buộc, hiện tại này còn luyến lưu nhiều lắm.
Tiếng chuông là lời thức tỉnh, cho đóa từ tâm chợt nở rộ trước những ý niệm thảng chợt không hay, để lòng hướng thiện quay về bờ giác, rũ bỏ lòng tham giận si mê, thanh thoát hương lành. Chắp tay khấn cầu bên tiếng mõ lời kinh, tiếng chuông cho người người hướng nguyện thân tâm tinh tấn và nguyện lánh xa điều dữ, nguyện làm việc lành. Mỗi tiếng chuông là một đóa sen nở trong lòng người, là lời thệ nguyện suốt đời hành thiện theo hạnh từ bi. Tiếng chuông không phân biệt thân phận sang hèn, như những giọt cam lồ rưới yêu thương mát mẻ khắp nhân gian, chỉ còn những vòng tay rộng mở chan hòa thân ái. Không kỳ thị màu da, giới tính, giai cấp, tiếng chuông là thông điệp hòa bình trên toàn thể chúng sinh. Tiếng chuông cứ như thế mà nhẹ nhàng đi vào tâm thức, đi vào văn học, nghệ thuật...
Rời quê mẹ ta dấn thân vào chợ đời trôi nổi, làm sao có thể quên đêm thao thức trằn trọc chờ tiếng chuông báo hiệu giờ lên đường, còi tàu sân ga đang đợi người vào cuộc gian nan. Và ngày hôm nay khi những bước chân đã quá mỏi mệt, ta muốn rũ sạch bụi đường tìm về bên mái nhà một thuở, trên chiếc giường năm xưa ta lại bồi hồi lần tìm những hồi ức bao năm qua, những trang giấy tâm hồn tưởng đã rêu xanh phủ mờ trong tâm khảm, để chợt thảng thốt biết mình đang chờ đợi, đang tìm kiếm một thanh âm ngày cũ.
Tiếng chuông vẫn như người mẹ già cần mẫn, bao dung, chậm rãi đưa ta qua những hồi chuông công phu của cuộc đời đang rộng vòng tay yêu thương đón đợi!
Theo TRANG THÙY (thanhnien)